
Diễn viên Hứa Bằng gây sốc vì rời showbiz về quê bán trái cây - Ảnh: Sohu
Ngày 14-4, mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng trước thông tin Hứa Bằng - nam diễn viên 29 tuổi - quyết định từ bỏ sự nghiệp trong ngành giải trí, trở về quê nhà ở thành phố Thanh Đảo, (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) để phụ ông nội 80 tuổi bán trái cây ở chợ.
Theo Sohu, sự kiện Hứa Bằng rời showbiz khiến công chúng chấn động. Chỉ trong thời gian ngắn, tên anh vọt lên top đầu hot search trên Weibo vì câu chuyện của nam diễn viên như một cú đánh trực diện vào những góc tối trong ngành giải trí Hoa ngữ.
Khó khăn khi là diễn viên kém nổi tại Trung Quốc
Ngay từ nhỏ, Hứa Bằng đã ấp ủ ước mơ trở thành diễn viên giỏi. Nam diễn viên xuất sắc tốt nghiệp Học viện Hý kịch trung ương - một trong những trường nghệ thuật danh tiếng nhất Trung Quốc, góp mặt trong nhiều bộ phim truyền hình như Thả thí thiên hạ, Nhất niệm quan sơn...

Dù tốt nghiệp đại học danh tiếng nhưng Hứa Bằng vẫn chật vật tìm chỗ đứng - Ảnh: Baidu
Tuy nhiên sau gần 8 năm hoạt động trong nghề, dù xuất thân từ trường nổi tiếng, có trình độ cao, Hứa Bằng vẫn chật vật tìm chỗ đứng và chỉ có thể tham gia những vai diễn nhỏ.
Theo nam diễn viên, nguyên nhân xuất phát từ việc ngành giải trí hiện tại quá cạnh tranh, một số người thuộc lĩnh vực khác đổ xô vào khiến ngành bị bão hòa.
Việc ưu tiên những diễn viên có ngoại hình đẹp mà không quan tâm năng lực khiến Hứa Bằng trở thành "hạt bụi nhỏ" trong giới giải trí.
"Tôi từng khao khát được cống hiến cho nghệ thuật như các bậc thầy Du Bổn Xương, Lý Tuyết Kiện.
Nhưng thực tế là những ngày dài chật vật, những vai diễn không tên và những cái Tết xa nhà. 10 năm học tập và làm việc tại Bắc Kinh, tôi ở bên gia đình chưa đến 150 ngày" - anh cho biết.
Đáng chú ý, trong tuyên bố rút lui khỏi ngành, Hứa Bằng không ngần ngại chia sẻ rằng điều khiến anh tổn thương nhất chính là những "quy tắc ngầm" tồn tại dai dẳng trong showbiz.

Hứa Bằng không ngần ngại chia sẻ mặt tối của showbiz - Ảnh: Sohu
Ở một số đoàn phim, việc phân vai không còn phụ thuộc vào tài năng hay thực lực, mà bị chi phối bởi mối quan hệ, tiền bạc và thậm chí là thỏa thuận hậu trường. Không ít diễn viên thực lực bị gạt ra ngoài "cuộc chơi" chỉ vì từ chối tham gia vào những cuộc đổi chác ngầm.
Họ bị đẩy vào cảnh chật vật mưu sinh, đam mê dần nguội lạnh theo từng lần bị từ chối. Cơ hội thì lỡ mất, còn họ buộc phải chứng kiến những bộ phim kém chất lượng vẫn được sản xuất chỉ vì có sự góp mặt của những gương mặt nổi tiếng nhưng thiếu tài năng.
Xu hướng lưu lượng khiến diễn viên Hoa ngữ áp lực
Tờ Sohu cho rằng Hứa Bằng không phải là trường hợp duy nhất lên tiếng về những bất công trong làng giải trí.
Những năm gần đây, ngành giải trí Trung Quốc bị chi phối bởi quan niệm "lưu lượng lên ngôi". Trong đó các nhà sản xuất và nhà đầu tư thường ưu tiên chọn các ngôi sao có người hâm mộ khổng lồ, dù họ có thể không có khả năng diễn xuất tốt.

Là diễn viên nổi đình đám nhưng Vương Nhất Bác thường xuyên bị chê diễn không tốt - Ảnh: Weibo
Điều này dẫn đến sự phân bổ tài nguyên không công bằng, các ngôi sao có nhiều fan sẽ nhận được các vai chính và mức cát sê cao, trong khi đó những diễn viên có năng lực nhưng không có "lưu lượng" lại phải chật vật tìm kiếm cơ hội.
Các bộ phim truyền hình ngày càng ưu ái chọn diễn viên theo độ nổi tiếng, thay vì sự phù hợp với vai diễn.
Ngày càng phổ biến là hình ảnh những diễn viên không phù hợp với vai diễn, chẳng hạn như những người ở độ tuổi trung niên đảm nhận vai trẻ, tạo nên sự mất cân đối rõ rệt.
Hệ quả là giá trị nghệ thuật và tính chân thực của tác phẩm bị xói mòn, khiến khán giả khó đồng cảm và dễ mất cảm hứng khi theo dõi những phân cảnh gượng gạo đó.

Dù có nhan sắc nổi bật nhưng diễn xuất của Cúc Tịnh Y luôn là vấn đề tranh cãi - Ảnh: Weibo
Theo Sohu, quyết định từ bỏ showbiz của Hứa Bằng có thể xem là một hành động phản kháng những góc khuất trong ngành. Sự kiện này không chỉ là một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho giới giải trí mà còn là cơ hội để thúc đẩy quá trình thay đổi cần thiết.
"Để làng giải trí có thể phát triển bền vững trước hết cần phải từ bỏ quan niệm "lưu lượng lên ngôi", tập trung vào chất lượng tác phẩm và diễn xuất của các nghệ sĩ.
Các nhà đầu tư và nhà sản xuất cần phải chú trọng đến việc lựa chọn diễn viên phù hợp với vai diễn và tập trung vào việc phát triển kịch bản tốt hơn. Đồng thời cần phải mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn các quy tắc ngầm, xây dựng một môi trường mà các diễn viên có thể phát triển tài năng một cách xứng đáng" - tờ Sohu nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận