04/09/2021 21:42 GMT+7

Rồng Komodo vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng vì nước biển dâng

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Rồng Komodo, loài thằn lằn ăn thịt lớn nhất thế giới, được đưa vào nhóm "nguy cấp" trong bản cập nhật mới nhất của Sách đỏ được công bố ngày 4-9. Điểm sáng duy nhất là sự hồi phục của loài cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương.

Rồng Komodo vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng vì nước biển dâng - Ảnh 1.

Rồng Komodo hiện chỉ còn sống trên đảo Komodo rộng khoảng 390km2 - Ảnh: AFP

Theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), biến đổi khí hậu đang dần trở thành tác nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài, bên cạnh sự mở rộng hoạt động của loài người.

"Việc những loài động vật thời tiền sử như rồng Komodo tiến thêm một bước đến sự tuyệt chủng do biến đổi khí hậu quả thật là một điều đáng sợ", ông Andrew Terry, giám đốc bảo tồn tại Hiệp hội Động vật học London, nói với Hãng tin Reuters.

Theo IUCN, do sống tách biệt trên các đảo của Indonesia, loài rồng Komodo được bảo vệ khá tốt. Tuy nhiên nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ nhấn chìm các hòn đảo, thu hẹp khoảng 30% môi trường sống của loài thằn lằn này.

Khoảng 28% trong số 138.000 loài động vật được IUCN phân loại và xếp vào nhóm có nguy cơ biến mất vĩnh viễn trong tự nhiên.

Điểm sáng duy nhất trong Sách đỏ 2021 của IUCN là sự hồi phục của cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, loài cá thường xuất hiện trong các món sushi cao cấp của Nhật Bản.

Nhờ áp đặt hạn ngạch đánh bắt và các nỗ lực chống đánh bắt bất hợp pháp, số lượng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương tăng vọt, từ nhóm "nguy cấp" lên nhóm "ít đáng quan ngại".

Cá ngừ vây xanh Phương Nam cũng được cải thiện từ nhóm "cực kỳ nguy cấp" thành "nguy cấp", trong khi cá ngừ vây dài và cá ngừ vây vàng được xếp vào loại "ít lo ngại nhất".

Ngoài rồng Komodo, IUCN cũng tỏ ra lo ngại cho các loài cá mập và cá đuối vì bị săn bắt quá mức. Đây vốn là những loài có khả năng sinh sản kém hơn các loài cá ngừ, theo IUCN.

"Các loài sinh vật đại dương thường bị lãng quên bởi vì chúng ở dưới nước và ít ai chú ý điều gì đang xảy ra với chúng", ông Craig Hilton-Taylor - người đứng đầu đơn vị biên soạn Sách đỏ của IUCN - nói với Reuters.

Theo ông Hilton-Taylor, sự hồi sinh của các loài cá ngừ là một ví dụ tốt cho những gì con người có thể chủ động làm. "Chúng ta nên lấy minh chứng này và áp dụng vào ngành công nghiệp đánh bắt cá mập", ông Hilton-Taylor kêu gọi.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm có khoảng 800.000 tấn cá mập bị săn bắt. Tuy nhiên các nghiên cứu khác cho thấy con số có thể lớn gấp từ 2 đến 4 lần thống kê của FAO.

"Tình trạng mà Sách đỏ đang phơi bày cho thấy chúng ta đang ở trên đỉnh của sự kiện đại tuyệt chủng lần thứ sáu", ông Hilton-Taylor tỏ ra lo ngại.

Phát hiện loài cá tưởng đã tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước cùng khủng long Phát hiện loài cá tưởng đã tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước cùng khủng long

Một nhóm săn cá mập tại Nam Phi đã tình cờ phát hiện cá thể thuộc loài cá mà các nhà khoa học cho rằng đã tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên