Thế là tôi được trải nghiệm cảm giác quá giang xe… cứu thương của một Hội chữ thập đỏ, để đến Trường tiểu học Minh Tâm, huyện Hớn Quản, Bình Phước, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Chiếc xe cứu thương đặc biệt này chuyên dùng để chở miễn phí các bệnh nhân “khó qua khỏi” hoặc… vừa mới mất tại các bệnh viện của thành phố, về lại quê nhà.
“Từ ngày hoạt động đến giờ, “nó” đã chở hai mươi mấy… người chết” - anh Hoàng, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm… kiêm tài xế chiếc xe, bình thản kể với chúng tôi!
Băng-ca ở khoang sau được tháo ra, để dành chỗ chất 10 bao quần áo cũ, mười mấy trái dưa hấu, bình nước...
Đúng 4h sáng 6-2, ba người chúng tôi xuất phát từ một quán cơm từ thiện miễn phí trên đường Chu Văn An, Bình Thạnh, để kịp đến ngôi trường vùng sâu vùng xa đó, trước giờ chào cờ sáng thứ hai hàng tuần.
Trên đường đi, còn phải dừng lại tại một tiệm tạp hóa ở Hớn Quản để mua sữa và xúc xích cho các em ăn sáng, đồng thời “xuống hàng” mười bao quần áo cũ, nhờ họ chuyển dùm cho người đại diện của giáo xứ địa phương, nhận phân phát đến tay đồng bào nghèo.
6h25, sau khi băng qua nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi đến nơi. Khi đó, chỉ mới có lưa thưa vài em đến sớm để lấy ghế nhựa, xếp thành nhiều hàng ở sân trường, chuẩn bị cho lễ chào cờ.
Tranh thủ nửa tiếng trước khi diễn ra nghi thức dưới cờ, thầy cô phân chia hơn 300 khẩu phần ăn gồm bánh mì, sửa, xúc xích và dưa hấu, còn ba người chúng tôi, mỗi người một việc.
Anh Hoàng mời năm em tình nguyện ra bồn rửa tay công cộng, sạch sẽ trước mặt nhà vệ sinh khang trang, thực hành “rửa-tay-sáu-bước”, để anh ấy chụp hình, anh bạn tôi quay clip bằng ipad, còn tôi ký họa.
Tôi chỉ kịp vẽ nhanh hai hình ảnh:
1/ Nhóm thiện nguyện của bạn tôi tài trợ cho học sinh ngôi trường này bồn rửa tay công cộng, xà phòng, khăn, hướng dẫn các em cách “rửa-tay-sáu-bước” theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc và hàng tháng mang đến cho các em phần quà ăn sáng…
2/ Tình cờ, trước lúc chào cờ, tôi thấy có một số em mặc đồng phục, nhưng đi… chân không! Hỏi giày dép đâu? Các em nói để ở trước cửa lớp và đã quen như vậy rồi (?!).
Trên đường trở về thành phố, khi xem lại hai ký họa, tôi bất chợt bâng khuâng về sự tương phản… Hình ảnh một số học sinh, sau khi được hướng dẫn, đã có thói quen rửa tay sạch sẽ, nhưng vẫn không bỏ được thói quen đi chân không, chạy nhảy trong sân trường…
Liệu các em có rửa… chân sạch, hay lại mang cả đôi chân trần ấy vào lớp học? Thầy cô có biết việc này không? Đó là “vấn đề tôn trọng tập quán sinh hoạt riêng” hay là “vấn đề của y tế học đường”?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận