Rối rắm chuyện nhập tịch cầu thủ

HUY ĐĂNG 07/10/2024 14:15 GMT+7

TTCT - Gần đây, làng bóng đá trong nước tranh cãi xoay quanh chuyện nhập tịch tiền đạo người Brazil Rafaelson, cầu thủ đã sinh sống tại Việt Nam được gần 5 năm…

FIFA có những quy định rõ ràng liên quan đến chuyện nhập tịch cầu thủ. Và với những người như Rafaelson, giới hạn của việc nhập tịch đơn giản chỉ là cột mốc 5 năm.

Làng bóng đá thay đổi chóng mặt

"Nhập tịch chưa bao giờ dễ dàng đến thế, đặc biệt là khi các nền bóng đá ngày nay đều đầy ắp cầu thủ ngoại" - Viktor Cranal, một người môi giới cầu thủ, chia sẻ. 

Trên lý thuyết, quy định này đã siết chặt hơn chuyện nhập tịch cầu thủ so với những năm 2000. Thời điểm đó, FIFA cho phép cầu thủ nhập tịch thông qua đăng ký khoác áo tuyển trẻ quốc gia, rồi dễ dàng chuyển lên đá đội tuyển quốc gia. Giới hạn lúc đó là cầu thủ phải trong độ tuổi U21.

Rối rắm chuyện nhập tịch cầu thủ - Ảnh 1.

Tiền đạo Nguyễn Xuân Son (Rafaelson) bắt đầu khoác áo CLB Nam Định từ mùa giải 2020 Ảnh: HOÀNG TÙNG

Tận dụng sự lỏng lẻo của quy định này, Qatar nhập tịch cầu thủ ồ ạt bằng cách "vơ bèo gạt tép" ở Brazil, nơi luôn trong tình trạng thừa mứa tài năng bóng đá.

Đến năm 2008, FIFA buộc phải thay đổi quy định. Theo quy định mới, cầu thủ muốn nhập tịch phải thỏa mãn ít nhất một trong các điều kiện: sinh ra ở quốc gia đó, hoặc có cha mẹ, ông bà sinh ra ở quốc gia đó, hoặc đã sinh sống từ 5 năm trở lên ở quốc gia đó nếu đã qua tuổi 18.

Cột mốc 5 năm được chọn là vì nhìn chung, đó là phân nửa quãng đời thi đấu đỉnh cao của cầu thủ chuyên nghiệp. 

Một cầu thủ chơi bóng đủ 5 năm tại một quốc gia cho thấy họ đã gắn bó đủ lâu, không đơn thuần chỉ là quan hệ "làm công nhận lương" nữa. Cũng vì khoảng thời gian này, các đội tuyển quốc gia không còn nhập tịch cầu thủ dễ dàng và ồ ạt như trước nữa.

Ví dụ như tiền đạo nhập tịch Elkeson của Trung Quốc. Cầu thủ người Brazil đến Trung Quốc chơi bóng từ năm 24 tuổi, và khi đủ điều kiện nhập tịch, anh đã gần 30. 

Trong giai đoạn đỉnh cao phong độ, Elkeson từng ghi đến 109 bàn trong 5 năm cho các CLB ở China Super League. Nhưng từ ngày nhập tịch, anh chơi kém hẳn, và chỉ ghi được 5 bàn sau 19 lần khoác áo tuyển Trung Quốc.

Theo dòng thời gian, hoạt động nhập tích cầu thủ khiến làng bóng đá thế giới ngày càng thay đổi một cách khó lường. Indonesia, nơi bị xem là vùng trũng của bóng đá thế giới, đã có thể thuyết phục hàng loạt cầu thủ chuyên nghiệp vào loại khá ở châu Âu trở về cố hương.

Bên cạnh những chính sách hứa hẹn của Indonesia, việc FIFA mở rộng quy mô World Cup đã mở ra cơ hội để họ chơi ở giải đấu danh giá nhất hành tinh. 

Những cầu thủ như Thom Haye, Ragnar Oratmangoen khó lòng mơ ngày dự World Cup trong màu áo đất nước nơi họ trưởng thành, Hà Lan và Bỉ. Chỉ trở về Indonesia, họ mới có hy vọng đó.

Đó là trường hợp của cầu thủ nhập tịch qua gốc gác cha mẹ, quan hệ huyết thống - con đường dễ chấp nhận hơn với người hâm mộ. Tuy sinh ở nước ngoài, họ là "Indo kiều" đúng nghĩa, vẫn còn những gắn bó nhất định với "quê cha đất mẹ".

Trái lại, con đường thứ hai luôn gây ra tranh cãi lớn, đó là những cầu thủ sinh sống từ 5 năm trở lên tại một quốc gia, rồi khoác áo quốc gia đó.

Như đã nói, quy định 5 năm từng được hy vọng sẽ giúp tránh được tình trạng "mua bán cầu thủ" trên thực tế với cấp độ đội tuyển quốc gia. Nhưng chỉ đến khi các tỉ phú dầu mỏ Saudi Arabia bước vào cuộc chơi bóng đá.

Saudi Pro League (SPL, giải vô địch quốc gia Saudi Arabia) thường bị coi là sân chơi của những ngôi sao hết thời, tìm nơi "việc nhẹ lương cao" để dưỡng già. Tuy nhiên, bên cạnh những lão tướng như Cristiano Ronaldo hay Karim Benzema, SPL hai năm qua còn thu hút rất nhiều ngôi sao trẻ đáng chú ý.

Marcos Leonardo là một ví dụ. Tiền đạo người Brazil mới 21 tuổi, được Transfermarkt định giá đến 30 triệu euro, và đã có khoảng thời gian khẳng định tiềm năng ở CLB Bồ Đào Nha Benfica. 

Leonardo từng được rất nhiều đội bóng lớn ở châu Âu săn đón, nhưng rồi vẫn chọn đến Al-Hilal vào mùa hè này, nơi anh vừa hưởng lương cao, vừa chơi bóng cùng Neymar, Cancelo, Neves… Thêm vào đó, Leonardo mới khoác áo các đội trẻ Brazil. 5 năm sau, tiền đạo xuất thân từ lò đào tạo Santos này cũng mới 26 tuổi.

Wesley, một đồng hương khác của Leonardo, hiện đang là đồng đội của Ronaldo tại Al Nassr thậm chí mới 19 tuổi. Anh cũng chưa từng khoác áo tuyển quốc gia Brazil, và Wesley hoàn toàn có thể thử vận may với Saudi Arabia sau 5 năm nữa. 

Đây là một kế hoạch rất dài hơi: Saudi Arabia sẽ là chủ nhà World Cup 2034, nên đừng ngạc nhiên nếu 10 năm sau, họ sẽ là ứng viên vô địch thế giới với đội hình gồm toàn cầu thủ gốc Brazil và châu Phi.

Bài học Diego Costa

Nhưng trước khi đến được viễn cảnh trong mơ, Saudi Arabia sẽ phải nhìn lại một số bài học quá khứ. Nhiều cầu thủ nhập tịch thông qua con đường "5 năm" đã gặp khó khăn khi hòa nhập với đội tuyển quốc gia nước mình sinh sống.

Điển hình là tiền đạo ngôi sao Diego Costa của Tây Ban Nha. Costa sinh năm 1988 ở Brazil và chuyển đến Tây Ban Nha năm 2007. Đầu những năm 2010, anh nhanh chóng chứng tỏ được tài năng trong màu áo CLB Atletico Madrid, nhưng lại chưa bao giờ được thừa nhận ở tuyển Brazil khi nền bóng đá nước này thời điểm đó có rất nhiều tiền đạo xuất sắc. 

Anh chỉ khoác áo Brazil 2 lần, đều là các trận giao hữu, và vì thế vẫn đủ tiêu chuẩn nhập tịch và đá cho Tây Ban Nha. Sau nhiều thủ tục, Costa lần đầu khoác áo tuyển Tây Ban Nha vào năm 2014.

Nhưng rồi cuộc phiêu lưu đó chỉ kéo dài 4 năm, từ World Cup 2014 đến 2018. Trong 4 năm đó, Costa chỉ khoác áo tuyển Tây Ban Nha 24 trận, ghi được 10 bàn, và bị xem là nguyên nhân chính khiến Tây Ban Nha không thể tiến xa ở 2 kỳ World Cup. 

Costa, một người Brazil thực thụ, nổi tiếng với phong cách thi đấu hoang dại, bốc đồng, thành danh trong màu áo Atletico, không thể hòa nhập được với một đội tuyển Tây Ban Nha đậm màu tiki-taka thời điểm đó.

Costa bị xem như một cậu học trò ngỗ nghịch, dẫu tài năng nhưng không hòa nhập được với môi trường "con ngoan trò giỏi" kiểu Barcelona. Vài năm sau, chính Costa cay đắng thừa nhận anh luôn cảm giác mình là cừu đen ở tuyển Tây Ban Nha. 

Nếu kiên nhẫn hơn, tiền đạo sinh năm 1988 hoàn toàn có thể đợi được cơ hội ở tuyển Brazil, quê hương đích thực của anh.

Costa là bài học điển hình cho chuyện nhập tịch cầu thủ. Tây Ban Nha nhập tịch anh vì thiếu tiền đạo giỏi, còn Costa lầm tưởng mình đã thành người Tây Ban Nha sau nhiều năm chơi bóng ở đây. 

Nhưng bóng đá có lẽ là môn thể thao còn ghi lại dấu ấn quốc gia - dân tộc rõ ràng nhất vào thời đại toàn cầu hóa, với những mối quan hệ ngầm ẩn nhiều khi không thể chỉ ra rõ ràng, nhưng cực kỳ quan trọng lúc bóng lăn.

Cầu thủ có thể sinh sống lâu dài và ra sân chơi bóng hằng tuần ở một quốc gia đó, nhưng khi đã mang danh "tuyển thủ", tình hình sẽ khác hoàn toàn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận