27/01/2017 07:00 GMT+7

​Rứa mới là Tết Huế!

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Sau sáu tháng đến Huế làm việc ở chi nhánh công ty đặt tại thành phố này, chàng trai trẻ Sài Gòn đã quyết định đón một cái Tết cố đô để xem nó có lạ như nhiều người vẫn nói hay không.

Viếng chùa đầu năm là một lễ nghi của giới trẻ Huế - Ảnh: KIM HOA
Viếng chùa đầu năm là một lễ nghi của giới trẻ Huế - Ảnh: KIM HOA

Câu trả lời là: “Tôi đã có một cái Tết thật đáng nhớ trong đời!”. 

Chàng trai đó là Nguyễn Minh Nhựt, người Sài Gòn gốc Phan Thiết. Trong khi nhiều bạn trẻ Huế tìm đường vô Sài Gòn để lập nghiệp thì chàng trai đó lại quyết định ra cố đô làm việc, chỉ với mục đích: khám phá Huế. “Năm 1996, mình đến Huế lần đầu.

Vẻ thơ mộng và sự trầm lặng đến bí ẩn của Huế tạo nên một sức hút rất đặc biệt. Mình quyết định phải đến sống ở Huế vài năm để khám phá vùng đất này”. Và điều đó đã đến với Nhựt khi anh được chọn làm giám đốc phụ trách du lịch của một công ty ở Sài Gòn mới mở tại Huế.

“Mình đã sống với cái nắng hè gay gắt, lội trong nước lụt để về nhà trọ và nếm trải cái rét căm căm cùng cơn mưa dầm. Đặc biệt nhất là mình đã được đón một cái Tết rất đặc trưng của Huế. Tết là thời điểm Huế thể hiện vẻ đẹp của mình rõ nhất”.

Chu đáo cho cả người đã khuất lẫn người sống

Dường như những ngày cuối năm là thời gian của phụ nữ Huế. Ban ngày họ đi làm nên buổi tối là tíu tít lo làm bánh mứt, dù mọi thứ đã có ngoài siêu thị. Phụ nữ Huế thích vào bếp dù có thể order (đặt món) cho các hàng quán nấu cả bữa tiệc.

Họ nói mâm cúng ôn mệ (ông bà) mà đặt nhà hàng thì còn chi là thiêng liêng. Hiểu vậy nên khi các nữ nhân viên thường xin nghỉ sớm để về lo bếp núc cúng Tết thì “sếp Nhựt” vui vẻ đồng ý.  

Đến chơi nhà bạn bè những ngày cận Tết lúc nào cũng thấy mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, nhất là chăm sóc bàn thờ tổ tiên và mộ phần cho những người đã khuất. “Người Huế chu đáo cho cả người đã khuất lẫn người sống” - Nhựt nói.

Đêm ba mươi Tết, nhà nào cũng đông người, một bầu không khí sum họp đầm ấm và rộn ràng khác hẳn sự vắng lặng ngày thường. Dường như ai cũng muốn ở nhà. Các cô gái còn ríu rít trang hoàng lại bàn thờ ôn mệ cho đẹp hơn. 

Trước giờ giao thừa, không khí thật trang nghiêm, bàn thờ nhà ai cũng lung linh hoa đèn và mùi trầm hương thơm ngát. Hình ảnh gây ấn tượng nhất với Nhựt là nhà nào cũng đặt một bàn thờ trước sân, với một mâm cỗ đơn sơ gồm hoa trái, bánh mứt, một ly nước trắng tinh khiết, một lò trầm và một ít tờ vàng mã. 

Giao thừa là giờ khắc đất trời giao hòa, nên cúng trong nhà là cúng ôn mệ, còn phải cúng đất trời. Đi qua những con đường Thành Nội, thấy những cụ già mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, kính cẩn bái lạy trời đất.

Các cụ bà mặc áo tràng lam phật tử lần tràng hạt cầu kinh. Bên cạnh là cậu con trai mặc áo quần trang trọng đốt một đống lửa. Hỏi thăm thì mới biết đống lửa đó để cho những linh hồn cô đơn không nhà cửa được sưởi ấm, vì đêm giao thừa Huế bao giờ cũng lạnh.

Chở hoa về nhà ngày cuối năm - Ảnh: CHÂU ANH
Chở hoa về nhà ngày cuối năm - Ảnh: CHÂU ANH

Tết không chỉ là sự hưởng thụ

Khi tiếng chuông của các ngôi chùa đồng loạt ngân lên đón chào giờ khắc năm mới thì Nhựt cũng rời nhà bạn bè đi ra quảng trường Ngọ Môn, đó là sân chơi giao thừa của giới trẻ Huế ra đời cuối thập niên 1990.

Ở đó có một sân khấu nghệ thuật sôi động và cũng là nơi bắn pháo hoa. Nhiều người Huế đi xa trở về hết sức ngạc nhiên khi thấy giờ giao thừa mà ở đây vẫn còn đông nghịt nam thanh nữ tú. Bởi vì với người Huế, đi Bắc đi Nam đi đâu thì đi nhưng đêm ba mươi Tết là phải về đoàn tụ gia đình.

Một dạo, người Huế còn nghĩ rằng giờ giao thừa mà ở ngoài đường thì khác chi người vô gia cư. Vả lại, xứ Huế vẫn còn giữ phong tục “đạp đất đầu năm”, người bước chân vô nhà ngày đầu năm phải là người “nhẹ vía”, nên các cô cậu trẻ rất sợ đi chơi qua giao thừa. Bây giờ với nhiều người, nhất là các bạn trẻ, thì đã khác rồi.

Lúc Nhựt đến quảng trường thì đã thấy một đám đông bạn trẻ rộn ràng thi nhau chụp ảnh với “tấm phông” là tòa cung điện có tên gọi là lầu Ngũ Phụng nằm trên cửa Ngọ Môn được chiếu sáng như dát vàng. Không chỉ thanh niên mà còn có cả những đôi vợ chồng trẻ cũng dắt con cái đến đây chơi giao thừa.

Pháo hoa mừng năm mới vừa dứt, họ kéo nhau về nhà cúng giao thừa. Cả gia đình họ đều là vị khách đầu năm đạp đất nhà mình. 

Trong khi các ngôi nhà trong Thành Nội đã đóng cửa đi ngủ thì các quán cà phê dọc hai bờ sông Hương vẫn còn rộn ràng âm nhạc. Đám đông bạn trẻ vẫn còn nấn ná ở đó chưa chịu về.

Trong số đó có nhóm bạn của Nhựt, những người mà ngày hôm sau đã đưa anh ấy lên chùa lễ Phật và ghé nghĩa trang thắp hương cho ông bà tổ tiên một cách rất kính cẩn. “Họ trẻ trung không khác chi người Sài Gòn, nhưng vẫn rất thích đón Tết theo kiểu truyền thống. Họ nói Tết như rứa mới là Tết Huế!” - Nhựt nói.

Sáng mùng một Tết, Nhựt được bạn bè rủ lên chùa lễ Phật, sau đó lên nghĩa trang thăm mộ của người thân, rồi trở về chúc Tết những người lớn tuổi, thăm chú bác cô dì cậu mợ. Xong xuôi những phần việc mà người Huế gọi là “việc trên đầu trên cổ” thì hết ngày mùng một.

Từ ngày mùng hai trở đi mới dành cho bạn bè. Chàng trai Sài Gòn đã hiểu ra cái “điều lạ” mà nhiều người vẫn thắc mắc. Đơn giản thôi, Tết với người Huế không chỉ là sự hưởng thụ, mà trước hết phải dành cho điều thiêng liêng, cao cả! 

Có một thú chơi xuân ở Huế mà mình thích nhất đó là tục đón trăng đêm rằm đầu tiên của năm. Nam nữ thường kéo nhau lên đồi Thiên An và Vọng Cảnh, ngắm ánh trăng Nguyên tiêu và vui chơi.

Một thú chơi quá tao nhã mà có lẽ chỉ không gian thơ mộng và tĩnh mịch của Huế mới có được. Các bạn cho biết tục ngắm trăng Nguyên tiêu mới ra đời vào khoảng thập niên 1990, do chính những người trẻ Huế tạo nên. Nếu tiếp tục làm du lịch, thế nào tôi cũng sẽ mở tour khám phá “Ăn tết kiểu Huế”.

Hội vật đầu xuân của làng Thủ Lễ luôn thu hút đông đảo giới trẻ Huế - Ảnh: Đức Trí
Hội vật đầu xuân của làng Thủ Lễ luôn thu hút đông đảo giới trẻ Huế - Ảnh: Đức Trí
MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên