TTCT - Tham dự sáu hội thảo quốc tế và đi qua bảy quốc gia trong vòng một năm, tôi có dịp nhìn lại những vấn đề của giáo dục nước mình từ góc nhìn của một người “từ bên ngoài”. Điều gì đọng lại sau một năm đi và nghĩ? Khác với hình dung của một số người trong nước, môi trường hoạt động khoa học ở nước ngoài cực kỳ áp lực và cạnh tranh, đồng thời hoàn toàn tự do và hợp tác. Có thể hiểu được áp lực này qua phát biểu của Peter Higgs, người đã đoạt giải Nobel năm 2013 nhờ công trình nghiên cứu về hạt Higgs.Ông nói rằng theo các thước đo và tiêu chuẩn đánh giá nhà khoa học hiện nay thì hẳn ông đã bị sa thải, và nếu bận rộn với việc sản xuất cho đủ các bài báo khoa học theo những yêu cầu ngày nay để khỏi bị sa thải thì ông đã không thể có đủ thời gian và sự yên tĩnh cần thiết để khám phá hạt Higgs, công trình mà ông đã thực hiện vào năm 1964!Nói cách khác, để tồn tại trong môi trường ấy mà không bị đào thải, người ta bắt buộc phải tiến bộ không ngừng. Còn “tự do” có nghĩa là về nguyên tắc không ai có thể can thiệp kết quả nghiên cứu của nhà khoa học bằng mệnh lệnh dù là ở cấp nào.Giới hàn lâm cạnh tranh theo nghĩa người khác đã tiến được một bước thì mình cần tiến thêm một bước dài hơn, chứ không phải là kéo người khác lùi lại để mình biến thành người có bước đi xa nhất. Trong công việc, họ có tinh thần hợp tác rất tốt.Khi làm việc nhóm, họ có sự phối hợp giữa các cá nhân để tận dụng năng lực và thế mạnh của từng người, nhờ vậy họ tạo ra những kết quả mà một người sẽ không đủ khả năng thực hiện. Trong công việc họ không tránh khỏi bất đồng, nhưng họ giải quyết bất đồng đó bằng kỹ năng thương lượng và kể cả khi thương lượng thất bại, họ biết chấp nhận sự khác biệt.Cách làm việc trên đây có thể phần nào giải thích cho năng suất và thành tựu của giới hàn lâm ở các nước phát triển. Nhưng điều quan trọng hơn và đáng suy nghĩ nhiều hơn là những phẩm chất đó hình thành từ đâu, và bằng cách nào tạo ra một môi trường giáo dục nuôi dưỡng, vun trồng những phẩm chất đó để nó nảy nở và phát triển? Cái gì đã ngăn cản chúng ta không có được phẩm chất ấy?Sinh viên Việt Nam khi ra trường thường bị giới chủ phàn nàn về kỹ năng giao tiếp và tinh thần làm việc nhóm. Các cuộc tranh luận ở Việt Nam, kể cả tranh luận “học thuật”, thường dẫn đến bế tắc và nhiều khi quay sang đả kích cá nhân và cuối cùng biến thành đổ vỡ quan hệ đồng nghiệp. Tại sao như vậy? Trong khi làm việc cùng nhau, hợp tác với nhau, chúng ta rất thiếu lòng tin, luôn sợ bị ăn cắp ý tưởng, luôn sợ bị lừa gạt, luôn sợ mình thua thiệt.Giáo dục có vai trò gì trong việc tạo ra tính cách và tình trạng đó? Phải chăng vì từ nhỏ chúng ta đã được dạy học thuộc lòng, ghi nhớ những chân lý có sẵn, con ngoan trò giỏi có nghĩa là tuân lệnh. Nhà trường không để chúng ta nói khác, nghĩ khác và làm khác; xã hội không khuyến khích chúng ta tìm kiếm những câu trả lời khác cho một vấn đề.Vì không có khả năng suy nghĩ độc lập, chúng ta cũng không có khả năng đánh giá đúng suy nghĩ của người khác và không được dạy cách chấp nhận sự khác biệt. Một khi không chấp nhận sự khác biệt thì sẽ rất khó làm việc cùng nhau, có lòng tin với nhau và bổ sung cho nhau. Nếu không làm việc cùng nhau thì chúng ta sẽ không thể làm được những việc lớn.Vì ít có khả năng nhìn xa, chúng ta chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến lợi ích dài hạn, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình mà bất chấp lợi ích của cộng đồng, không hiểu rằng lợi ích của mình nằm trong lợi ích của cộng đồng.Bởi vậy, mọi thay đổi phải bắt đầu từ giáo dục. Có thể nói như một bậc lão thành đã nói mà không sợ quá lời rằng bất luận bối cảnh xã hội như thế nào, cải cách giáo dục là vấn đề nhất thiết phải được đặt ra như một khởi sự của mọi khởi sự.Sẽ chẳng ích gì nếu chúng ta chỉ than vãn hay chê trách. Mọi sự sẽ thay đổi nếu từng người trong chúng ta đều nhận lấy trách nhiệm ấy về mình: thay đổi bắt đầu từ chính chúng ta chứ không phải bất kỳ ai khác. Tags: Giáo dụcMôi trường giáo dụcTư duy độc lập
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.