Theo ấn bản mới nhất về "Chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu" của UBS được công bố ngày 20-9, trong 25 thành phố tiêu biểu trên toàn cầu được khảo sát, chỉ có 2 thành phố - Zurich (Thụy Sĩ) và Tokyo (Nhật) - vẫn nằm trong danh mục "rủi ro bong bóng".
Năm 2022 có 9 thành phố trong danh mục này.
Frankfurt, Munich (Đức) và Amsterdam (Hà Lan) là ba thành phố châu Âu đã rời nhóm "rủi ro" xuống nhóm "được định giá quá cao", có rủi ro thấp hơn. Trong khi các thành phố cùng danh mục nhóm là Geneva (Thụy Sĩ), London (Anh), Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp) vẫn giữ nguyên trạng đánh giá so với năm 2022.
Theo UBS, Madrid (Tây Ban Nha) cũng đã chứng kiến giá bất động sản giảm xuống danh mục "định giá khá cao" cùng với Milan (Ý) và Warsaw (Ba Lan).
Theo trang Euro News, "bong bóng bất động sản" xảy ra khi giá bất động sản tăng với tốc độ nhanh chóng và không thể ổn định, do cầu tăng trong khi nguồn cung hạn chế. Đến một thời điểm nào đó, nhu cầu đột ngột chững lại hoặc giảm sút, dẫn đến giá giảm mạnh và làm vỡ bong bóng.
UBS cho rằng sự suy giảm chung trên thị trường nhà ở là do nền kinh tế phải chứng kiến lạm phát và lãi suất gia tăng trên toàn cầu suốt hai năm qua do xung đột ở Ukraine, đại dịch COVID-19 cùng các yếu tố khác.
Ngân hàng UBS cho biết từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, giá nhà thực tế tại 25 thành phố UBS khảo sát đã giảm trung bình 5% và có thể sẽ tiếp tục giảm.
Theo UBS, mức giảm lớn nhất nằm ở Frankfurt (Đức) và Toronto (Canada) - hai thành phố có điểm rủi ro cao nhất trong báo cáo năm 2022 của UBS - đều chứng kiến giá giảm 15%.
“Chi phí tài chính thấp là huyết mạch của thị trường nhà ở toàn cầu trong thập kỷ qua và đẩy giá nhà lên mức cao chóng mặt. Tuy nhiên, sự kết thúc đột ngột của môi trường lãi suất thấp đã làm các nhà đầu tư khốn đốn", các tác giả của báo cáo cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận