Hai diễn viên trẻ Trần Anh Khoa (trái) và Anh Tú Wilson diễn xả thân trong vai Ròm và Phúc - Ảnh: CJ&HK
Tôi đánh giá cao góc nhìn chân thực của phim Ròm về cuộc sống của người lao động nghèo tại Việt Nam, cảm giác rất gần gũi. Khả năng diễn xuất của các diễn viên cũng rất chân thực, đặc biệt là hai diễn viên đóng Ròm và Phúc. Nhưng nội dung thiếu hụt nên phim trở nên không rõ ràng. Đây là điều đáng tiếc nhất.
Khán giả VŨ TOÀN THIỆN (TP.HCM)
Ròm đậm đặc các chủ đề xã hội như trẻ mồ côi, bụi đời, chơi đề, vay nặng lãi, đòi nợ thuê... nhưng chủ đề cần được nhìn thấy nhất chính là giải phóng mặt bằng.
Không ngần ngại khai phá chủ đề giải phóng mặt bằng
Vì sao người dân ở khu chung cư trong Ròm lún sâu vào chơi đề và vay nặng lãi đến lụn bại? Vì sao từng người một sa chân vào con đường không lối thoát này? Vì sao họ sẽ không bao giờ ngoi lên khỏi vũng lầy bất tận đó?
Trailer RÒM
Câu trả lời không đơn giản là lười nhác hay u mê đỏ đen. Những người nghèo khổ ấy là mắt xích cuối cùng và yếu ớt nhất của một đường dây khổng lồ từ kẻ cho vay nặng lãi, nhà cái mẹ đến nhà cái con, được kết nối bằng cò đề (công việc của cậu bé Ròm). Nhưng, đứng trên cả những kẻ cho vay nặng lãi là ai? Đó là câu hỏi quan trọng nhưng đáp lại chỉ là sự câm lặng.
Có lẽ, phiên bản chiếu rạp này không đủ để trả lời khán giả.
Khu chung cư cũ (quay ở Thanh Đa) trong phim thuộc diện giải tỏa vì nghiêng lún và hoang tàn. Mỗi lần giải tỏa một khu đất, một tòa nhà, thứ thay đổi không chỉ là số phận của khu đất hay tòa nhà, mà còn là số phận của hàng nghìn con người bé mọn. Hàng nghìn cuộc đời vĩnh viễn thay đổi, nhiều gia đình cơ cực.
Cảnh phim Ròm của Trần Thanh Huy
Đạo diễn Trần Thanh Huy hiểu điều này như máu thịt, vì suốt mấy chục năm, đại gia đình của anh sống trong ngôi nhà cũ thuộc diện giải tỏa ở Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Trong phim, cậu bé Ròm cũng vì nhà bị giải tỏa mà thành trẻ không nhà. Cha mẹ cùng quẫn bỏ rơi cậu trên vỉa hè cô độc. Trở thành cò đề, đứa trẻ ấy sống dưới "đáy của đáy" xã hội, sinh tồn bằng toàn bộ sức lực non nớt của mình.
Đây là bộ phim hiếm hoi về giải phóng mặt bằng được công chiếu tại Việt Nam. Chủ đề được coi là gai góc không chỉ trong điện ảnh mà còn trong xã hội. Đây vừa là diễn biến ngầm ẩn xuyên suốt bộ phim vừa là vấn đề thời sự nhức nhối, đau đớn, chứa đựng những mâu thuẫn cốt lõi của xã hội đương thời.
Để điện ảnh Việt Nam không rơi vào minh họa, tô hồng, ước lệ khi phản ảnh hiện thực, chúng ta cần rất nhiều bộ phim như Ròm.
Lỗ hổng lớn nhất ở bản chiếu rạp này nằm ở những thay đổi so với bản dự thi mà người viết từng xem tại Liên hoan phim Busan 2019. Các cảnh bị cắt có thời lượng không quá lớn nhưng lại có sức ảnh hưởng mang tính quyết định đối với các tầng nghĩa ngầm ẩn của phim.
Đó là lý do nhiều khán giả đặt những câu hỏi như "Vì sao có cảnh cháy?", "Đại ca giang hồ (Wowy đóng) là ai và vì sao hành động như vậy?", "Bà Ghi (Cát Phượng) là chính hay tà?"...
Đạo diễn Trần Thanh Huy trên set quay Ròm
Ngồn ngộn chất đời
Ròm phân loại độ tuổi 18+, do đó nhà làm phim phóng tay đưa chất đời ngồn ngộn từ đường phố lên màn ảnh. "Đời" là tính từ chính xác nhất để mô tả Ròm.
Cái "đời" của Ròm đến từ bối cảnh, hình ảnh, âm thanh, diễn xuất đến ngôn từ. Điều này càng ấn tượng hơn khi đạo diễn và êkip còn rất trẻ, mới ngoài tuổi 20 khi họ bắt đầu theo đuổi dự án. Là người trẻ, họ từ chối đưa lên phim một góc nhìn mơ mộng, điểm phấn tô son cho hiện thực, mà thẳng thắn và tỉnh táo xoáy sâu vào thực trạng xã hội xung quanh mình.
Chất đời của phim giống như một tín ngưỡng, một sự cực đoan của những người làm ra nó. Nhờ sự cực đoan ấy, phim mới đi được đến chặng đường này.
Ròm xứng đáng là người em họ của City of God - tác phẩm điện ảnh Brazil về những băng đảng tội phạm ở một khu ổ chuột ngoại ô Rio de Janerio. Với bản ra rạp này, về tổng thể, phim chưa hoàn hảo, chưa xuất sắc.
Ròm chiếu 25-9 - Ảnh: CJ
Nhưng Ròm lại là tập hợp của những trường đoạn xuất sắc như đoạn độc thoại đầu phim, trường đoạn đánh nhau giữa Ròm và Phúc, trường đoạn cuối trên nền nhạc đầy ám ảnh của nhạc sĩ Tôn Thất An...
Nhiều trường đoạn hay nhưng phim ráp lại quá nhanh ở vài diễn biến quan trọng, Ròm gây cảm giác rời rạc, thiếu sót và hụt hẫng. Lời khuyên khi xem Ròm? Đừng cố gắng quá mức trong việc nắm bắt câu chuyện, hãy chìm vào từng cảnh phim.
Ngôn từ của hai đứa trẻ bụi đời Ròm và Phúc, khi chúng đánh đấm và mạt sát nhau, là ngôn từ đường phố chân thực đến từng chữ cái. Ngôn từ đời thường khi đưa vào phim trở thành ngôn ngữ điện ảnh. Nó xù xì và thô ráp đúng như thế giới dưới đáy xã hội mà bộ phim khắc họa.
Dù thế nào, cần ghi nhận sự dũng cảm của đạo diễn Trần Thanh Huy, nhà sản xuất HKFilm và êkip Ròm khi đã nỗ lực hết mình để đưa bộ phim đến được với khán giả Việt.
Cảnh phim Ròm
15 tỉ đồng sau một ngày rưỡi khởi chiếu
Khởi chiếu ngày 25-9, Ròm là phim Việt duy nhất "dám" ra rạp trong dịp hậu COVID-19 này. Sau một ngày rưỡi, doanh thu Ròm đạt đến 15 tỉ đồng.
Ròm được chú ý không chỉ vì giành giải New Current - giải phim hay nhất tại LHP quốc tế Busan 2019, mà còn nhờ câu chuyện truyền cảm hứng về 8 năm làm phim của đạo diễn Trần Thanh Huy.
Đóng vai Ròm và Phúc, hai diễn viên trẻ Trần Anh Khoa và Anh Tú Wilson diễn xả thân và cống hiến. Đặc biệt, Ròm của Trần Anh Khoa với câu chuyện đời và vẻ ngoài đặc biệt mang đến cho khán giả những phân cảnh khó quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận