Năm đó, Beckham 32 tuổi, đã trải qua mọi vinh quang trong màu áo M.U cũng như Real Madrid. Nhưng cú chuyển nhượng đến Mỹ vẫn là một bom tấn của làng túc cầu.
Không chỉ là siêu sao
"Chuyển nhượng" là một từ quá tầm thường khi nói đến sự kiện cầu thủ được hâm mộ bậc nhất bấy giờ chuyển sang Mỹ thi đấu. Beckham đã đúng khi nói anh không đến Mỹ với tư cách siêu sao bóng đá, vai trò của anh giống với một sứ giả hơn. Để có được Beckham, Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) phải đặt ra "luật Beckham", qua đó cho phép các CLB chọn ra một số ngôi sao đặc biệt có quyền lãnh mức lương cao hơn mức lương trần mà giải đấu quy định (vào khoảng 2 triệu USD thời điểm đó).
Vừa đặt chân đến, Beckham đã tạo ra cách mạng cho bóng đá Mỹ. Anh đã khởi xướng nên làn sóng ồ ạt các ngôi sao đổ bộ đến Mỹ những năm sau đó như: Henry, Kaka, Pirlo, Drogba, Ibrahimovic... Hiệu quả rất rõ rệt nếu nhìn vào lượng khán giả. Trước khi Beckham đến, lượng khán giả đến sân xem MLS mỗi mùa chưa bao giờ vươn đến cột mốc 3 triệu/mùa. Nhưng ngày nay, tổng lượng khán giả đến sân của MLS đã vượt qua con số 10 triệu/mùa.
Đi cùng với MLS là sự lớn mạnh dần của bóng đá Mỹ. Ở World Cup 2022, Mỹ dự giải với quá nửa đội hình là những ngôi sao đang chơi bóng cho các giải đấu hàng đầu châu Âu, điều mà hơn 10 năm trước chỉ có thể nhìn thấy qua một vài cái tên như Donovan, Dempsey...
'Beckham của Ả Rập' sẽ tạo ra làn sóng tương tự ở Saudi Arabia?
15 năm sau chuyến khai phá châu Mỹ của Beckham, Ronaldo (CR7) đến Saudi Arabia, và được kỳ vọng sẽ làm nên kỳ tích tương tự cho bóng đá Trung Đông, hay rộng hơn là cả châu Á. Sức hút của CR7 đủ "chấp" toàn bộ dàn sao Nam Mỹ, châu Âu mà Trung Quốc từng chi hàng tỉ USD mang về giai đoạn 3-7 năm trước.
Không như Beckham, thương vụ Ronaldo không gặp rắc rối nào ở khâu hậu trường bởi bóng đá Saudi Arabia không có giới hạn nào về mức thu nhập. Thậm chí CR7 còn gặp may khi anh đến đúng vào thời điểm AFC (LĐBĐ châu Á) nới lỏng hơn về số cầu thủ nước ngoài mỗi đội.
Cụ thể, từ mùa giải 2023-2024, các CLB tham dự AFC Champions League sẽ được tung vào sân tối đa 6 cầu thủ nước ngoài (theo công thức 5+1, tức trong 6 ngoại binh phải có 1 cầu thủ châu Á) thay vì chỉ 4 (3+1) như trước đây. Như vậy, một khi trở lại AFC Champions League, CLB Al-Nassr có thể tung vào sân toàn bộ dàn siêu sao gồm Ronaldo, Gustavo, Aboubakar, Alvaro Gonzalez và Ospina.
Cũng trong năm nay, Saudi Professional League (Giải vô địch Saudi Arabi) nâng mức giới hạn ngoại binh mỗi đội bóng từ 7 lên 8, tiếp tục giúp họ giữ vững vị thế của giải đấu "dễ dãi" với ngoại binh nhất của châu Á. Chưa thể nói điều này liệu có tốt cho bóng đá Saudi Arabia không, nhưng trước mắt Ronaldo sẽ có thêm lợi thế. Bên cạnh những đồng đội đẳng cấp châu Âu, CR7 hoàn toàn có thể được hít thở bầu không khí bóng đá đỉnh cao mà anh luôn mong mỏi.
Sẽ có công thức CR7?
Nhưng châu Á khác xa so với châu Mỹ. Khi Beckham đến MLS, điều anh cần làm là giúp người Mỹ có tiềm lực đam mê trái bóng tròn hơn. Ngược lại, châu Á - đặc biệt các quốc gia vùng Trung Đông - từ lâu đã rất mê bóng đá, nhưng tiềm lực lại là điều họ không có.
Dù vậy, không thể phủ nhận giá trị các ngoại binh mang đến cho Saudi Arabia. Toàn bộ các tuyển thủ quốc gia nước này đều chơi bóng ở trong nước. Thay vì tìm cách đưa các ngôi sao sang châu Âu chơi bóng như Hàn Quốc và Nhật Bản, Saudi Arabia lại mang những ngôi sao về để tăng tính cọ xát cho nền bóng đá của mình. Trung Quốc cũng làm theo cách này, nhưng việc thiếu nền tảng vững vàng cũng như sự phóng tay vội vã quá mức khiến họ trả giá. Còn Saudi Arabia đã đi theo con đường mở rộng "siêu giải đấu" của mình suốt 15 năm qua.
Tầm ảnh hưởng của Ronaldo hay Beckham không chỉ nằm trong sân bóng. Đó còn là câu chuyện về thị trường bóng đá, niềm cảm hứng, làn sóng đào tạo trẻ, hay những công thức phát triển thể chất... Sẽ thế nào nếu đến một ngày, mọi đứa trẻ ở Saudi Arabia, hay rộng hơn là thế giới Ả Rập, đều ăn uống, tập luyện theo công thức của CR7?
Nền bóng đá mạnh nhất châu Á
Kể từ khi "bong bóng bóng đá" Trung Quốc bị vỡ, khiến tổng giá trị cầu thủ của China Super League rớt thê thảm, Saudi Professional League đã vươn lên thành giải đấu đắt giá nhất châu Á.
Toàn bộ các cầu thủ đang chơi bóng ở đây được định giá 310 triệu euro, cao hơn so với J-League (Nhật, 292 triệu euro), UAE Pro League (264 triệu euro) hay K-League (Hàn Quốc, 159 triệu euro)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận