Rocketman (2019) - Official Trailer - Paramount Pictures
Cảnh Elton John "bay lên" từ chiếc đàn piano trong đời thực
Trong bộ hóa trang sừng quỷ Satan, Ngài Elton John bước đi đầy ngạo khí tiến ra sân khấu. Nhưng lần này không phải sân khấu âm nhạc, mà là sân khấu đời mình: một buổi trị liệu tâm lý cùng những người bệnh khác.
Tại đó, ngài kể lại cuộc đời đã qua, vừa kể vừa trút bỏ dần từng món đồ lấp lánh trên người, trút bỏ cả tính danh Elton Hercules John, để cuối cùng chỉ còn lại chiếc áo choàng tắm lông chuột chũi cùng một Reginald Dwight (tên thật của ông) trần trụi.
Và như vậy, từ đầu đến cuối, bộ phim Rocketman có lẽ không gì hơn là một lời tự thú của Elton.
Điều đó không khó hiểu khi mà Rocketman do chính Elton và bạn đời David Furnish nhúng tay sản xuất. Và nó lại được phát hành vào đúng khoảng thời gian chuyến lưu diễn cuối cùng mang tên Farewell Yellow Brick Road của Elton John đã đi được phân nửa hành trình.
Sau nửa thập kỷ trên đường, "hiệp sĩ âm nhạc" có lẽ đã thực sự muốn "tạm biệt con đường lát gạch vàng", tạm biệt danh vọng và bắt đầu chặng đường mới nơi Reginald Dwight được hồi sinh ngay bên trong Elton John.
...và cảnh trong phim Rocketman - Ảnh: Politusic
Một tiểu sử không phải là tiểu sử
Elton John có thể có một chút tương đồng với Freddie Mercury. Họ cùng là những thiên tài tắc kè hoa quái dị, cùng là người tình của ánh đèn sân khấu. Nhưng Rocketman thì không giống Bohemian Rhapsody. Nó cũng không giống phần lớn những phim tiểu sử khác của các tượng đài âm nhạc.
Đành rằng những môtip trong Rocketman cũng có thể bắt gặp đâu đó trong các bộ phim về John Lennon, Ray Charles, Freddie Mercury, Jim Morrison, nào là môtip về tuổi thơ sống như một người thừa khi cậu bé Reginald là kết quả của cuộc hôn nhân không làm ai hạnh phúc, nào là những năm tháng cơ hàn rồi phút chốc bước lên đỉnh thế giới, nào là sự hiểu lầm với tri kỷ "vàng" Bernie Taupin (họ đã cùng sáng tác 50 năm!), sự vỡ mộng của tình yêu, những cơn bột phát điên rồ, sự sa ngã vào rượu, thuốc an thần, ma túy, tiệc tùng, tình dục.
Nhưng Rocketman lại không thuần túy là một bộ phim tiểu sử. Hơn thế, nó mang hơi hướm của một bộ phim ca nhạc - nơi những bài hát của Elton trở thành một phần lời thoại cùng độc thoại nội tâm của không chỉ riêng ông và được trang trí bởi những mảng màu kỳ ảo, siêu thực, nửa phiêu diêu như trong một MV của dòng psychedelic rock, nửa cổ tích như trong Fantasia 2000.
Phân cảnh mà nhân vật Elton John do Taron Egerton thủ vai - người được đích thân vị huyền thoại vĩ đại lựa vào vai diễn này - bay lên không trung từ chiếc đàn piano, và rồi tất cả khán giả cũng bay lên trong bầu khí quyển âm nhạc của ông thực sự là một trường đoạn như diễn ra bên ngoài Trái đất.
"... Khi sự nghiệp khởi sắc, nó khởi sắc theo cách gần như phi thực đối với tôi" - Elton John lý giải tại sao ông đã từ chối làm một bộ phim trực diện hơn về cuộc đời. Nhưng không trực diện không có nghĩa là lời tự thú của ông thiếu chân thành.
Cuộc làm lành cùng quá khứ
"Làm sao mà một anh chàng béo ú vô danh như tôi có thể thành nhạc sĩ nhỉ?" - Elton John, khi ấy còn là Reginald Dwight, hỏi một ca sĩ. Người ca sĩ trả lời: "Anh phải giết đi con người anh được sinh ra để trở thành con người anh muốn trở thành".
Và người nghệ sĩ đã thực sự giết đi bản dạng Reginald Dwight. Sau "cái chết" của cậu bé Reggie, Elton John mới ra đời. Cặp kính cận thị quê cục thay bằng những cặp kính đỏm dáng. Chiếc áo khoác đen thay bằng những y phục phổ màu lòe loẹt. Sự tự ti thay bằng phong thái ngạo nghễ của một vị thần trên đỉnh Olympus.
Một điểm thật tinh tế trong kịch bản của Rocketman, đó là cách họ đã dành tới hai phân cảnh cho sự ra đời của cái tên "Elton John". Dành nhiều thời lượng đến thế để lý giải sự vay mượn tên người khác hay phút bốc đồng chắp ghép nghệ danh, dường như đó cũng là lời tự thú của Elton John rằng ông đã muốn trở thành ai đó khác, bất cứ ai, dù là người bạn bình thường hay là John Lennon, miễn không phải Reginald Dwight đáng xấu hổ.
Elton John đã tự hành hạ Reginald Dwight "không ai muốn xem". Phải đến phút cuối cùng trong lời tự thú kéo dài hai giờ của mình, sau khi ảo ảnh về những người đã đến và đi trong đời ông hiện lên để ông nói lời đáy lòng với riêng mỗi người, từ người mẹ đồng bóng, người cha lãnh đạm đến gã tình nhân cơ mưu hay người bạn Bernie Taupin chí tình, thì ảo ảnh về cậu bé Reginald mới lên tiếng để Elton John nói những điều chân thành nhất.
Và cái ôm siết chặt giữa Elton và Reginald như lời kết rằng: sau bấy nhiêu năm, ông đã có thể chuộc những tội lỗi gây ra cho chính mình của quá khứ. Một cái kết an lành khác với phần đông các tác phẩm tiểu sử âm nhạc thường kết thúc bi đát, hoặc nuối tiếc, hoặc đầy dự cảm đau thương. Bởi với Elton John, Rocketman cũng chỉ là khép lại một chương trong đời để mở ra một chương mới...
Một trong những biểu tượng âm nhạc vĩ đại
Elton Hercules John là một trong những biểu tượng âm nhạc vĩ đại nhất từ trước tới nay, với khoảng 300 triệu đĩa nhạc đã được tiêu thụ và nắm kỷ lục đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại với ca khúc Candle in the wind.
Suốt sự nghiệp kéo dài khoảng 50 năm, Elton John có hơn 4.000 buổi biểu diễn tại hơn 80 quốc gia. Nhờ những đóng góp của mình cho âm nhạc và các hoạt động cộng đồng, Elton John được nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ năm 1998.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận