TTCT - Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ rộng cửa hơn nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nếu nhìn ở góc độ giảm thuế. Nhưng những yêu cầu cao về tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ sẽ là thách thức không hề nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thu Trang Trao đổi với TTCT, bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO, cho biết theo cam kết, hàng hóa Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế (chiếm khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của Việt Nam) sẽ được loại bỏ thuế nhập khẩu vào EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Những mặt hàng còn lại sẽ được giảm thuế dần xuống 0% theo lộ trình, 7 năm sau đó gần như 100% các mặt hàng của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0%. Chỉ một số rất ít sản phẩm (0,8% số dòng thuế) không loại bỏ thuế hoàn toàn nhưng EU sẽ vẫn dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Về lý thuyết, một lượng lớn hàng hóa Việt Nam sẽ rộng cửa hơn vào thị trường EU, tuy nhiên đây vẫn luôn là thị trường khó tính, hơn nữa nếu thực thi hiệp định này ưu đãi thuế quan phổ cập sẽ không còn... - EU là thị trường xuất khẩu có giá trị xấp xỉ 40 tỉ USD mỗi năm, chiếm trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, lớn thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ. Do đó, EVFTA sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cho rất nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là máy móc thiết bị, sản phẩm da giày, dệt may, rau quả trái cây nhiệt đới... Hiện một số sản phẩm của Việt Nam đang hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng khi EVFTA có hiệu lực, GSP kết thúc “sứ mạng lịch sử”. Một số trường hợp, ưu đãi theo EVFTA có thể không tốt bằng GSP nhưng vài năm tới, khi EVFTA hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế, các mặt hàng này sẽ có lợi hơn. Cam kết thuế quan trong EVFTA không làm ảnh hưởng tới việc áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật hay vệ sinh an toàn thực phẩm của EU với hàng nhập khẩu. Nói cách khác, hàng xuất khẩu của VN khi vào thị trường EU theo EVFTA vẫn phải tuân thủ các quy định về chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, dư lượng kháng sinh, bao bì đóng gói... Trường hợp không tuân thủ, hàng hóa vẫn sẽ bị trả về hoặc phải điều chỉnh, sửa đổi như thông thường. Để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA, hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và được chứng nhận xuất xứ phù hợp quy định của hiệp định. Đây không phải điều kiện dễ dàng với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Như vậy, có thể thấy cơ hội thuế quan từ EVFTA cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là rất đáng kể, tuy nhiên việc tận dụng cơ hội thuế quan trong EVFTA được hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng đáp ứng các điều kiện về xuất xứ và các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU. Ngược lại, hàng hóa EU vào Việt Nam cũng sẽ thuận lợi hơn? - Trong một thỏa thuận thương mại, việc mở cửa thị trường nội địa để đánh đổi lấy cơ hội tiếp cận thị trường đối tác là chuyện đương nhiên. Trong EVFTA, nếu chỉ nhìn từ con số có thể thấy mức độ mở trong cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam so với EU là tương đối thấp. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của EU sang Việt Nam. Lộ trình xóa bỏ cuối cùng cho phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế là 10 năm (chậm 3 năm so với EU). Số dòng thuế mà Việt Nam áp dụng hạn ngạch hoặc lộ trình xóa bỏ đặc biệt là 1,7% biểu thuế (trong khi EU chỉ là 0,8%). Đa số các dòng thuế Việt Nam cam kết loại bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực là những sản phẩm mà Việt Nam đang cần hoặc đang áp dụng thuế MFN rất thấp. Ví dụ nhiều loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, dược phẩm, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Do đó, nguy cơ sản xuất trong nước bị sốc hoặc thiệt hại lớn từ việc mở cửa thị trường theo hiệp định là không cao. Những sản phẩm mà VN có năng lực cạnh tranh thấp như các loại thịt sống (lợn, gà, bò...), cùng nhiều loại nông sản nhạy cảm đều có lộ trình giảm thuế dài (3-10 năm), thậm chí không loại bỏ thuế. Các ngành này cũng đã đến lộ trình mở cửa theo lộ trình các FTA hiện tại, nên tôi cho rằng lộ trình này của EVFTA là tương đối phù hợp, đủ để các nhà sản xuất trong nước phải thay đổi để bắt kịp tình hình mới. Hiệp định về đầu tư được tách riêng. Vậy theo đánh giá của bà, Việt Nam có thể khai thác gì từ các dòng đầu tư mới? - Hiệp định về đầu tư tách ra từ EVFTA thực tế bao gồm các quy tắc về bảo hộ đầu tư, mở cửa và giải quyết tranh chấp trong chương đầu tư của EVFTA ban đầu. Rất nhiều nội dung tương tự Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, không ít các cam kết trong EVFTA về đầu tư đã được nội luật hóa vào Luật đầu tư 2015. Do đó, dù hiệp định này có thể được phê chuẩn muộn hơn, chúng ta vẫn có thể tin rằng các cơ chế thu hút nhà đầu tư từ hiệp định sẽ được hiện thực hóa sớm hơn nhiều. Song, để tăng thu hút đầu tư nói chung, đặc biệt trong bối cảnh dòng đầu tư có thể chuyển hướng do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nỗ lực thực tế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sự chủ động của chính chúng ta, chứ không phải vì thời điểm có hiệu lực của EVFTA. VN được hưởng lợi thế cắt giảm thuế quan, nhưng EVFTA là hiệp định tiêu chuẩn cao và đặt ra nhiều vấn đề mà Việt Nam cần nỗ lực giải quyết như sở hữu trí tuệ, lao động, yêu cầu về môi trường... Theo bà, thách thức đặt ra là gì? - Đúng là EVFTA đặt ra nhiều yêu cầu cao về thể chế và quy tắc, đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh cả quy định pháp luật, cách thức thực thi lẫn năng lực đáp ứng của DN. Xét về nội dung, phần lớn các cam kết về thể chế và quy tắc trong EVFTA tương đối phù hợp định hướng của Việt Nam (ví dụ các vấn đề về DN nhà nước, mua sắm công...). Một thuận lợi nữa là khá nhiều cam kết trong đó có nội dung tương tự CPTPP, do đó chuẩn bị thực thi EVFTA cũng là một công đôi việc. Tất nhiên, có không ít cam kết có thể sẽ đòi hỏi DN và người dân mất nhiều chi phí tuân thủ hơn (ví dụ cam kết về sở hữu trí tuệ, về môi trường, về lao động...). Vì vậy, việc hướng dẫn và hỗ trợ từ phía Nhà nước để các tổ chức, cá nhân có thể thực thi tốt các cam kết mới này là rất cần thiết. Khuyến nghị của bà với cơ quan chức năng và DN để tận dụng tốt hiệp định này là gì? - Kinh nghiệm thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do hiện tại cho chúng ta biết tận dụng cơ hội từ các FTA không phải là dễ dàng. Với một FTA thế hệ mới và nhiều thách thức như EVFTA, điều này lại càng khó khăn hơn. Có rất nhiều việc cụ thể phải làm. Trước hết, với cơ quan nhà nước, cần rà soát thật kỹ pháp luật, thể chế hiện tại với các cam kết cũng như đánh giá tác động của các cam kết với từng nhóm chủ thể riêng biệt. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể xây dựng thể chế, chính sách vừa tuân thủ cam kết, vừa bảo đảm mang lại lợi ích tốt nhất, hạn chế thấp nhất các tác động bất lợi của cam kết. Việc sửa đổi chính sách pháp luật thực thi EVFTA sẽ không chỉ xuất phát từ yêu cầu của EVFTA mà còn phải là từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế, của DN Việt Nam để tận dụng cơ hội từ EVFTA. Để làm được điều này, các cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật cần tham vấn chặt chẽ cộng đồng DN. Đối với DN, trước khi có bất kỳ hành động gì, cần hiểu EVFTA có cam kết gì, ít nhất là những gì liên quan tới mình, sẽ ảnh hưởng ra sao tới hoạt động kinh doanh của mình, đặt trong bối cảnh chung của các FTA khác và bối cảnh thương mại thế giới. Hiểu được rồi thì bắt tay vào hành động, chuẩn bị các điều kiện về nguồn hàng, đối tác, thị trường, nhân lực... để tận dụng cơ hội từ EVFTA hay khắc phục các tác động bất lợi nếu có. EVFTA, cũng như nhiều FTA đang có, là cánh cửa, là con đường Nhà nước mở ra cho DN để tiếp cận thị trường. Tuy nhiên đi được trên con đường ấy để đến được đích lợi nhuận hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của chính các DN. Rất cảm ơn bà. ■ Hiện chỉ có khoảng 30% hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường đã có FTA với Việt Nam đáp ứng được các quy tắc xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế quan. Việc tách nội dung EVFTA thành hai hiệp định riêng xuất phát từ yêu cầu gắn với vấn đề phân chia thẩm quyền giữa EU với các quốc gia thành viên. Cụ thể, theo một phán quyết của Tòa án châu Âu hồi tháng 5-2017, EU không có thẩm quyền quyết định độc lập đối với một số vấn đề liên quan tới đầu tư mà cần phải có ý kiến đồng thuận từ nghị viện từng nước thành viên EU. Do đó trên thực tế, việc tách EVFTA làm hai hiệp định riêng là để tạo thuận lợi hơn cho quá trình đưa hiệp định này vào hiện thực từng phần càng sớm càng tốt. Việc tách hai hiệp định chỉ là vấn đề kỹ thuật để bảo đảm tính linh hoạt và tuân thủ quy trình ký kết và phê chuẩn nên những nỗ lực đàm phán trước đây không bị ảnh hưởng gì. Đến tháng 8, cả hai hiệp định thương mại và đầu tư đều đã hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, các bên đang được tích cực dịch thuật ra các ngôn ngữ của EU và Việt Nam để Ủy ban châu Âu thông qua trình lên Hội đồng châu Âu vào cuối năm nay. Tags: Việt Nam - EUHiệp định thương mại tự doEVFTA
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.