Nhiều nông dân thu hoạch lúa cho hay năm nay lúa bị bệnh, lại mất giá khiến nông dân gặp nhiều khó khăn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Câu chuyện "giải cứu" hạt lúa tiếp tục được bàn thảo, nhưng giải pháp "chữa cháy" này không chữa được mãi.
Nông dân lại lo lắng
Những ngày này, tại các huyện Châu Thành, Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), không khí trên các cánh đồng vô cùng ảm đạm, hầu như không có sự hiện diện của thương lái và máy gặt đập dù lúa đã gần đến thời điểm thu hoạch - trái ngược với cảnh nhộn nhịp vụ lúa đông xuân mọi năm.
Hì hục cắt số lúa chín ngoài ruộng, ông Trang Văn Hoàng (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung), rầu rĩ cho biết 5 công lúa của gia đình ông mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái vẫn biệt tăm. Tiếc của, ông ra đồng cắt bằng tay mớ lúa chín đem vô nhà cho gà, vịt ăn. "Mấy ngày nay giá rớt thê thảm, trước tết lúa IR50404 còn bán được với giá 4.800 đồng/kg thì nay còn 4.300-4.400 đồng/kg. Thời điểm này năm ngoái nhộn nhịp bao nhiêu thì nay ảm đạm bấy nhiêu" - ông Hoàng chia sẻ.
Giá lúa sụt giảm mạnh nên so với 10 ngày trước, tôi giảm thu nhập gần 5 triệu đồng
Ông Nguyễn Văn Hai (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)
Trong khi đó, ông Dương Văn Mỏng (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành) dù đã nhận tiền cọc của thương lái 700.000 đồng/công nhưng vẫn hồi hộp chờ thương lái đến gặt. "Bữa chốt giá với thương lái 4.500 đồng/kg mà nay nghe đâu giảm nữa rồi. Họ bỏ cọc mình biết bán cho ai" - ông Mỏng lo.
Còn ông Lưu Văn Hải, ngụ xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, An Giang) đang cùng với gia đình thu hoạch 30.000m2 lúa IR50404 tính toán: giá lúa ông bán cho thương lái chỉ 4.550 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm ngoái, trừ hết chi phí, chỉ còn lời 300.000-400.000 đồng/công (1.000m2). "Nếu ai mướn đất làm lúa còn thê thảm hơn. Làm 3 tháng mà lời thế sao bằng đi thợ hồ trong 3 ngày" - ông Hải nói.
Doanh nghiệp "bỏ chạy" vì thiếu vốn?
Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng - cho biết nông dân trồng lúa đang chết đứng vì giá thấp, không ai mua. Theo ông Chiêu, do thị trường tiêu thụ khó khăn, một số doanh nghiệp trước đó có đầu tư, bao tiêu lúa của nông dân cũng đành "bỏ của chạy lấy người".
Ông Nguyễn Ngọc Hè - giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ - cho biết TP gieo trồng hơn 81.000ha (dự kiến thu hoạch 570.000 tấn), nhưng hợp đồng bao tiêu hiện nay mới chỉ khoảng 15.000 tấn, nếu doanh nghiệp mua lúc này sẽ thuận lợi cho dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Toại - giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ - cho biết theo dõi 20 ngày qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL nói chung và tại TP Cần Thơ nói riêng đang giảm hằng ngày.
Qua tìm hiểu của Sở Công thương, ông Toại cho hay có tình trạng này là do doanh nghiệp và thương lái thiếu vốn để mua. Tổng số vốn mà doanh nghiệp cần cho việc mua lúa của nông dân khoảng 1.000 tỉ đồng.
Đại diện nhiều công ty sản xuất lúa gạo ở TP Cần Thơ đều cho rằng thiếu vốn. Như ông Phạm Thái Bình - giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho hay "mạnh như tôi" vẫn khó về vốn vì công ty đã đầu tư cả ngàn tỉ cho hạ tầng và sản xuất các vùng nguyên liệu. Hiện vốn vay ngắn hạn được các ngân hàng cho vay chưa tới 100 tỉ đồng, không đáp ứng nhu cầu mua lúa của nông dân.
"Không thể giải cứu mãi"
Trước tình hình giá lúa giảm thấp và bán khó, nhiều địa phương đã đề xuất các giải pháp mua tạm trữ và hỗ trợ tín dụng. Ông Võ Văn Chiêu cho biết Sở Công thương phối hợp Sở NN&PTNT đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng sớm làm việc với các doanh nghiệp để mua tạm trữ hết sản lượng lúa trong dân. "Đây là vấn đề lớn, cấp bách cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhất là ngân hàng trong việc cho các doanh nghiệp vay không lãi suất" - ông Chiêu kiến nghị.
Tương tự, tại cuộc họp bàn giải pháp mua lúa đông xuân do UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 13-2, ông Nguyễn Minh Toại cũng đề xuất trình Thủ tướng xin chỉ đạo về mua lúa tạm trữ bên cạnh các giải pháp khác như hỗ trợ về mặt tín dụng (tăng hạn mức, đẩy nhanh tiến độ giải ngân).
Tuy nhiên giải pháp "giải cứu" bằng chính sách tạm trữ không phải ai cũng tán thành. Ông Phạm Thái Bình cho biết việc sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho tới chế biến, xuất khẩu vốn đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho thực hiện từ rất lâu và nếu làm được việc này thì không có doanh nghiệp nào bỏ nông dân. Theo ông Bình, không chỉ năm nay mà sau này ngành hàng lúa gạo sẽ tiếp tục với câu chuyện "giải cứu" nếu không giải quyết được vấn đề sản xuất theo chuỗi vốn đã được nói từ rất lâu.
Một phần do phá cơ cấu giống
Ông Lâm Thành Kiệt - tổng giám đốc Công ty cổ phần nông sản Vinacam - cho biết tình trạng thương lái "bỏ của chạy lấy người" trong bối cảnh giá lúa xuống thấp vì họ không có khách ổn định, đến khi khó khăn thì kêu cứu doanh nghiệp, doanh nghiệp thì kêu cứu chính quyền. Trên thực tế, những doanh nghiệp làm bài bản thì vẫn rất khả quan.
Theo ông Kiệt, một trong những nguyên nhân làm giá xuống thấp như hiện nay là có sự thay đổi cơ cấu giống: giống Jasmine đã giảm 50% trong 6 tháng cuối năm 2018, thay vào đó giống lúa Đài Thơm 8 sản xuất tràn lan, không theo một kế hoạch nào. Ngoài ra, một số doanh nghiệp làm ăn bát nháo, ký hợp đồng với đối tác giống lúa Jasmine nhưng giao Đài Thơm 8 làm thị trường thêm khó khăn.
Ông Trương Quang Hoài Nam - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cũng cho rằng việc phá vỡ cơ cấu giống là có thật. Ông Nam thông tin tại TP Cần Thơ trong một thời gian ngắn giống Jasmine đã giảm 31% và giống Đài Thơm 8 đã tăng 18% so với cùng kỳ thời điểm này năm trước.
Lúa hữu cơ vẫn bán được giá cao
Tại một cơ sở chế biến gạo xuất khẩu ở ĐBSCL - Ảnh: KHOA NAM
Cuối ngày 15-2, ông Nguyễn Văn Hiền - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang - cho biết đến thời điểm này An Giang thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 gần 10.000ha, chiếm khoảng 3% trong tổng diện tích của tỉnh.
Nhiều nông dân không bị ảnh hưởng
Với các giống lúa chất lượng cao như Jasmine, lúa Nhật... đều là loại dài ngày, chưa thu hoạch thời điểm này nên chưa biết mua ra sao. "Thời điểm này giá lúa chất lượng cao đối với OM5451, Đài Thơm 8 chỉ cao hơn vài trăm đồng/kg so với giống lúa IR50404 đang có giá 4.300-4.500 đồng/kg" - ông Hiền nói.
Theo một doanh nghiệp mua lúa tại tỉnh Sóc Trăng, những nông dân sản xuất giống lúa ST24 và ST24 hữu cơ vẫn bán được giá 8.000 đồng/kg nhờ 2 doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang và Hồ Quang Trí có ký kết đầu tư bao tiêu ngay từ đầu nên cho dù giá lúa thị trường có biến động, nông dân trồng 2 giống lúa này vẫn không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, lúa thơm ST21 và RVT giảm sâu từ 1.200-1.500 đồng/kg. Theo lý giải của doanh nghiệp, hai giống lúa này chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc nhưng hiện Trung Quốc tạm ngưng mua khiến nông dân trồng giống lúa này lao đao.
Đã có tín hiệu tích cực
Ông Lâm Thành Kiệt cho rằng đã có những tín hiệu tích cực như: Philippines đang mở cửa cho nhập khẩu gạo tự do mà VN chỉ đóng thuế 35% thì được xuất khẩu. Các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập... cũng đang mở cửa nhập khẩu gạo VN.
Ông Võ Nguyên Nam - giám đốc Sở Công thương An Giang - cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 11 doanh nghiệp đang mua lúa gạo xuất khẩu. Nguyên nhân chính dẫn đến giá lúa giảm mạnh so với cùng kỳ là do hiện tại nhu cầu thị trường chưa cần nên doanh nghiệp chưa mua.
Dù thị trường Trung Quốc khó khăn nhưng theo ông Nam, giá thấp cũng là do người dân bị thương lái ép giá chứ "hiện tại thị trường xuất khẩu của VN vẫn có đầu ra. Vì các doanh nghiệp vẫn tồn kho lúa, gạo nhiều nên họ chưa mua... Vì 80% nông dân An Giang đang tự trồng tự bán nên bắt buộc phải "qua tay" thương lái mới bán được nên khó tránh khỏi việc bị ép giá. "Nông dân nên tham gia vào liên kết với doanh nghiệp hoặc hợp tác xã" - ông Nam đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận