Với việc bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, các chuyên gia và doanh nghiệp hi vọng xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn... Trong ảnh: gạo được doanh nghiệp tư nhân thu gom để xuất khẩu tại tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Châu Anh |
Theo các chuyên gia, muốn nâng giá trị hạt gạo VN, các DN phải cải thiện chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Tú Anh, chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp GAP - chuyên sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gạo hữu cơ mang thương hiệu Ngọc Trai, cho biết với việc “cởi trói” của Bộ Công thương, nhiều DN sản xuất và XK gạo như trút được gánh lo.
“Do không đáp ứng được các tiêu chí về quy mô, vùng trồng, cơ sở xay xát... nên trước đây chúng tôi phải XK qua công ty ủy thác khiến chi phí bị đội lên, chưa kể nguy cơ bị mất khách hàng do phải chia sẻ thông tin với DN được ủy thác, trong khi việc tìm được khách hàng tốt rất khó khăn”, bà Tú Anh nói.
Ông Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc Công ty CP Vinh Phát (TP.HCM), thừa nhận do những điều kiện xuất khẩu gạo mà thời gian qua nhiều DN nhỏ phải XK gạo thông qua một DN khác, thậm chí không thể XK, làm ảnh hưởng đến hoạt động XK gạo nói chung. “Với việc cởi trói này, ngành gạo sẽ cạnh tranh hơn, các DN sẽ tích cực hơn trong việc tìm kiếm thị trường để XK gạo”, ông Trung khẳng định.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), không những DN nhỏ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi mà chính các DN lớn cũng gặp khó với quy hoạch thương nhân XK gạo, do phải đầu tư nhiều hơn vào kho bãi, nhà máy xay xát và vùng nguyên liệu thay vì chỉ tập trung cho mở rộng thị trường. “Với tình hình XK gạo ngày càng khó khăn, việc mở cửa cho các DN có điều kiện tham gia XK là cần thiết”, ông Năng khẳng định.
Tuy nhiên, theo TS Trần Công Thắng, phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược NN&PTNT, việc bỏ quy hoạch thương nhân XK gạo chỉ mới tháo gỡ một phần các thủ tục hành chính gây khó cho DN, cần tiếp tục rà soát loại bỏ các điều kiện gây cản trở hoạt động XK gạo, đặc biệt là nghị định 109 về điều kiện kinh doanh XK gạo.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng cần loại bỏ một số quyền hạn của VFA (như cấp phép đăng ký XK gạo, ban hành giá sàn XK...), do hợp đồng Chính phủ đã giảm mạnh và xu hướng tự do hóa thương mại gạo giữa các quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ.
Dù đánh giá cao việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân XK gạo, nhưng GS Võ Tòng Xuân cho rằng đây chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ, mà đòi hỏi các DN phải chú trọng hơn nữa chất lượng, tập trung đầu tư vào vùng nguyên liệu, nâng chất hạt gạo thay vì đi thu mua hàng chất lượng thấp, chèn ép giá với nông dân để có lời như trước đây.
Dẫn câu chuyện Campuchia thành lập cả một hội đồng quốc gia để phát triển thương hiệu gạo, GS Xuân cho rằng Campuchia làm thương hiệu gạo đồng bộ và bài bản từ khâu chọn giống lúa, lên kế hoạch gieo trồng, sản xuất, chế biến đến làm thị trường, quảng bá...
“Nông dân Campuchia chỉ gieo trồng một vụ/năm, sản lượng thấp hơn nhưng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay bón phân nên chất lượng cao, giá tốt hơn. Trong khi DN và nông dân tại VN mạnh ai nấy làm, thích trồng giống ngắn ngày, có năng suất cao, bón phân nhiều nên chỉ bán được cho mấy thị trường dễ tính với giá gạo thấp” - GS Xuân nói.
Bộ Công thương vừa ban hành quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo (theo quyết định số 6139/QĐ-BCT). Theo đó, các tiêu chí và điều kiện kinh doanh XK gạo như khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối XK gạo, các tiêu chí về kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo, thành tích xuất khẩu gạo... sẽ không còn giá trị. Theo Bộ Công thương, việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm đảm bảo tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh XK gạo, góp phần thúc đẩy XK gạo và tăng cường tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho nông dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận