30/08/2016 08:54 GMT+7

​Rủi ro chính sách

ĐẬU ANH TUẤN
ĐẬU ANH TUẤN

TTO - Đối với nhiều doanh nghiệp, một chính sách ra đời có thể làm họ đối mặt với nguy cơ phá sản nhanh hơn bất cứ một rủi ro nào đó từ thương trường!

Nhiều doanh nghiệp lo phải đóng cửa, không được phân phối gas do quy định mới - Ảnh: T.T.D.
Nhiều doanh nghiệp lo phải đóng cửa, không được phân phối gas do quy định mới - Ảnh: T.T.D.

Nhiều doanh nghiệp tâm sự đối với họ hiện tại, mối lo ngại thường trực nhất không phải là cạnh tranh với đối thủ trên thương trường, không phải là chất lượng hàng hóa hay giá cả... mà là từ chính sách của Nhà nước.

Đối với nhiều doanh nghiệp, một chính sách ra đời có thể làm họ đối mặt với nguy cơ phá sản nhanh hơn bất cứ một rủi ro nào đó từ thương trường!

Một ví dụ mới nhất là nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí mà Bộ Công thương soạn thảo vừa ban hành đầu năm nay (xem bài “” trên Tuổi Trẻ ngày 29-8).

Vừa ban hành nhưng quy định này đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh khí gas vào “chỗ chết”, như tâm sự của nhiều người trong số họ.

Theo quy định này thì điều kiện để được kinh doanh cao hơn rất nhiều thực tế hiện tại. Chẳng hạn như muốn tham gia phân phối khí phải có bồn chứa tối thiểu 300m3, phải có trạm nạp sau 2 năm, sở hữu ít nhất 100.000 vỏ bình gas, phải có 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh...

Các điều kiện kinh doanh cao một cách vô lý, chẳng hạn điều kiện tối thiểu phải sở hữu quy mô 100.000 vỏ bình gas, quy mô này cao hơn gấp đôi toàn bộ quy mô thị trường tại tỉnh mà họ đang kinh doanh...

Đó là chưa tính những yêu cầu dạng “con gà, quả trứng” trong nghị định 19 và thông tư hướng dẫn 03/2016 của Bộ Công thương.

Các văn bản này quy định trạm nạp gas buộc phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp phân phối gas.

Một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối gas.

Tuy nhiên, muốn có giấy chứng nhận này thì lại phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai.

Hai loại giấy phép do bộ và sở công thương cấp. Quy định con gà - quả trứng tương tự đối với giấy phép tổng đại lý kinh doanh gas và cửa hàng bán gas. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải chạy như đèn cù giữa bộ và sở và không biết khi nào đáp ứng được.

Những rào cản phi lý dựng lên đối với hoạt động kinh doanh như tại nghị định 19 này thực chất có lợi cho ai?

Đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước? Một trong những mục tiêu quan trọng của quy định như nghị định 19 là đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, yêu cầu an toàn, tính mạng con người...

Tuy nhiên không có bằng chứng về liên hệ giữa việc duy trì một quy mô quá lớn và phòng chống cháy nổ. Điểm gốc rễ là đặt ra các tiêu chuẩn an toàn phù hợp và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.

Bảo vệ người tiêu dùng? Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ khi thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh.

Thật sự mục tiêu này hoàn toàn không đạt được khi nghị định này trao thị trường vào tay những doanh nghiệp lớn. Nếu chỉ những doanh nghiệp lớn tham gia thị trường, họ dễ dàng có được thị phần và không có động lực để giảm giá thành, tăng chất lượng dịch vụ.

Một hệ quả thấy được khi nghị định 19 được ban hành là hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Có ít nhất 10 doanh nghiệp đã gửi đơn kêu cứu đến VCCI trong thời gian qua về nghị định 19 này, cho rằng quy định này đang dồn họ đến “bước đường cùng”, phải đóng cửa, phải phá sản.

Cay đắng là một phần sản nghiệp của họ bị mất khi giá trị doanh nghiệp của họ cũng bị giảm vì quy định này.

Sau khi nghị định 19 ra đời thì có doanh nghiệp lớn chào mua lại doanh nghiệp có 5 tỉ đồng, dù trước đó hơn một năm giá của doanh nghiệp là 15-20 tỉ đồng.

Ai phải chịu trách nhiệm khi các quy định tạo ra rủi ro và thiệt hại cho doanh nghiệp?

ĐẬU ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên