Một người đang được lấy mẫu kiểm tra đường huyết - Ảnh: AFP
Nhịp sinh học hằng ngày là quá trình giữ cơ thể đồng bộ với các chu kỳ ngày/đêm. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Genome Research ngày 20-1 cho thấy các rối loạn trong nhịp sinh học sẽ ảnh hưởng đến khả năng chống chọi rất nhiều loại bệnh tật khác nhau.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động của các đại thực bào - tế bào trong cơ thể nắm giữ chức năng dò tìm và phá hủy các "kẻ xâm nhập" như vi khuẩn - có thể tự điều chỉnh nhịp độ phản hồi với mầm bệnh và căng thẳng thông qua nhịp sinh học kiểm soát quá trình trao đổi chất.
Hệ thống nhịp sinh học bao gồm các "protein đồng hồ" có khả năng lường trước được chu kỳ ngày/đêm bằng cách tạo ra dao động trong mức enzyme và hormone nhằm ảnh hưởng đến các thông số sinh lý như là nhiệt độ cơ thể và phản hồi miễn dịch. Đồng hồ này hoạt động dựa trên chu kỳ sản xuất và phân hủy protein trong vòng mỗi 24 giờ.
Đại thực bào - tế bào "sát khuẩn" của hệ miễn dịch - được điều khiển bởi nhịp sinh học hằng ngày - Ảnh: VIỆN BÁCH KHOA RENSSELAER
Nhóm nghiên cứu tại Viện bách khoa Rensselaer đã hợp tác với phòng nghiên cứu tại Đại học Giải phẫu Hoàng gia Ireland (RCSI), thấy được rằng đồng hồ sinh học điều tiết quá trình trao đổi chất để "cài đặt" thời gian lên các chức năng miễn dịch của đại thực bào.
Nhịp độ của hệ miễn dịch có quan hệ mật thiết với sức khỏe, việc điều trị bệnh tật và độ hiệu quả của vắc xin.
"Cơ thể của chúng ta được định đoạt thời gian bởi các đồng hồ sinh học nhiều hơn chúng ta từng nghĩ", giảng viên Annie Curtis tại RCSI khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận