Một ca mổ cấp cứu cho sản phụ mang thai ngoài tử cung vào năm 2016 trên đảo Bạch Long Vỹ - Ảnh: CTV |
Chuyến quay lại biển đang mùa gió bấc, anh Hải đến ngư trường gần đảo Cát Bà, nhưng vẫn tâm niệm sớm quay lại Bạch Long Vỹ để có lời cảm ơn những bác sĩ đã mổ cứu sống anh. “Các bác sĩ ở đó tận tụy lắm” - anh Hải chia sẻ.
Cứu người nơi đầu sóng ngọn gió
Bác sĩ Phạm Văn Hải, phó giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ, cho biết thời điểm đón anh Hải (21-9-2016), các anh đã xác định bệnh của Hải rất nặng, nếu không mổ thì ổ viêm phúc mạc có thể nhanh chóng dẫn đến nhiễm trùng máu làm người bệnh tử vong.
Ca mổ sớm và rất thành công. Nhưng sau mổ xuất hiện những cơn nhịp tim chậm ở người bệnh suy tim độ 2 và hở van động mạch chủ, các anh tiếp tục đề nghị sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên.
Ngay trong chiều 21-9, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã quyết định điều một kíp cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Bạch Mai cùng máy bay trực thăng về Bạch Long Vỹ đón anh Hải.
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính (thành viên kíp cấp cứu ngoại viện đón anh Hải hôm ấy), mổ ruột thừa không phải là loại phẫu thuật khó, nhưng xét trên nền bệnh của người bệnh và điều kiện tại Bạch Long Vỹ mới thấy sự cố gắng của các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây. Kết quả ca mổ rất tốt.
Ngay tại huyện đảo, các bác sĩ đã điều trị được những ca bệnh khá phức tạp như ruột thừa, thủng dạ dày, vết thương thấu gan, thấu phổi, vỡ niệu đạo, gãy dương vật và đặc biệt là cấp cứu ban đầu cho những ca bệnh nghề nghiệp ở người đi lặn biển.
Gì cũng phải biết
Khác hẳn với các bác sĩ ở đất liền có điều kiện làm nghề, nâng cao tay nghề theo chuyên khoa, bác sĩ ở đây và các huyện đảo khác thường bị trêu là bác sĩ “biết tuốt” bởi gì họ cũng phải làm.
Ở Bạch Long Vỹ có 5 bác sĩ, các anh vừa làm giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, vừa chụp X-quang, siêu âm, khám, phẫu thuật, phụ phẫu thuật, gây mê...
Số bác sĩ quá ít ỏi đối với một trung tâm y tế tuyến huyện, nên phải 2-3 tháng mỗi bác sĩ mới có thời gian về nhà một chuyến.
Thành phố Hải Phòng, nơi vợ con các anh đang sống, cách Bạch Long Vỹ 140km đường biển, khoảng 6-10 giờ chạy tàu. Sau vài ngày đoàn tụ ít ỏi, họ lại phải chia tay. Đằng đẵng đã nhiều năm dài như vậy.
Nơi đây, bác sĩ “già” nhất trong trung tâm 43 tuổi, nhân viên trẻ nhất mới 21 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, giám đốc trung tâm, có đến 13 năm ở đảo; còn phó giám đốc - bác sĩ Hải mới 35 tuổi đã thâm niên 10 năm ở đảo. Những ngày mới đến đây, các anh đều vừa rời trường y.
Ngày ấy, cứ 4 cán bộ y tế ở chung một phòng tập thể chưa đầy 20m2. Rồi thời gian trôi, họ đã thành những người quen thuộc nhất của đảo.
Nếu không có họ, khoảng 5.000-8.000 người dân Bạch Long Vỹ và ngư dân đang đánh bắt cá ở các ngư trường xung quanh đảo sẽ rất khó khăn khi ốm đau.
Các bác sĩ ở Bạch Long Vỹ làm việc độc lập, đất liền cũng rất cần các anh, họ có thể có cuộc sống ổn định hơn, tốt hơn khi được về gần nhà nhưng thật đáng khâm phục, chúng tôi không nghe thấy bác sĩ nào có tâm tư phải rời đảo. Họ đều tràn trề những nguyện ước về nghề nghiệp. |
Điều kiện ở Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ rất thiếu thốn, nơi đây vẫn dùng máy siêu âm đen trắng, thiếu nhiều thiết bị y tế, có khoảng 20 cán bộ y tế, trong đó chỉ có 5 bác sĩ. Năm 2016, các bác sĩ đã khám và điều trị cho khoảng 6.000 người bệnh, mổ 14 ca. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận