Ăn pịa (phân non) ngay sau khi giết mổ động vật (cắt từ clip) - Ảnh: H.DƯƠNG
Những kênh YouTube của các bạn trẻ ở vùng cao đua nhau xuất hiện. Tưởng đây là chuyện đáng mừng, nhưng kèm với đó là những câu chuyện đáng phải rùng mình xem lại nội dung phản cảm được đăng tải tràn lan.
Vào trang chủ của YouTube, dù vô tình hay cố ý cũng có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm kênh YouTube của nhiều cá nhân, hội, nhóm xưng là người đồng bào các dân tộc vùng núi cao phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên...
Rừng xanh đau đớn
Những kênh mang cái tên hết sức đặc trưng vùng núi với số lượt đăng ký từ vài ngàn đến vài chục ngàn người, thậm chí cả trăm ngàn lượt. Và nhiều kênh YouTube mới về rừng núi vẫn liên tục xuất hiện với những cảnh quay núi rừng, nương bản...
Cũng là điều tốt khi phong cảnh và đời sống văn hóa, ẩm thực núi rừng lên sóng và lan truyền. Nhưng rồi người xem không khỏi giật mình với hàng loạt video hiện ra những hình ảnh đại diện là cung nỏ, các loại bẫy, xác chim, thú hoang bị săn bắt, sâu bọ, rắn rết, đốt lửa trong rừng...
Kênh N. của chàng trai tự giới thiệu sinh năm 1995, người Mường ở vùng Yên Thủy, Hòa Bình tuy mới chỉ lập được hơn 6 tháng đã phát hơn 220 video với hơn 87.000 người theo dõi và hơn 1 triệu lượt người xem. Hầu hết video có độ dài 15-30 phút với nội dung tương tự là cảnh quay một nhóm bố - con, chú - cháu cùng vào rừng núi săn bắt, bẫy chim, thú, đốt lửa nấu ăn tại chỗ.
Chim rừng, gà rừng, sóc, dúi, nhím, dơi... đến rắn, rết, bọ cạp cực độc đều được săn bắt và lên sóng kèm lời bình đầy hào hứng, thích thú của chủ kênh. Những khung hình bắt rắn, rết cực độc bằng tay không, những con thú dính bẫy, dính tên máu me còn nguyên được quay cận cảnh đến rùng mình.
Tương tự, chàng trai xưng là người Dao ở Sơn Dương, Tuyên Quang, chủ kênh R., cũng đã đăng khoảng 130 video về cảnh săn bắn, bẫy chim thú trong hơn 3 tháng qua. Những tiếng chim thú kêu thét đau đớn đến cảnh vặt lông, lột da, thui nướng... đều được quay rõ nét.
Và còn rất nhiều kênh khác với nhân vật trong video cùng có những hành động chặt cây, đào bới, đốt lửa vô tội vạ trong các cánh rừng. Tất cả đều với mục đích là chủ kênh muốn đăng video để gây chú ý, tò mò, câu kéo người xem.
Những video về cảnh săn bắn, bẫy chim thú rừng của một kênh YouTube - Ảnh: H.DƯƠNG
Kiểu ăn uống đáng sợ
Những video kiểu này đã có số lượt xem, chia sẻ cực lớn. Dưới mỗi video là hàng trăm bình luận tỏ thái độ hào hứng, thích thú, cổ vũ cho các nhân vật thực hiện. Thỉnh thoảng mới có ý kiến bình luận phản đối hay bất bình.
Có thể trong cuộc sống hằng ngày nơi núi rừng, đâu đó thỉnh thoảng sẽ có những việc tương tự trên nhưng việc đua nhau vào rừng thực hiện rồi quay lại, phổ biến chúng lên kênh YouTube với lượt xem khổng lồ, chúng tôi nghĩ sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực.
Việc này báo động về lối sống, ý thức bảo vệ rừng và môi trường sinh thái từ đời thực đến cộng đồng mạng. Sao lại phô diễn và cổ súy việc tàn phá, hủy hoại rừng, bắn giết chim thú?
Không khỏi kinh sợ khi xem những cảnh ăn cá sống hay chế biến và ăn "pịa" (phân non) động vật, cảnh thách rượu trong ngày cưới bằng bình, bát... nhan nhản trên mạng. Như kênh N. và H. của nhóm bạn xưng là người dân tộc Thái ở Sơn La hiện có hơn 800 video đã đăng trong 10 tháng qua, với hơn 500.000 người theo dõi.
Nội dung video diễn tả cảnh nấu nướng, ăn uống không chỉ rất mất vệ sinh mà còn gây cảm giác rùng mình, kinh hãi. Như món cá vừa bắt dưới ao, rửa qua loa kèm với chậu gia vị, nước dùng, can rượu, thế là cả nhóm ăn ngay tại bờ. Cá sống nguyên con vẫn nhảy loạn xạ trong chậu, rồi cựa quậy trên miệng cùng máu me sau mỗi lần cắn.
Rồi những video quay cảnh mổ thịt động vật và mọi người cùng thích thú, hào hứng ăn nội tạng sống chấm với pịa ngay tại chỗ. Những món ăn truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc được diễn lại thái quá để quay video lôi kéo người xem đã thành phản cảm, mất vệ sinh. Hết ăn rồi đến uống, nhiều video uống rượu vô chừng, say xỉn nằm vật vã ngoài đường, ngoài chợ, dưới đồng.
Ngay trong đời sống hiện đại, chúng tôi nghĩ những món ăn, cách uống kiểu như vậy nên được tuyên truyền để xóa bỏ chứ không phải là trưng ra, cổ vũ.
Có trách nhiệm của YouTube?
Và nội dung những video clip này, từ quay, tự đăng tùy vào góc nhìn, nhận thức của một nhóm người. Có thể họ vì mục đích kiếm tiền từ những video ngàn người xem này (hoặc chưa kiếm được tiền). Nhưng kiếm tiền bằng mọi cách như vậy có gì hay, có ích gì cho cộng đồng? Trong khi việc kiểm duyệt nội dung đăng phát những video nói trên vẫn còn bỏ ngỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận