Khó khăn lắm cũng phải cố được cây vàng
Một chàng trai ở Hải Dương tâm sự rằng anh và người yêu đang đứng trên bờ vực chia tay. Mối tình 5 năm có nguy cơ tan vỡ chỉ vì tiền thách cưới theo tục lệ nhà cô dâu ở Bắc Giang.
Theo chia sẻ của anh, bố mẹ anh nhất quyết không đồng ý vì quê anh không có tục lệ ấy. Còn bản thân chàng trai mới đi làm 2-3 năm, hằng tháng gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ nên cũng không thể tự lo số tiền ấy và ngỏ lời giảm số tiền xuống.
Về phía cô gái, cô cũng nhất quyết không đồng ý vì đó là lệ làng và cô ấy được bố mẹ nuôi ăn học tử tế. Đỉnh điểm là chàng trai đã thấy thất vọng vì người yêu anh - một cô giáo - thậm chí nói ra một câu trọng tiền hơn tình cảm: "Không có tiền thì không cưới xin gì cả".
Dưới phần bình luận có thể thấy nhiều người biết đến tục lệ thách cưới này, nhưng mỗi nơi mỗi khác và hầu hết đều cho rằng nhập gia tùy tục. Việc cò kè thêm bớt, trả giá là không tôn trọng nhà gái. Người lại "cà khịa" sẽ thách cưới hẳn 1 tỉ nếu sau này gả con gái.
- Chỗ tôi không quy định, nhưng khó khăn lắm cũng cố được cây vàng và mấy chục triệu lấy may. Người khá giả thì vài cây với sổ.
Tiệc có thể đơn giản, nhưng lễ thì phải đàng hoàng. Cưới vợ về muốn vợ phải lo nhà mình, ít lo bố mẹ vợ, nhưng thách cưới thì cò kè thêm bớt?
- Có 35 triệu làm mình tưởng 3 cây vàng cơ. Cái đó là một sự tôn trọng tối thiểu với vợ và gia đình nhà vợ mà. Đàn ông nên nghĩ thoáng ra tí.
- May là quê bạn gái ở Bắc Giang đấy. Nếu quê ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mình, chắc bố mẹ bạn ngất ngay từ khi được thông báo.
- 40 triệu mà thách gì nhỉ. Đây là tiền cỗ bàn nhà trai qua dạm hỏi, tiền nạp tài thôi mà. Mình ở quê cũng cỡ đó.
- Hà Nội không thách cưới, chỉ có nhà cô dâu yêu cầu bao nhiêu tráp thôi, hoặc mâm xôi con lợn. Còn lễ đen có 2 lễ tùy theo điều kiện của từng gia đình, chứ nhà gái không đòi hỏi. Nhưng theo lệ làng thì phải cố mà theo, kiểu "nhập gia tùy tục".
Nhiều người cho rằng thực ra tiền thách cưới hay lễ đen sau đó gia đình cũng cho con gái hết, nghĩa là cuối cùng cũng là tiền của hai vợ chồng. Hoặc là nhà gái cũng sẽ mua vàng làm của hồi môn cho con gái thậm chí nhiều hơn số tiền thách cưới.
- Người quê tôi cho rằng tiền thách cưới thực ra để cảm ơn công sinh dưỡng dục của bố mẹ cô gái. Tiền đó hầu như không ai lấy, mà đưa cho con gái làm của hồi môn.
- Bên mình có cái lệ rồi, gọi là lễ đen. Sẽ cho vào tráp để lên ban thắp hương. Có chẵn có lẻ. Sau khi xong, mẹ cô dâu trao luôn lại cho hai con để lấy vốn làm ăn.
- Thách cưới vậy, chứ sau khi lễ lạt xong xuôi, nhà gái cho lại các con để lấy vốn làm ăn. Có khi còn cho thêm gấp mấy lần số đó.
- Quê tôi Hải Phòng cũng có lễ đen này. Xong tiền đó nhà gái gần như cho lại con gái với con rể lấy vốn làm ăn. Nhưng phải có, không có không được.
"Có 35 triệu mà không lo được?"
Trong hơn 2.000 bình luận, một số ý kiến phản đối lệ làng thách cưới này, cho rằng "nên phiên phiến cho con cháu nó sống với", hay "cứ hoành tráng xong để lại cục nợ thì khốn nạn cả đời".
Nhưng với số tiền thách cưới 35 triệu đồng, phần đông ý kiến đã bỏ qua việc nên hay không nên duy trì tục lệ này. Họ tập trung vào việc chàng trai không đủ sức gánh vác nổi cuộc hôn nhân khi mà không lo nổi khoản tiền mà "hầu như các gia đình đều sẽ cho lại con cái".
- Tôi tưởng 350 triệu, chứ đây có 35 triệu đồng. Đó là một tập tục, cũng là bộ mặt nhà gái. Chả tội gì mà vì có 35 triệu mà không cưới được vợ nhỉ.
- Thời này 35 triệu không lo nổi thì cũng chưa nên cưới xin vội. Dịch vụ đẻ trọn gói còn phải 50 triệu ấy chứ. Nghĩ mà chán cho anh chồng.
Người từng trải qua câu chuyện tương tự, đồng cảm với sự khó khăn của chàng trai thì nhẹ nhàng hơn, khuyên chàng trai nên cố gắng xoay xở kể cả vay mượn để vẹn đôi đường.
- Tôi cũng mới cưới xong. Tục lệ từng làng khác nhau hoàn toàn, nhưng tôi luôn muốn và tôn trọng bố mẹ vợ nên dù không có tiền vẫn cố gắng xoay xở vay mượn. Theo mình, nên tôn trọng nhà gái, vì đa phần bố mẹ vợ cũng chỉ thách thôi. Còn về sau cũng đưa tất cho các bạn.
- Câu chuyện đơn giản. Đúng là không có tầm tiền đó thì nhà gái cũng mất mặt với họ hàng, làng xóm. Đừng nói nhà gái yêu tiền hơn, tội người ta.
- Nếu cả 2 đồng lòng thì bàn bạc nhau sau này trích tiền mừng bù vào. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Cũng nên chuẩn bị chút kinh tế rồi hãy lấy vợ.
Bạn nghĩ sao về phần "lễ đen" có khi lên tới hàng chục triệu đồng khi hỏi vợ? Bạn có câu chuyện nào xoay quanh các tục lệ tương tự khi cưới hỏi?
Theo bạn, có nên kết hôn khi tài chính chưa ổn định, hay phải tích lũy tới mức nào mới nên làm đám cưới? Mời bạn chia sẻ ý kiến tại ô Bình luận dưới bài viết, hoặc gửi email về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận