Robot Philae hoạt động trên bề mặt sao chổi - Ảnh: Reuters |
Sau hành trình kéo dài 10 năm qua 6,5 tỉ km không gian và cú hạ cánh lịch sử xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, robot Philae có nguy cơ phải sớm kết thúc sứ mệnh vĩ đại của mình vì hết pin.
Theo AFP, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo robot Philae trên bề mặt sao chổi 67P đã chuyển sang trạng thái “chờ” (standby) vì không còn đủ năng lượng.
“Ở trạng thái này, các công cụ và hầu hết hệ thống của Philae sẽ tắt” - ESA thông báo. Tuy nhiên, trước khi “ngủ đông”, Philae đã kịp gửi về nhiều hình ảnh và thông tin quan trọng về sao chổi 67P.
“Cỗ máy này đã hoạt động tuyệt vời trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Chúng tôi rất tự hào về thành tựu khoa học đáng kinh ngạc này” - chuyên gia ESA Stephan Ulamec tuyên bố.
Theo kế hoạch ban đầu, Philae thực hiện các nghiên cứu trên bề mặt sao chổi 67P và truyền thông tin về Trái đất trong vòng chín tháng nhờ năng lượng từ hệ thống pin mặt trời.
Tuy nhiên cú hạ cánh không hoàn hảo đã khiến Philae đậu trên một khoảng tối của sao chổi, không tiếp cận được ánh sáng mặt trời để sạc pin. ESA tính toán Philae có thể sạc pin 7,5 giờ mỗi ngày, nhưng tại địa điểm này nó chỉ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời 1,5 giờ mỗi ngày.
Sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta, robot Philae đã không thể phóng móc câu để đứng cố định trên bề mặt sao chổi.
Mới đây ESA cho biết đã gửi lệnh để Philae điều chỉnh tấm pin năng lượng theo hướng có thể tiếp nhận nhiều ánh sáng hơn. Tình hình cũng có thể sẽ thay đổi khi sao chổi 67P tiến gần tới Mặt trời. Dù vậy, ESA thừa nhận khó có khả năng liên lạc với Philae trong thời gian tới.
Các chuyên gia ESA mô tả Philae chỉ “ngủ” chứ không “chết”. Trong khi đó, tàu vũ trụ Rosetta vẫn tiếp tục sứ mệnh quan sát sao chổi 67P.
Tàu vũ trụ Rosetta mang theo robot Philae rời Trái đất cách đây 10 năm, di chuyển trên quãng đường 6,5 tỉ km trước khi tiếp cận sao chổi 67P ở vị trí cách Trái đất khoảng 500 triệu km.
Philae tách khỏi tàu Rosetta ngày 12-11 và đáp lên bề mặt sao chổi 7 giờ sau đó. Đây là cú hạ cánh được đánh giá là “thần kỳ” bởi sao chổi 67P chỉ rộng 4km và di chuyển với tốc độ chóng mặt 66.000 km/giờ.
Robot Philae nặng khoảng 100kg, được trang bị 10 công cụ để chụp ảnh và phân tích bề mặt sao chổi 67P. Philae cũng có chức năng phân tích thành phần hóa học, tính chất điện từ và cấu trúc của sao chổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận