TTCT - Lần đầu nhân vật nàng Kiều đa đoan “ba chìm bảy nổi” từ thơ nôm lục bát của đại thi hào Nguyễn Du đã được đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn (rối - người) trên sân khấu Nhà hát Múa rối Việt Nam, ra mắt cuối tháng 8-2019. NSND Nguyễn Tiến Dũng từ lâu đã nung nấu ý định đưa Kiều vào một kịch bản rối, bất chấp sự khó diễn tả bằng sân khấu múa rối cái thân phận trắc trở của nàng Kiều, vốn được Nguyễn Du khắc họa thiên tài bằng chữ nghĩa “phi vật thể”. Chuyển đổi được thế giới của tưởng tượng và hình ảnh đấy sang ngôn ngữ sân khấu hữu thể rối - người, với Dũng, là một thách thức nghệ thuật lạ kỳ mà ý vị. Cảnh Báo ân báo oán,"Nàng rằng: Nhờ cậy uy linh/ Hãy xin báo đáp ân tình cho phu/ Báo ân rồi sẽ trả thù...". Ảnh: Nguyễn Đình Toán Cơ duyên và thách đố Tháng 5-2019, đúng lúc Dũng nhận cương vị giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng là thời điểm mở đăng ký vở dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4. Đạo diễn ưa thử nghiệm này coi đó là cơ duyên bởi do đặt trước, anh đã có ngay kịch bản “Thân phận nàng Kiều” của hai tác giả: NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu. Đó là cơ sở để Nguyễn Tiến Dũng biên tập, dựng riêng cho mình kịch bản rối, theo ngôn ngữ dàn cảnh của đạo diễn, không theo thứ tự thời gian của Truyện Kiều, mà chỉ chọn vài sự biến gay cấn nhất của đời Kiều, bắt đầu từ sự biến thằng bán tơ vu oan giá họa cho gia đình Vương Ông, khiến Kiều phải bán mình, hai lần sa chốn lầu xanh, hai lần làm thân đầy tớ, suốt 15 năm. Chuyện kịch kết thúc khi Kiều trẫm mình xuống sông Tiền Đường. Kịch bản Kiều này cũng hư cấu thêm hai nhân vật quan trọng - Nguyễn Du (nhân vật con rối Bút lông) và Đạm Tiên (hình hài Đàn tỳ bà) - là thử nghiệm rất sáng của cấu trúc chuyện kịch - rối. Những sự biến được kết nối chặt chẽ và tính toán kỹ càng trong kịch bản “phân cảnh” của đạo diễn đã khiến vở Kiều có một tiết tấu thích hợp: nhanh, gấp, đầy kịch tính! Cảnh Thúy Kiều gặp Từ Hải. Nghe Kiều đối đáp vừa ý, Từ Hải coi Kiều là tri kỷ: “Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán Trong tư duy của Dũng, nàng Kiều đẹp thanh tân như tấm lụa trắng. Sự tơ tưởng lãng mạn này khởi nguồn xa thẳm từ ca dao Việt: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”, và có khi từ hình ảnh cô thôn nữ dệt cửi thấp thoáng trong thơ Nguyễn Bính: “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ đường xa”... Dũng đã giăng mắc, biến hình, thay màu những dải lụa bay lượn tràn ngập không gian vở Kiều, không ngại dùng lụa trắng nhuộm đỏ như “nhỏ máu năm đầu ngón tay”, dựng cảnh Kiều nuốt lệ chơi đàn hầu rượu Thúc Sinh và Hoạn Thư. Các dải lụa trắng còn bay lượn đớn đau trong hai đoạn đời Kiều ở lầu xanh, trong giai điệu âm nhạc day dứt vò xé của nền nhạc thiết tha thương cảm, từ âm nhạc của hai nhạc sĩ: Nguyễn Vĩnh Tiến và Trần Đức Minh. Dũng chọn rối - người cũng là vì ý đồ thử nghiệm Kiều: Con rối là nhân vật trung tâm trên sân khấu, chứ không phải diễn viên con người, như trong kịch, hoặc tuồng, chèo... Nền tảng cho vở diễn là kỹ thuật rối sân khấu đen, trong đó người điều khiển mặc trang phục đen, đứng sau con rối, làm nền cho con rối nổi bật, điều khiển chuyển động con rối qua cử động chân tay bằng gỗ. Con rối được họa sĩ Lê Đình Nguyên tạo hình bằng mặt nạ, và mặt nạ chính là cái mặt định hình tính cách nhân vật từ đầu đến cuối vở. Sự phát triển tính cách nhân vật rối hoàn toàn đi theo chuyển động thân thể và tiếng nói của người diễn viên nấp sau con rối. Cảnh Tú Bà dụ Thúc Sinh mua Kiều khỏi lầu xanh, vì biết Thúc Sinh “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán Những chiếc mặt nạ rối rất ấn tượng, độc đáo nhất là mặt nạ Kiều, được tạo hình trái xoan, với đôi mắt một bên mở to kinh ngạc đau đớn, một bên nhắm lại, rơi xuống vài giọt lệ. Sắc thái biểu cảm đối nghịch khiến mặt nạ Kiều thiên hẳn về màu bi kịch. Ảnh: Trích đoạn Sau mặt nạ và trang phục, hai nữ nghệ sĩ Lan Hương và Thu Hương “nấp sau” Kiều đã thoải mái tạo sự chuyển động hình thể cho nhân vật rối Kiều và phát ngôn cho Kiều, bằng giọng nói đầy biểu cảm. Hoạn Thư là một nhân vật đặc biệt khác, được họa sĩ Nguyên cấu trúc thành một con rối “đóng đinh” trong trang phục vương giả, quyền quý. Chiếc mặt nạ - rối Hoạn Thư được tạo hình bất ngờ: như cái quạt giấy nhiều màu, xòe mở hết cỡ, với chuyển động hình thể lươn lẹo như rắn, giọng nói chao chát, vừa ngọt xớt, vừa đanh đá, được thể hiện sắc nét, nhịp nhàng qua phối hợp diễn xuất uyển chuyển của cặp đôi NSƯT Kim Thoa và Thiếu Ngân. Các nhân vật rối chủ chốt đều được họa sĩ Lê Đình Nguyên cho mang mặt nạ hiện hình rõ tính cách nhân vật như vậy. Vài chục mặt nạ con rối, không cái nào giống cái nào. Thật là: “Này mười bài mới mới ra; câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời”. Phận rối, phận người Những nhân vật rối - mặt nạ này đều gây men, lên hương người diễn viên ẩn mình phía sau, làm lộ sáng tính cách nhân vật rối, bằng nghệ thuật hình thể và tiếng nói sân khấu của diễn viên kịch. Trong thực tế diễn xuất, vở rối Kiều đã tạo hiệu quả sân khấu cho người xem, sinh động không kém hiệu quả đặc thù của các loại hình kịch, cải lương, chèo từng dựng trên cơ sở Truyện Kiều. Cũng phải kể đến dàn đế của vở rối, vốn vừa được diễn bằng thân thể - người thật của diễn viên, yểm trợ đẹp cho diễn viên rối chính, vừa là hàng chục con chim lợn được tạo hình rất khéo và được diễn viên điều khiển như rối dây, rất bắt mắt khán giả trong những cảnh diễn lý thú. Bằng nghệ thuật rối - người, vở diễn diễn đạt được chiều sâu tâm lý đa đoan, phức tạp của thân phận nàng Kiều, trong ngôn ngữ múa rối, tưởng chừng xa cách và bị giới hạn so với nghệ thuật ngôn từ. Các con rối, do diễn viên điều khiển khéo léo, tinh tế, đã đạt tới giới hạn rất cao về phận sự nghệ thuật của chúng: Người xem có cảm giác nàng Kiều, chàng Từ Hải, gã Hồ Tôn Hiến, bà Hoạn Thư, chàng Thúc Sinh... đã vượt khỏi thân phận rối để thành thân phận người trên sàn diễn. ■ Sau tổng duyệt đêm 23-8, Nhà hát Múa rối VN đã diễn ba đêm 24, 25 và 31-8 tại địa chỉ 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội. Vở diễn không phù hợp với trẻ em dưới 12 tuổi. Ba đêm đông kín người xem vì sự mới lạ của ngôn ngữ rối. Nhà hát kín 270 chỗ ngồi. Giá vé hai loại: 200.000 và 160.000 đồng. Nhà hát đang đi diễn tại Nhật và Pháp, sẽ về nước ngày 7-10 và tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 tại Hà Nội ngày 10-10. Nguyễn Vĩnh Tiến, tác giả ca khúc nối tiếng “Bà tôi”, đã viết 6 ca khúc xuyên suốt vở Kiều, từ ca khúc mở màn “Chữ Tài, chữ Mệnh”, đến ca khúc cao trào “Thân phận nàng Kiều”, và các ca khúc lột tả mưu mô đen tối của Mã Giám Sinh, mụ Mối, Tú Bà, ca khúc bi hùng cho nhân vật Từ Hải, với giọng nam rất đẹp của ca sĩ Đinh Mạnh Ninh và giọng nữ du dương của ca sĩ Thu Trang. Nhạc sĩ Trần Đức Minh phối khí phần nhạc nền toàn vở, với âm giai chủ đạo là tiếng đàn tỳ bà và tiếng sáo. Tags: Sân khấuKiềuTruyện KiềuRối thử nghiệm
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.