Ear-Bot lắng nghe được tín hiệu âm thanh nhờ vào tai của châu chấu chết - Ảnh: Đại học Tel Aviv
Bọ cánh cứng đeo balô camera, bướm đêm lái xe… là những chuyện thật như đùa xuất phát từ các thí nghiệm trên côn trùng. Theo CNET, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv đã chế tạo ra loại robot "lai sinh học" có thể "lắng nghe" thông qua một bộ phận lấy từ xác của một con châu chấu: tai.
Robot này nhận các tín hiệu điện thông qua cái tai này, phản hồi với âm thanh. Vỗ tay 1 cái, robot sẽ tiến lên, còn nếu vỗ 2 cái thì nó sẽ lùi lại.
Chuyển động này thoạt nghe đơn giản nhưng cơ chế khoa học đằng sau robot có tên gọi Ear-Bot khá là… điên rồ. Bởi vì con châu chấu đã chết, nhóm nghiên cứu cần tìm cách thay thế để nuôi sống cái tai của nó. Họ đã gắn cái tai lên một con chip và cung cấp oxy giúp duy trì "sự sống".
"Chúng tôi thay microphone điện tử của robot bằng tai của một con côn trùng chết, sử dụng khả năng của cái tai này để phát hiện tín hiệu điện từ môi trường, trong trường hợp này là dao động trong không khí. Sử dụng một con chip đặc biệt, tín hiệu này sẽ truyền đến robot", đồng tác giả nghiên cứu Ben Maoz cho biết.
Tai của châu chấu gắn lên con chip và được cung cấp oxy - Ảnh: Đại học Tel Aviv
Các hệ thống tích hợp sinh học vào robot có vài ưu điểm khi so với một robot hoàn toàn máy móc, cụ thể là vấn đề tiêu hao năng lượng. Loại robot lai này có kích thước tí hon, do đó cực kỳ tiết kiệm năng lượng và hiệu quả.
Nhóm nghiên cứu hi vọng Ear-Bot sẽ là bước mở ra những tiến bộ trong tương lai. Một ý tưởng là tích hợp lỗ mũi đánh hơi ma túy hoặc chất nổ vào robot.
Công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Sensors.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận