Chiều dần buông, ánh mặt trời chiếu rọi trên cánh đồng Mường Thanh mang đến một vẻ đẹp yên bình. Trước cửa nhà, ông Hoàng Văn Khá (thôn C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) ngồi lặng yên ngắm nhìn cánh đồng ngút ngàn trước mắt, xa xa là núi đồi trùng điệp.
Hố bom thành ruộng, chiến hào thành kênh
Năm nay tuổi ngoài 90, người lính Hoàng Văn Khá ấy đã gắn bó trọn cuộc đời với Điện Biên. Ánh mắt xa xăm hướng về cánh đồng ngút ngàn trước mắt, ông tâm sự mảnh đất anh hùng này đã in dấu chân lớp lớp chiến sĩ để đến bây giờ "chỗ nào cũng biết, chỗ nào cũng nhớ, đến đâu cũng được tiếp đón như người trong nhà".
Đúng 70 năm trước, ông Khá cùng đồng đội chắc tay súng xung phong trong những trận đánh hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng, ông lại cùng đồng đội xung phong trở lại "mặt trận" để làm kinh tế mới, xóa đói giảm nghèo.
Ông nhớ lại sau chiến tranh cánh đồng Mường Thanh là miền đất chết. Hố bom, cỏ dại, thép gai, bom mìn... và cả máu xương đồng đội lấp lối. Trở lại Điện Biên, ông nhận nhiệm vụ lái máy ủi san lấp hố bom nông trường.
Khi đứa con đầu lòng tròn 5 tháng tuổi, ông đón cả vợ con ngược lên miền đất này lập nghiệp. Người lính già mỉm cười nhìn cánh đồng xanh tươi, thơm ngan ngát mùi đòng lúa nếp, cả cánh đồng trù phú này thấm đẫm bao giọt mồ hôi của ông Khá, của đồng đội gỡ từng quả mìn, nhặt từng mảnh bom, san từng hố bom, dẫn nước trồng từng khóm lúa.
Ông Mai Sĩ Tư, một cựu binh Điện Biên, ở cách nhà ông Khá dăm chục bước chân, cũng chọn đây là quê hương mới sau chiến thắng. Ông Tư từng là chiến sĩ trung đoàn 174 - đơn vị đánh cứ điểm đồi A1 trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bà Mai Thị Tậu, vợ ông, cũng vì mến mộ anh bộ đội Điện Biên mà từ biệt miền quê Thanh Hóa lên Tây Bắc lập nghiệp với ông. Cô gái xinh nhất làng ngày ấy cùng chồng lấp từng hố bom trên cánh đồng Mường Thanh để cấy lúa.
Những ngày mới lên Điện Biên, cả hai không biết tiếng Thái, nói chuyện với dân bản chỉ khua chân múa tay làm hiệu. Ấy thế một thời gian sau, dân bản quý vợ chồng anh bộ đội Cụ Hồ như người ruột thịt. Họ được một người trong bản nhận con nuôi, quê hương thứ hai càng thêm gắn bó.
Bà Tậu bâng khuâng nhớ lại thời ấy đường sá đã bị bom đạn cày xới hết. Bộ đội, công nhân phát từng cây cỏ, đắp bờ làm lối đi. Thỉnh thoảng lại có một cô công nhân người xuôi hét toáng, nhảy tanh tách vì con đỉa to như ngón tay cái bám vào bắp chân trắng nõn.
Về sau, khi hòa bình lập lại, gia đình ông Tư, ông Khá cùng các gia đình chiến sĩ Điện Biên năm xưa quyết định an cư ở mảnh đất này, gắn bó như máu thịt, chăm chỉ làm nông, chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế gia đình. Họ sinh con đẻ cái, các thế hệ nối tiếp nhau đóng góp sức mình vì một Điện Biên giàu đẹp, là "phên giậu" vững chắc nơi cực tây Tổ quốc.
Trân quý hai chữ hòa bình
Ông Phạm Đức Cư - cựu cán bộ thông tin tiểu đoàn 394, trung đoàn 376, đang ở phường Nam Thanh (TP Điện Biên Phủ) - là một trong những người lính lực lượng phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày ấy, trung đoàn ông được lệnh phải giữ bí mật tuyệt đối cho đến khi "vít cổ" máy bay Pháp xuống cánh đồng Mường Thanh.
Người lính già mái tóc bạc, lấp lánh những tấm huân chương trên ngực áo sang sảng kể cho lớp trẻ những ngày tháng hào hùng. Dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gặp lại đồng đội, những người đã ngoài 90, ông Cư xúc động nhớ những người đã nằm xuống để màu xanh mướt xanh trên núi rừng Tây Bắc.
Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa chỉ mong lớp trẻ sau này biết trân quý hai chữ hòa bình, góp công góp sức dựng xây và bảo vệ quê hương.
Ông Bùi Kim Điều (94 tuổi), một cựu binh Điện Biên, cũng chọn trở lại mảnh đất này xây dựng kinh tế.
Ông chọn gầy dựng lại cuộc sống ở Him Lam, TP Điện Biên Phủ - nơi mà 70 năm trước quân đội ta chính thức mở màn chiến dịch bằng những loạt đạn pháo tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam được người Pháp mệnh danh là "cánh cửa thép" bất khả xâm phạm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến dịch toàn thắng, năm 1958 ông Điều cùng đồng đội trở lại Điện Biên xây dựng nông trường. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa chia sẻ điều hạnh phúc nhất là được chứng kiến vùng đất lửa "thay áo mới", đổi thay từng ngày.
Từ nơi hoang vu chỉ có dây thép gai, bom mìn, cỏ dại nay đã trở thành vựa lúa lớn nhất Tây Bắc, không chỉ nuôi sống đồng bào nơi đây mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách thập phương.
"Điều chúng tôi mong muốn nhất là thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau noi gương thế hệ cha anh đi trước, ra sức học tập giỏi giang, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật trong nước cũng như nước ngoài để áp dụng vào thực tiễn giúp Tổ quốc Việt Nam to đẹp, giàu mạnh hơn", chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều mong ước.
Đến Điện Biên, hãy thắp lên một nén hương!
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 - nơi an nghỉ của 644 phần mộ liệt sĩ là những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thế nhưng hầu hết đều chưa xác định được tên tuổi.
Ông Điều bộc bạch mong ước của những người lính Điện Biên là hằng năm đến dịp lễ Tết, người dân khi đến mảnh đất này hãy thắp lên một nén hương để tưởng niệm những người mãi mãi nằm lại cho hòa bình hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận