Miễn thi ngoại ngữ
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh đạt các chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị hiện hành đến ngày 6-7 được phép sử dụng để quy đổi sang thang điểm 10 đối với các tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ và được miễn thi môn này. Mức điểm được quy đổi sẽ khác nhau, tùy vào đề án tuyển sinh của từng trường.
Ngoài việc áp dụng cho chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, các thí sinh đã có chứng chỉ khác như JLPT (năng lực tiếng Nhật), HSK và TOCFL (tiếng Trung) hoặc các ngôn ngữ khác vẫn có thể đổi sang điểm ngoại ngữ tương đương.
Cụ thể, với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, các bạn có sẵn chứng chỉ HSK hoặc TOCFL có thể nộp hồ sơ theo tổ hợp môn D04 (Toán, Văn, Trung); hay có bằng JLPT sẽ lợi thế khi xét tuyển ngành Đông phương học - chuyên ngành Nhật Bản học với tổ hợp môn D06 (Toán, Văn, Nhật). Ngoài ra, đối với thí sinh muốn học 02 ngành này mà chưa có chứng chỉ thì vẫn được tham gia xét tuyển bằng tổ hợp các môn khác (A01, D01, D06, D14).
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý rằng đây là cách thức chỉ áp dụng cho phương án xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Phương thức xét tuyển bằng học bạ hay điểm thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM sẽ không được tính.
Bên cạnh đó, mỗi trường đại học sẽ có sự khác nhau về mức quy đổi điểm nên thí sinh cần xem kỹ trước khi quyết định gửi hồ sơ. Trong trường hợp điểm quy đổi chưa cao, thí sinh vẫn nên thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp để gia tăng khả năng trúng tuyển.
Thí sinh đến tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Tuyển sinh, Hướng nghiệp Cần Thơ 2021.
Hiện tại có hơn 20 trường đại học phía Nam cho phép xét tuyển bằng hệ quy đổi điểm vừa nêu nhằm đa dạng phương thức tuyển sinh, đồng thời mang lại ưu thế cho các em khối 12 đã trau dồi ngoại ngữ từ trước.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), thí sinh đã trau dồi tiếng nước ngoài và đạt những bằng cấp quốc tế là điều đáng khích lệ khi nguồn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Do đó, ngoại ngữ chính là thước đo về năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động.
Việc mở ra cơ chế quy đổi chứng chỉ quốc tế sang điểm thi môn ngoại ngữ là giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sinh viên đầu vào, đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều chương trình đào tạo hệ đại học có lồng ghép các môn phải học bằng ngoại ngữ
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết
Bảng quy đối chứng chỉ sang điểm ngoại ngữ của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM
Vẫn phải ôn thi thật tốt
Đồng thời, Thầy cho biết việc có được chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không đồng nghĩa với cơ hội trúng tuyển 100%. Ngoài môn ngoại ngữ, thí sinh vẫn phải chăm chỉ ôn luyện cho những môn còn lại, thể hiện tinh thần thực học trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. "Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một lợi thế, kết quả đậu hay trượt vẫn dựa vào chính sức lực học tập của thí sinh", TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Đối với HUFLIT, phần lớn các chuyên ngành tại trường đều được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và nhà Trường vừa bổ sung thêm phương án sử dụng môn tiếng Anh là môn xét tuyển chính dành cho ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành.
Như vậy, năm nay HUFLIT có tổng cộng 6 ngành sử dụng tiếng Anh gồm môn xét tuyển là Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quan hệ quốc tế, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Điểm môn tiếng Anh sẽ nhân đôi khi xét tuyển đối với các ngành trên.
Ngành Quan hệ quốc tế của HUFLIT cũng vừa thay đổi tổ hợp xét D07 bằng tổ hợp D15 với 03 chuyên ngành: Ngoại giao đa phương, Quan hệ công chúng và Truyền thông quốc tế.
Đồng hành cùng với công cuộc đổi mới của đất nước từ những năm 90, HUFLIT là trường đại học dân lập đầu tiên tại miền Nam với định hướng dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Rất nhiều doanh nghiệp đánh giá cao HUFLIT như nơi tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường lao động.
Ngoài tiếng Anh, thí sinh được phép lựa chọn các thứ tiếng khác cho bài thi Ngoại ngữ năm nay
Chỉ còn hơn 1 tháng để các sĩ tử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra ngày 7 - 8-7. Mỗi thí sinh phải hoàn thành ba môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ cùng 1 bài thi trong tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và 01 bài thi trong tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Riêng với môn Ngoại ngữ, thí sinh được lựa chọn một trong bảy ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga. Học viên giáo dục thường xuyên không phải thi Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp nhưng vẫn được đăng ký thi môn này để lấy điểm đầu vào các trường đại học, cao đẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận