Sophia và Phó tổng thư ký LHQ Amina J. Mohammed - Ảnh: thetimes.co.uk
"Tôi lịch sự từ chối lời cầu hôn này. Dù sao cũng xin cảm ơn" - cô gái robot Sophia đã trả lời như thế trước lời ngỏ đến từ một con người tại hội nghị công nghệ tại Ấn Độ.
Hành động rất… máy móc này một lần nữa khiến Sophia "ghi điểm" trong mắt con người, sau lần cô trả lời thanh thoát ở một sự kiện của Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái.
"Bước sang năm 2018, trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ có thêm những bước phát triển vượt bậc, lúc đó tôi chỉ mong, những câu nói hồn nhiên như Sophia không phát ra từ miệng một cô robot nào đó, mà được nói ra từ chúng ta, những con người".
Khánh Hưng
Lời chối từ của Sophia nghe thật hồn nhiên (vì con người không ai trả lời như vậy) nhắc nhở chúng ta một điều: AI đã phát triển đến mức kinh ngạc, và những khoảng trống về tinh thần giữa con người với con người đang được các robot như Sophia lấp đầy.
Sophia là một "robot xã hội", tức chỉ là một cỗ máy mang hình hài con người, nhưng điều "hay ho" ở Sophia chính là cô biết gầy dựng các mối quan hệ với con người thông qua tương tác, trò chuyện và học hỏi.
"Tôi lịch sự từ chối lời cầu hôn này. Dù sao cũng xin cảm ơn" - Thử hỏi bây giờ con người mấy ai chối từ một cách rất lịch thiệp như thế này, không chỉ là từ chối lời cầu hôn?
Chúng ta thường nói với nhau bằng những câu ngắn ngủn, thiếu chủ ngữ lẫn vị ngữ, và tất nhiên thiếu hẳn những từ "lịch sự", "cảm ơn", "xin lỗi".
Nhất là bây giờ, thời hiện đại, nếu bạn xài Facebook sẽ thường xuyên nhận được những câu trả lời kiểu "ok", "uh", hoặc những hình like màu xanh, mặt cười khổng lồ nhưng vô hồn.
Có phải lâu lắm rồi bạn không nhận được (hay gửi đi) một lời cảm ơn, xin lỗi với đầy đủ chủ ngữ vị ngữ không?
Tất nhiên, câu trả lời "xã giao" của Sophia ở trên cũng "học hỏi" từ con người mà ra, nhưng khác với chúng ta, những điều được học, dù nhỏ bé, Sophia nhớ mãi.
Còn chúng ta thường "hay quên" những điều "hay ho" đó. Ví dụ, ngày nhỏ mẹ cha dặn ra đường gặp người lớn tuổi phải chào hỏi đàng hoàng, bây giờ bạn còn làm?
Ví dụ, bài học có lỗi phải nhận lỗi bây giờ bạn còn nhớ? Ví dụ, bắt đầu nói phải thưa gửi bây bạn đã quên?
Có một thực tế thế này: Con người đang ngày càng muốn tạo ra những robot giống người, trong khi họ càng ngày càng giống… robot hơn.
Không đâu xa, bây giờ ra đường ai ai cũng đắm chìm trong thế giới riêng của smartphone hay máy tính bảng, họ cúi mặt, im lặng.
Không đâu xa, bây giờ nền giáo dục đúc khuôn từ trong gia đình ra nhà trường đang biến những đứa trẻ như "trăm hoa đua nở", ước mơ giống nhau mồn một.
Không đâu xa, bây giờ khi đọc báo về các tin sai phạm của ông này bà nọ, bạn sẽ thấy lối giải thích của con người rất "robot" như được lập trình sẵn, rằng: đúng quy trình, rút kinh nghiệm sâu sắc, lỗi đánh máy…
Chà, càng nghĩ càng thấy con người chúng ta giống robot, và những cô robot như Sophia càng ngày càng giống… người. Phải chăng con người đang ngày càng mất đi sự hồn nhiên vốn có?
Phải chăng con người ngày càng ít ham học hỏi những điều "hay ho nhỏ bé" như Sophia? Phải chăng chúng ta hay quên đi những điều tốt đẹp nhất được học, dặn dò?
Lời chối từ của Sophia hẳn nhiều người nghe nhưng có lẽ cũng nhiều người bỏ qua. Với đa số chúng ta, Sophia dù đã được trao quyền công dân nhưng vẫn là một robot không hơn không kém.
Mắt Sophia vẫn vô hồn, và cô cũng không thể có lòng trắc ẩn, nhưng nghe những gì Sophia từng nói và nhìn lại mình, chúng ta biết rằng nhiều khi đôi mắt ta vẫn vô hồn khi nói chuyện với ai đó (bằng việc cúi gằm vào điện thoại), lòng trắc ẩn của chúng ta ngủ quên (bằng việc thờ ơ với cuộc sống xung quanh).
Chúng ta không sợ robot như Sophia biến thành người, mà sợ con người chúng ta đang dần dần vô hồn như robot.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn suy nghĩ gì đề điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận