Rừng bị phá ở xã Ia Dreh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) - Video: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Đây là địa phận giáp giới giữa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk), khu vực rừng quản lý của xã Ia Dreh và rừng phòng hộ Nam Sông Ba (do tỉnh Gia Lai quản lý).
Tan nát lõi rừng
Khác với khung cảnh bạt ngàn rừng xanh nhìn từ xa, lọt vào vùng lõi rừng, liên tiếp nhiều vạt rừng bị đốn hạ ngổn ngang diễn ra trước mắt phóng viên. Rừng bị triệt hạ trên một diện tích rộng lớn trong vài tháng trở lại đây. Những gốc gỗ giá trị đã bị cưa xẻ và mang ra khỏi rừng.
Những cành lá còn lại sau khi cây rừng bị lấy đi qua một vài tuần nắng khét đã khô, chỉ chờ một mồi lửa bùng lên là cả một vạt rừng hóa thành than tro và sau đó biến thành… rẫy. Cứ thế, rừng biến thành rẫy lớn dần lên từ khoảng nhỏ thành khoảng lớn ở vùng này.
"Ngày xưa người dân phát rừng bằng rìu, bằng rựa mỗi năm chỉ mất độ 1- 2ha rừng thôi. Nhưng giờ cưa bằng máy, chỉ cần trong một tuần là lâm tặc cưa tới vài hecta. Có khoảnh rộng vài hecta bị đốn trắng trong vùng rừng này" - người dẫn đường lý giải.
Rừng bị đốt và triệt hạ - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Gỗ xẻ xong bỏ rải rác chờ máy kéo vào gom chở đi - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Nhiều bãi gỗ tập kết nằm sâu trong rừng - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Nhiều cây gỗ lớn bị triệt hại - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Càng đi sâu vào vùng lõi rừng, phóng viên đã phát hiện hàng chục điểm tập kết gỗ ngay bên vệ đường. Các cây gỗ bằng lăng to bị cưa xẻ thành các hộp vuông (chiều dài 2m, rộng 20-30cm) được tập kết ở nhiều điểm khác nhau.
Chỉ trong hai điểm mà phóng viên đủ thời gian khảo sát, có tới hàng chục hộp gỗ rải rác trong cỏ tranh, giấu trong rừng sát cạnh đất rẫy người dân canh tác. Gỗ được đánh số, được để cạnh đường lớn có vết bánh xe máy kéo đến chở đi.
"Lâm tặc ở đây có 2 loại. Một là người ở vùng khác đến cưa gỗ đưa ra ngoài bán lấy tiền. Hai là người địa phương vào rừng đốn gỗ, cưa xẻ để làm nhà và phá rừng làm nương rẫy.
Đối với nhóm lâm tặc ở vùng khác đến thì có lúc đi từng đoàn tới vài chục người. Họ dùng xe máy độ chế chở gỗ đến nơi tập kết rồi chờ thời điểm đưa máy kéo vào rừng chở ra. Gỗ chở ra đến đường Đông Trường Sơn rồi đi đâu nữa thì bọn tôi không rõ" - người dẫn đường cho hay.
Nhiều khoảnh rừng lớn bị tàn phá - Video: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Lợi dụng lúc cách ly xã hội
Ra khỏi rừng, phóng viên có cuộc làm việc với ông Trương Quốc Dụng, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pas.
Ông Dụng cho biết đơn vị này cũng thường xuyên phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để nắm bắt tình hình, truy quét các đối tượng lâm tặc hoạt động ở vùng giáp ranh. UBND huyện cũng đã thành lập đoàn liên ngành do Hạt kiểm lâm huyện chủ trì thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, tập trung vào "điểm nóng" Ia Dreh.
"Gần đây, các đối tượng phá rừng thường xuyên lợi dụng việc vận chuyển nông sản của người dân và các phương tiện vận chuyển gỗ rừng trồng của Công ty trồng rừng MDF trên địa bàn để chuyển gỗ lậu. Đặc biệt là khoảng thời gian đang thực hiện cách ly xã hội để vào phá rừng" - ông Dụng nói.
Ông Dụng cũng cho biết đã phát hiện nhiều nhóm lâm tặc từ tỉnh Phú Yên đến khai thác, vận chuyển lâm sản ở khu vực này. Từ cuối tháng 2-2020 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 4 vụ tàng trữ lâm sản với hơn 10m3 gỗ các loại.
Mới đây, ngày 24-3, trong quá trình truy quét, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, dỡ bỏ 3 lán trại của các đối tượng ở vùng giáp ranh với khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Cũng theo ông Dụng, chiều 11-4, Hạt kiểm lâm huyện đã phát hiện vụ tàng trữ lâm sản quy mô lớn rải rác ở nhiều điểm tại khu vực nêu trên. Cụ thể: đơn vị đã phát hiện 5,3m3 gỗ bằng lăng; 70 tấm khúc và các loại khác. Hiện đơn vị đang triển khai lực lượng truy tìm hiện trường các gốc gỗ, xem thử gỗ bị đốn hạ ở vị trí nào.
Nhiều cây rừng lớn bị triệt hạ và đốt phá - Video: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
"Về tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, trước đây tỉnh Gia Lai có giao một doanh nghiệp tên là Tân Tiến thực hiện dự án trồng rừng tại đây. Tuy nhiên, đơn vị này không thực hiện đúng cam kết nên tỉnh thu hồi.
Và từ diện tích giao trồng rừng đó, người dân ở Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk đến phá rừng, lập chòi rẫy để ở và làm rẫy. Ban đầu có một vài hộ, nhưng đến nay có khoảng 80 hộ dân đến làm nhà ở cả gia đình tại đây. Cộng thêm số chòi rẫy của người dân địa phương tại khu vực dân cư tự phát này thì lên đến gần 200 chòi. Đây là một "điểm nóng" của huyện và sắp tới chúng tôi sẽ quyết tâm xử lý", ông Dụng nói.
"Tôi sẽ chỉ đạo anh em ngay lập tức vào rừng..."
Chiều 12-4, phóng viên cũng hỏi ông Tô Văn Chánh, chủ tịch UBND huyện Krông Pa, về tình trạng phá rừng đang diễn ra tại xã Ia Dreh, ông Chánh cho biết sẽ ngay lập tức triển khai lực lượng chức năng đến hiện trường xử lý vụ việc. "Tôi sẽ chỉ đạo anh em ngay lập tức vào rừng kiểm tra xác minh và xử lý nghiêm", ông Chánh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận