07/10/2009 05:10 GMT+7

Rừng dương mất, bão dữ hơn

TÚ PHƯƠNG
TÚ PHƯƠNG

TT - Cơn bão số 9 tràn qua miền Trung đã không gặp bất kỳ vật che chắn nào. Đi dọc bờ biển từ Đà Nẵng vào đến Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), những rừng dương - được xem là vật cản gió bão từ bao đời nay - đã bị đốn trụi chỉ còn trơ lại những cồn cát trắng.

Rừng dương mất, bão dữ hơn

TT - Cơn bão số 9 tràn qua miền Trung đã không gặp bất kỳ vật che chắn nào. Đi dọc bờ biển từ Đà Nẵng vào đến Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), những rừng dương - được xem là vật cản gió bão từ bao đời nay - đã bị đốn trụi chỉ còn trơ lại những cồn cát trắng.

ImageView.aspx?ThumbnailID=366663
Gia đình ông Huỳnh Thành ở sát cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vớt vát những gì còn sót lại sau bão lũ - Ảnh: Minh Thu

Trong thập niên qua, chưa có cơn bão nào mạnh như cơn bão số 9 vừa qua kết hợp lũ về phá tan tành con đường ven biển Cửa Đại. Ông Lê Văn Giảng - chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết khi thiết kế kè con đường ven biển Cửa Đại đã tính toán nhưng không ngờ bão kết hợp với lũ tần suất mạnh vừa qua phá hỏng kè, đường. Ông nói thêm nếu không khắc phục kịp thời đoạn kè, đường này, chỉ một hai cơn bão lũ nhỏ, toàn bộ con đường 3km và các khu du lịch ven đường sẽ bị phá hỏng. Đồng thời biển sẽ dâng cao xâm thực vào các khu dân cư.

Còn Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự cương quyết: “Sau cơn bão này, các dự án ven biển nào không thực hiện thì gấp rút thu hồi và trồng dương chắn sóng. Sửa lại toàn bộ các dãy đê. Thiệt hại to lớn sau cơn bão này một phần do chính bàn tay con người gây ra”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=366675
Hệ thống giao thông lên các huyện miền núi ở Quảng Ngãi bị phá tan hoang - Ảnh: Võ Minh Huy
ImageView.aspx?ThumbnailID=366676
Xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tiêu điều sau bão - Ảnh: Võ Minh Huy

Tiêu điều, xơ xác

Bên kia sông, nhiều làng mạc ven biển kéo dài từ xã Duy Hải (Duy Xuyên) đến Bình Hải (Thăng Bình) vào tận huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng nằm trong cảnh xơ xác. Nhiều ngày sau cơn bão đi qua nhưng hiện tượng cát bay tấp vào nhà dân, cát tràn vào tuyến đường thanh niên ven biển vẫn còn ngổn ngang. Chưa kể hàng loạt cây to bị gãy đổ, trong khi đó ở một số khu vực có những cụm rừng dương chắn sóng, chắn cát thì vẫn trụ vững.

Thiên tai dày hơn

Chiều 6-10, ông Văn Phú Chính - giám đốc Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây nguyên - cho biết việc tàn phá rừng phòng hộ, rừng ven biển với tốc độ ngày càng lớn trong những năm qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lần xuất hiện thiên tai dày hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng: bão Chanchu năm 2006, Xangsane năm 2007 và bão Ketsana (bão số 9) năm 2009, lũ lớn xuất hiện năm 2007 và năm 2009.

Ông Chính khuyến cáo: “Tôi cho rằng song song với giải pháp của chính quyền về việc bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, ý thức của người dân vẫn là quan trọng nhất và cần có sự gắn kết của cộng đồng xã hội để hạn chế tình trạng phá rừng, đồng thời có kế hoạch trồng rừng, xây dựng các hồ chứa nước thượng nguồn để giảm lũ cùng với một quy trình vận hành hợp lý”.

TÚ PHƯƠNG

Ông Nguyễn Nghiêm (74 tuổi, thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) đang dọn dẹp lại căn nhà bị đổ nát do sóng đánh. Ông Nghiêm cho biết những năm trước nhà dân núp dưới hàng dương che chắn nên bớt gió.

Những năm gần đây, việc hàng loạt doanh nghiệp từ đâu kéo về đây chặt rừng tan hoang, đem máy cày, xe ủi phá cả cửa biển làm hồ nuôi tôm nên cát lấn và gió quật rất mạnh. Tại thôn Hà Bình, xã Bình Minh, nhiều đoạn đê chắn sóng bị biển cào sâu vào đất liền. Hàng loạt hàng quán tại đây bị cát biển vùi sâu gần nửa mét.

Chủ tịch UBND xã Bình Hải Trần Văn Can khẳng định chính việc chặt phá rừng dương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái nơi đây. Cả xã có gần 50ha đất ven biển được biến thành hồ tôm, ngoài ra hàng chục hecta rừng khác đã bị tàn phá. “Bây giờ người dân không có chỗ để ghe, thuyền khi có bão. Bởi rừng bị tàn phá, đê chắn sóng bị biển xâm thực ngày một sâu vào đất liền” - ông Can nói.

“Xã tôi có nguy cơ bị xóa sổ”

Mặc dù cơn bão dữ đi qua đã gần một tuần nhưng người dân ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ôm tấm tôn còn sót lại dưới mép biển bên nền nhà trơ trọi, bà Trần Thị Thành (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh) buồn bã nói: “Trước đây, người dân trồng rừng dương phòng hộ làm vành đai chắc chắn bao bọc quanh thôn.

Năm 1999, triều cường dữ quá đã cuốn đi khá nhiều rừng phi lao ven biển. Đất chật, người đông, quỹ đất hạn hẹp, biết rằng nguy hiểm nhưng người dân vẫn ra làm nhà ven biển gần cửa biển Sa Cần chứ biết ở đâu bây giờ”.

Ông Nguyễn Duy Khắc, bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh, lo lắng: “Rừng dương thưa thớt dần, gió bão càng trở nên hung hãn hơn, triều cường ngày càng lấn sâu thêm vào quỹ đất của xã đe dọa tính mạng, tài sản hàng trăm hộ dân sống ven biển trên địa bàn xã chúng tôi”.

Ông Lê Thanh Phách, chủ tịch UBND xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, phân tích: “Trước năm 1999, xã có hơn 20ha rừng dương phòng hộ ven biển nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10ha. Triều cường đang xâm thực dần vào quỹ đất của xã, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây sóng biển đã cướp đi hơn 70ha đất và rừng dương ven biển của xã (từ 520ha đất tự nhiên giờ chỉ còn khoảng 450ha). Nếu rừng dương phòng hộ ven biển không còn, thiên tai diễn biến phức tạp như thế này, xã chúng tôi có nguy cơ bị xóa sổ bởi triều cường và gió bão”.

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG - MINH THU

Kè biển không... cốt thép

TT - Tại Đà Nẵng, sau bão, con đường ven biển Nguyễn Tất Thành dài hơn 10km nối liền từ bãi tắm Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) đến giáp cầu Thuận Phước (quận Hải Châu) bị sóng đánh tơi tả từ bờ kè đến vỉa hè, cống thoát nước.

ImageView.aspx?ThumbnailID=366664
Một đoạn kè đường Nguyễn Tất Thành bị sập không một cây thép trong bêtông (ảnh chụp chiều 6-10) - Ảnh: V.Hùng

Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ chiều 6-10, hiện trường trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành được đánh giá là “con đường 5 sao” hầu như tan hoang, nhiều đoạn đường lún sụt phải cấm phương tiện giao thông. Hầu hết gạch lát trên vỉa hè bị sóng đánh bật và hất tung cát, gạch lát vỉa hè thành từng đống lớn. Bãi tắm Thanh Bình chạy dọc đường Nguyễn Tất Thành với bãi cát trắng mịn trước đây giờ chỉ còn lại những bãi đá trơ trọi lấn sát lề đường.

Trước đây, muốn ra đến mép biển phải băng qua bãi cát dài gần 50m, bây giờ nhiều người dân đứng ngay trên đường Nguyễn Tất Thành để... câu cá khi nước biển đã liếm sát bờ kè. Một người dân chỉ cho chúng tôi giàn hoa leo trang trí đúc bằng bêtông trên vỉa hè tuyến đường, trụ bêtông đường kính gần 30cm bị ngã đổ, trong khi cạnh đó là cây dương liễu vẫn đứng vững vàng trong bão.

Bờ kè dọc tuyến đường này có đến tám điểm bị sạt lở nặng từng đoạn dài, có đoạn gần 20m. Các khối bêtông đã bị sóng biển đánh tơi tả, nát vụn. Trong những khối bêtông ngả nghiêng đổ gãy đó chúng tôi dễ dàng dùng tay bóp nát bởi trong đó chỉ toàn là cát và ximăng, thi thoảng mới tìm thấy vài sợi sắt có đường kính cỡ cây căm xe đạp. Các khối bêtông không hề có cây thép nào. Điều này dễ hiểu bởi các tấm bêtông kè biển này đơn giản chỉ được đúc bằng đá, ximăng và cát.

Trong khi đó ngay trên tuyến đường này, từ km7+608 đến km8+478 đang thi công dở dang nhưng khi bão vào, sóng vỗ mạnh thì không hề hư hại. Ngay sau bão, đơn vị thi công tiếp tục hoàn thành công trình mà không hề hư hỏng gì. Các kỹ sư của công trình này cho biết những tấm bêtông chắn sóng chịu được bão số 9 vì có cốt thép. Cách khoảng 3m, bốn trụ sắt phi 14 được đan chéo bằng những thanh sắt phuy 10 thành những ô nhỏ có diện tích khoảng 20cm2. Bằng chứng là những đê chắn này đứng vững vàng trong cơn bão vừa qua.

Liên quan đến việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, chất lượng của bờ kè, vỉa hè tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành bị hư hỏng đang được dư luận Đà Nẵng quan tâm, trong ngày 6-10 chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Đặng Việt Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng - nhưng ông Dũng đều bận họp.

Cuối giờ chiều 6-10, trao đổi qua điện thoại, ông Văn Hữu Chiến - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết tuyến đường này do Sở GTVT thiết kế, làm chủ đầu tư nên mọi vấn đề liên quan, Sở GTVT phải có trách nhiệm trả lời trước dư luận.

Ông Chiến cũng cho hay: “Sóng biển trong cơn bão mạnh nên đã phá hỏng nhiều đoạn bờ kè và phần lớn vỉa hè bị lún sụt, hư hỏng. UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT kiểm tra, báo cáo và thiết kế xây dựng lại như thế nào để công trình mang tính vĩnh cửu. Chứ cứ đến mỗi mùa mưa bão là bị hư hỏng, phải sửa chữa vừa tốn kém vừa mất thời gian”.

V.HÙNG - T.VŨ

TÚ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên