Phóng to |
Niềm vui của tân sinh viên Hồ Thị Son khi được anh trai chở vượt quãng đường hơn 70km từ miền núi Hướng Hóa về Đông Hà nhận học bổng trong chiều 24-8 - Ảnh: L.Đ.Dục |
Cái cảm xúc hồn nhiên đáng yêu ấy cũng có ở tân sinh viên khoa luật Đại học Huế (21,5 điểm) Hồ Thị Son, nhưng ngoài nụ cười sung sướng dường như trong ánh mắt có chút gì như loáng nước.
Son là tân sinh viên khoa luật Đại học Huế, nhà ở tận xã Hướng Phùng của huyện miền núi Hướng Hóa. Em bảo từ hôm gửi hồ sơ đi, em còn hồi hộp hơn chờ kết quả đại học.
Đêm nào cũng thao thức lo lắng dù biết hoàn cảnh mình rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ đã già, anh chị em đều nghèo khổ. Đính kèm hồ sơ của Son là “Giấy chứng nhận hộ nghèo” như một bảo chứng tin cậy về hoàn cảnh gia đình. Vậy nhưng Son vẫn lo.
Cứ nghĩ quê mình nhà nghèo nhiều thế, có nhiều bạn nghèo hơn nữa thì chắc gì mình được lọt vào trong số hồ sơ được xét? Em bảo nếu không nhận được học bổng chuyến này thì cũng không biết sẽ tính cách nào để nhập học đây...
Cũng là tân sinh viên khoa luật như Hồ Thị Son, bạn Trương Thị Thu, quê ở Cam Phú 2 (huyện Cam Lộ) là người cuối cùng nộp đơn xin học bổng khi danh sách 205 tân sinh viên đã “gút” xong.
Người mẹ cầm lá đơn tìm đến phóng viên Tuổi Trẻ vào cuối chiều, chị mặc chiếc áo của...bệnh viện, chân đi đôi dép không biết có còn được gọi là dép không.
Chị tên Thành, mẹ Thu. Hóa ra mấy tuần nay hai mẹ con cùng nằm điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh, không biết được thông báo của chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường”.
Khi biết được và mang hồ sơ đến thì chương trình đã xét xong danh sách, chị quay đi và nước mắt ứa ra. Tôi quyết định nhận bộ hồ sơ của chị và sau khi xác minh hoàn cảnh, tôi đã gọi cho anh Lê Quốc Phong, chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, để xin thêm hai suất, đấy là điều khiến con số 205 suất học bổng, đến giờ chót lại tăng thành 207 suất.
Ngoài suất “phát sinh” cho Trương Thị Thu, suất học bổng “phát sinh” thứ hai dành cho Lê Viết Đức, quê Thôn Hậu, xã Hải Trường (Hải Lăng). Đức vừa đậu ngành công nghệ thực phẩm Trường đại học Nông lâm Huế.
Cũng là một bộ hồ sơ nộp muộn vì Đức mải đi phụ hồ, không hề biết đã hết hạn, đến khi cô giáo chủ nhiệm gặp em chừng đó Đức mới biết.
Cầm bộ hồ sơ đã quá muộn, nhưng chúng tôi làm sao có thể đóng cánh cửa hi vọng trước mắt em, khi mà câu chuyện của Đức lại quá bi thiết.
Em không có bố, đứa em gái 13 tuổi đang bị bệnh tim bẩm sinh, còn mẹ em, chị Võ Thị Tám, trong một lần đi phụ hồ bị ngã chấn thương cột sống, không làm lụng gì được nữa. Đức đã định không nhập học, ở nhà lo cho mẹ và em, nhưng các cậu của Đức động viên Đức cứ yên tâm nhập học, các cậu ở nhà sẽ cố lo thêm cho mẹ và em gái.
Hai suất học bổng “giờ chót” của chương trình “Tiếp sức đến trường” ở Quảng Trị năm nay đều “kịch tính” như thế. Gọi báo tin cho các em, từ trong điện thoại tôi nghe âm thanh reo vui lẫn cùng tiếng nấc nghẹn vì mừng của chị Thành: “Rứa là con Thu có tiền nhập học rồi”!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận