Xe chuyên dụng vận chuyển thiết bị điện gió tại một dự án ở phía Nam để hoàn thành nhà máy trước 31-10, kịp hưởng giá ưu đãi - Ảnh: N.H.
Khó khăn trong giải tỏa mặt bằng lẫn vận chuyển thiết bị
Hiện đầu tư dự án điện gió tỉnh Bình Thuận, ông Q. (chủ đầu tư dự án) cho hay dự án này đang gặp khó trong khâu giải phóng mặt bằng khi giá đất ở Bình Thuận "lên như diều gặp gió". Theo ông, kinh phí để bồi thường cho các trụ điện truyền tải doanh nghiệp dự trù 3-5 tỉ đồng, nay đã lên 13-15 tỉ đồng bởi người dân yêu cầu phải mua luôn cả mảnh đất.
"Với nơi đến giờ vẫn chưa hoàn tất giải tỏa được mặt bằng, chủ đầu tư như đang ngồi trên lửa, bởi thời hạn hết giá mua điện cố định ưu đãi (giá FIT) sắp đến gần", ông Q. nói.
Ông Võ Duy Tấn - giám đốc Công ty CP điện gió Phong Liệu - cho biết một số dự án tại Quảng Trị đang vướng giải tỏa mặt bằng xây dựng dự án điện gió lẫn đường truyền tải 220kV Đông Hà - Lao Bảo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư.
Theo ông Tấn, nếu dự án điện gió phát điện song đường dây truyền tải chưa hoàn thành, EVN cũng không chấp nhận vận hành thương mại cho doanh nghiệp.
Còn đối với các dự án, ông Tấn cho hay hiện nay mức đền bù đã tăng lên quá cao, có hộ dân dựng hàng rào sắt cao 5m, dẫn đến doanh nghiệp vận chuyển cánh quạt, thiết bị gặp rất nhiều khó khăn.
Theo chủ đầu tư một dự án điện gió, thi công gặp khó trong đền bù cộng với áp lực thời gian nên có những chủ đầu tư đã làm "liều", tìm đủ cách để gây áp lực lên người dân còn đòi đền bù, hoặc thi công khi chưa hoàn thiện các thủ tục. "Nếu không hoàn thành trước mốc 31-10, doanh nghiệp sẽ vỡ nợ bởi dự án đầu tư cả ngàn tỉ đồng nhưng hiện chưa có giá mua điện sau thời điểm này", vị này cho biết.
Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng - cho biết trong số 9 dự án đang thi công với công suất 262 MW tại tỉnh này, một dự án chắc chắn không kịp về đích trước 31-10 do gặp khó khăn trong mua thiết bị.
Không đồng ý gia hạn giá ưu đãi điện gió?
Theo EVN, đến nay có 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, trong đó số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án với tổng công suất là 581,93 MW. Dự kiến 105 dự án với tổng công suất hơn 5.600 MW sẽ vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 để kịp hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi theo quyết định 39.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, hiện còn đến 4.600 MW trong tổng số 12.000 MW điện gió đã được phê duyệt quy hoạch song chưa đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN.
Nhiều doanh nghiệp điện gió đã có kiến nghị kéo dài thời gian hưởng giá FIT do chịu tác động của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc nhập khẩu trang thiết bị, điều kiện và tiến độ thi công khó khăn.
Trước kiến nghị của các nhà đầu tư, các hiệp hội, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đến hết năm 2023. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, song nguồn tin cho hay phần lớn các ý kiến đều "không đồng ý với đề xuất kéo dài thời gian áp dụng giá FIT cho dự án điện gió".
Trong khi đó, phương án giá cố định lại không còn phù hợp khi một số quy định, luật đã có hiệu lực, nên Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án đấu thầu và cân nhắc tính toán phù hợp với các doanh nghiệp thực hiện chuyển tiếp dự án.
"Sẽ xây dựng phương án đấu giá cho điện gió, làm mặt trời trước xong mới làm gió", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận