Để giúp trẻ dễ chịu hơn, tránh tình trạng dịch nhầy và rỉ mũi bít tắc đường thở, nhiều bậc phụ huynh thường rửa mũi cho trẻ. Việc rửa mũi đúng cách cũng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập xuống họng, vào tai và ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp cho trẻ.
Theo khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên quá lạm dụng việc rửa mũi cho trẻ, chỉ nên áp dụng cho những trường hợp trẻ bị sụt sịt hoặc bị nghẹt mũi. Những trường hợp thông thường, mũi của trẻ sẽ có cơ chế tự làm sạch riêng. Rửa mũi thường xuyên sẽ làm mất đi lớp nhầy tự nhiên tạo độ ẩm và ngăn ngừa bụi bẩn trong khoang mũi, càng làm tăng nguy cơ gây khô mũi, viêm mũi. Thậm chí, nhiều trường hợp rửa mũi cho trẻ quá thường xuyên có thể gây teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng chức năng khứu giác của trẻ. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi… Khi nhỏ thuốc, cần theo đúng liều lượng, hướng dẫn ghi trên lọ.
Rửa mũi cho trẻ đúng cách theo các bước sau
- Trải miếng lót chống thấm lên giường/bàn và đặt trẻ nằm nghiêng trên đó, đặt 1 tay lên đầu trẻ và giữ nhẹ để tránh việc trẻ giãy giụa có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi.
- Lót vài lần khăn xô dày dưới cổ và đầu trẻ để nước rửa chảy ra thấm vào đó.
- Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì mẹ có thể tiến hành rửa luôn. Trong trường hợp dịch mũi đặc lại, có rỉ mũi dính trong lỗ mũi thì mẹ nên nhỏ 2 - 3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi 1 lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi thì nhẹ nhàng dùng tay day day mũi trẻ để rỉ mũi mềm và bong ra.
- Đặt miệng lọ nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên của trẻ, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra ở lỗ mũi bên kia. Dịch mũi và rỉ mũi có thể cuốn theo nước muối chảy ra lỗ mũi phía bên kia hoặc qua miệng trẻ.
- Sau khi xịt hết lọ nước muối, mẹ có thể dùng đèn pin kiểm tra xem còn nhiều dịch/rỉ trong mũi trẻ không, có thể tiếp tục xịt thêm nước muối nếu dịch/rỉ mũi chưa ra hết.
- Dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng, trấn an trẻ vài phút trước khi quay trẻ nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia.
- Nếu dịch mũi quá đặc và "không chịu" trôi ra theo nước, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho con. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi.
Những lưu ý quan trọng về cách rửa mũi cho trẻ
- Cần rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi tiến hành rửa mũi cho trẻ.
- Kiểm tra đầu lọ nước muối sinh lý, đảm bảo không có bất cứ gờ, cạnh sắc nào có thể gây tổn thương mũi bé.
- Không xịt nước muối quá mạnh tay, không nên sử dụng xi lanh để rửa mũi vì có thể gây áp lực lớn lên niêm mạc mũi. Hiện nay trên thị trường có bán sẵn dụng cụ rửa mũi với đầu ống được thiết kế tròn, mềm an toàn cho trẻ.
- Với những lần rửa mũi đầu, trẻ có thể không hợp tác nên giãy giụa rất nhiều, mẹkhông nên mất bình tĩnh và cố gắng làm đúng theo hướng dẫn để tránh việc trẻ bị sặc hay xước mũi.
- Nên rửa mũi cho trẻ trước khi ăn và lúc trẻ còn đang thức.
- Không lạm dụng xịt quá nhiều lần (chỉ nên rửa 2 - 5 lần/ngày), nhất là khi trẻ có dấu hiệu viêm mũi sẽ khiến mũi trẻ khô, rát vì niêm mạc mũi tổn thương và mất đi độ ẩm.
Với cách rửa mũi trên, trẻ sẽ rất dễ chịu ngay sau đó và hiệu quả khỏi bệnh cũng rất tốt. Những lần sau trẻ quen dần và có khi còn tỏ ra thích thú việc rửa mũi thay vì quấy khóc như lúc đầu. Tuy nhiên, nếu mẹ rửa mũi cho trẻ trong vòng 3 ngày không thấy đỡ, trẻ bị ho, ho có đờm thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận