20/06/2022 08:59 GMT+7

Robot, máy xịn ở bệnh viện công đâu rồi!

HOÀNG LỘC - LAN ANH
HOÀNG LỘC - LAN ANH

TTO - Ngành y tế hiện được xem là đang gặp khó khăn lớn về điều hành khi hàng loạt cán bộ cấp lãnh đạo vướng vòng lao lý. Tình trạng đó còn khiến cho việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men gần như "đóng băng".

Robot, máy xịn ở bệnh viện công đâu rồi! - Ảnh 1.

Sở hữu tính năng vượt trội về thời gian phẫu thuật, phẫu trường mổ nhỏ, không gây tổn thương các dây thần kinh nhưng hệ thống robot của Bệnh viện Nhân dân 115 đã dừng hoạt động chỉ sau một năm ra mắt - Ảnh: T.N.T.

Tại một số bệnh viện công, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại (lắp đặt bằng vốn ngân sách hoặc hợp tác đặt máy với tư nhân) đều bị "đắp chiếu", trong khi bệnh nhân mòn mỏi chờ được cứu chữa... 

Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng đến người bệnh và nếu kéo dài thì người bệnh sẽ phải gánh chịu những thiệt thòi.

Thiết bị không có tội

Đơn cử là hai robot Mako và Rosa từng được đưa vào sử dụng phẫu thuật khớp và sọ não tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từ năm 2017, đến nay dừng sử dụng và "chưa hẹn ngày chạy lại". 

Hai robot này liên quan đến vụ án nâng khống giá tại bệnh viện mà cựu giám đốc bệnh viện và nhiều lãnh đạo, nhân viên công ty đặt máy đã bị bắt. Hiện robot đã bị niêm phong và việc mở niêm phong thế nào để sử dụng lại cho bệnh nhân, cơ chế ra sao, ai có quyền mở... đến nay chưa có câu trả lời và chưa biết bao giờ sẽ có.

Cựu giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội mới đây đã phải đưa người thân đi phẫu thuật khớp vai tại Singapore. Giá phẫu thuật bằng robot ở Bệnh viện Bạch Mai trước đây khoảng 50 - 60 triệu đồng, trong khi đi nước ngoài tốn kém đến 600 triệu đồng. 

Vị cựu giám đốc tỏ ra nuối tiếc: "Giờ vụ án tại Bạch Mai đã ngã ngũ, ai có tội đã bị phạt tù, nhưng thiết bị đâu có tội gì. Giá như có chính sách để cho thiết bị quay trở lại sử dụng cho người bệnh sẽ tốt biết bao nhiêu".

Tại Bệnh viện Bạch Mai, ngoài hai robot kể trên còn rất nhiều thiết bị trong diện liên doanh liên kết, xã hội hóa, máy đặt cũng đang "đắp chiếu". 

Người bệnh có chỉ định lại phải chuyển sang bệnh viện khác hoặc sử dụng loại kỹ thuật khác không tân tiến bằng, hoặc phải chờ đợi kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Trong số này có thiết bị xạ phẫu gamma quay và máy chụp PET sử dụng cho bệnh nhân ung thư giờ bỏ không như đống sắt vụn, còn người bệnh cần lại vô số kể.

Tháng 2-2019, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) trình làng robot Modus V Synaptive thế hệ II bằng ca mổ u não thành công ngoài mong đợi cho nữ bệnh nhân ở tỉnh Tây Ninh. Robot này đầu tư theo hình thức bệnh viện hợp đồng với chủ đầu tư đặt máy. Bệnh viện lo nhân sự thao tác và chia phần trăm lợi nhuận thu được. 

Để vận hành, bệnh viện đã cử TS Chu Tấn Sĩ đi đào tạo 2 đợt tại Mỹ (năm 2017) và Thụy Sĩ (2018). Dù vậy, sau hơn một năm hoạt động, robot bị dừng sử dụng.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết nguyên nhân là do số lượng bệnh nhân chỉ định phẫu thuật với robot khá hạn chế, thường chỉ định cho các trường hợp u não chuyên biệt, có vị trí tổn thương sâu. 

"Số ca cần phẫu thuật robot khá ít so với công suất máy, một phần do chi phí cao và bệnh nhân được chỉ định không nhiều, suốt ba năm chỉ thực hiện được trên 20 ca. Hoạt động không mấy hiệu quả, bệnh viện và chủ đầu tư thống nhất trả máy", vị này giải thích.

Robot, máy xịn ở bệnh viện công đâu rồi! - Ảnh 2.

Dữ liệu công bố tại thời điểm đưa robot vào sử dụng - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chi phí quá cao, thiếu vật tư

Nhiều máy móc, robot đầu tư bằng nguồn ngân sách cũng gặp khó khăn để vận hành. Đưa vào hoạt động từ 2014, đến nay robot phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi trung ương (vào thời điểm mua, ngân sách chi trả trên 80 tỉ đồng) mới chỉ phẫu thuật cho 200 - 300 bệnh nhi và chưa thu viện phí với bệnh nhi nào. 

Tuy nhiên, hiện thiết bị này dừng sử dụng do bộ dụng cụ lên tới 10.000 USD/bộ, sử dụng được cho 10 ca phẫu thuật. Chi phí các ca phẫu thuật đã thực hiện đến nay đều do các dự án và tổ chức tài trợ, nhưng nếu tính toán lợi ích - đầu tư thì khoản đầu tư này rõ ràng đã kém hiệu quả.

"So với phẫu thuật nội soi thì mổ robot có điểm ưu việt hơn, nhưng chỉ là một 8 một 10 chứ không phải là bên 1 bên 10, chi phí thì phẫu thuật robot đắt hơn hẳn, nên nếu lựa chọn thì người bệnh dễ chọn nội soi bình thường hơn. 

Chúng tôi cũng đang xem xét việc trả lại thiết bị này cho Bộ Y tế để bộ cấp cho các bệnh viện điều trị cho người lớn, nhưng đến nay chưa có bệnh viện nhận", một chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện Nhi trung ương chia sẻ.

Tương tự, các robot phẫu thuật đầu tư bằng vốn đầu tư công của một số bệnh viện tại TP.HCM dù vẫn duy trì nhưng có lúc cũng không tránh khỏi trạng thái "nghỉ dưỡng". 

Robot Da Vinci (Mỹ sản xuất) được mua và sử dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ cuối tháng 10-2017, được đánh giá là mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh. Thế nhưng, bệnh nhân phản ánh gần đây một số dịch vụ mổ robot được thông báo "tạm dừng". 

TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - xác nhận và cho rằng hệ thống robot đang phải tạm dừng do thiếu vật tư tiêu hao. 

"Nguyên nhân do khó khăn trong đấu thầu, đồng loạt bệnh viện thiếu vật tư khiến bệnh nhân đổ dồn qua Bệnh viện Chợ Rẫy làm vỡ kế hoạch dự trù, dự trữ. Như thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận vừa qua, khi các cơ sở y tế tê liệt thì bệnh nhân dồn về khiến lượng thuốc dự trù trong 6 tháng đã hết sạch chỉ trong hai tháng", BS Thức chỉ ra nguyên nhân.

"Ghế nóng" giám đốc bệnh viện

DSC_7167 1(Read-Only)

Người dân đến khám bệnh tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: D.PHAN

Có thực tế là các giám đốc bệnh viện công luôn sống trong sự mâu thuẫn: nếu mạnh dạn đầu tư cho bệnh viện thì có thể đối diện với nguy cơ làm sai, còn chấp nhận "giậm chân tại chỗ" thì nhân viên không đủ sống và người bệnh không được thừa hưởng các tiện ích vốn có...

Chưa bao giờ nghề giám đốc bệnh viện lại đầy rẫy rủi ro như hiện nay và không ít người đã tính đến chuyện rời ghế giám đốc để "bảo toàn sinh mạng chính trị".

Một giám đốc bệnh viện hạng 1 tại TP.HCM thừa nhận tình hình hiện nay làm được gì cho người bệnh thì ông cố gắng làm, nhưng trên tinh thần "bảo vệ mình là chính".

"Dù không có động cơ làm sai, nhưng với cơ chế chưa thực sự rõ ràng, nhiều quy định chồng chéo khiến việc quản trị bệnh viện có thể nay đúng, mai sai và có thể vướng vòng lao lý khi bị thanh tra", vị này tâm sự thật lòng.

Khi việc sai phạm liên quan đến cán bộ ngành y ngày một nhiều, vị trí quản trị và điều hành bệnh viện trở thành "ghế nóng". Một giám đốc bệnh viện lớn tại TP.HCM thậm chí còn được người thân trong gia đình gọi điện nhiều lần khuyên nhủ nên rút lui khỏi vị trí giám đốc.

"Cha mẹ khuyên tôi về mở phòng mạch khám bệnh cũng đủ sống rồi. Nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện phải lo cho cuộc sống của nhân viên, cứu sống người bệnh, tôi không thể", vị này chia sẻ.

Theo vị này, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giám đốc bệnh viện chọn phương án "không làm gì cả". "Nhưng với lương tâm nghề nghiệp, điều đó không cho phép, bởi như thế mọi thiệt thòi đổ lên vai người bệnh, nhân viên y tế vì thế cũng sẽ khó khăn khi thu nhập không đủ sống", ông nói.

Nên công bố rõ ràng các mức giá

Quy trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế vào bệnh viện hiện áp dụng chung quy trình của Bộ Y tế như sau: xây dựng gói thầu bao gồm xây dựng giá kế hoạch (trước đây bệnh viện trực thuộc bộ thì Bộ Y tế sẽ duyệt giá kế hoạch, nay bệnh viện tự duyệt giá kế hoạch) - chấm thầu - công bố kết quả.

Quy trình thấy rất đơn giản, nhưng trưởng phòng vật tư của một bệnh viện ở Hà Nội đưa ra nhận xét từ thực tế:

"Khó khăn của bệnh viện hiện nay khi mua sắm là không biết giá nào là chuẩn. Người bán muốn một vốn - bốn lời, người mua muốn hàng vừa tốt vừa rẻ. Nhiều ý kiến phàn nàn giá vật tư, thiết bị y tế mua vừa qua là sai, nhưng xác định giá thế nào? Theo tôi, nên công bố giá CIF (giá nhập khẩu đến cảng) và xây dựng cơ cấu giá, cho phép tỉ lệ phần trăm lợi nhuận cộng với giá nhập khẩu (giá CIF), chi phí nhân công, vận chuyển, lãi ngân hàng..., từ đó tính ra giá bán. Riêng các mặt hàng làm giá ở nước ngoài thì rà soát và xử lý sau, nhóm này là thiểu số thôi".

Điều chuyển giám đốc Bệnh viện Trưng Vương về khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM Điều chuyển giám đốc Bệnh viện Trưng Vương về khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM

TTO - Sở Y tế TP.HCM vừa trao quyết định điều chuyển ông Lê Thanh Chiến - giám đốc Bệnh viện Trưng Vương - về công tác tại khoa Y, Đại học Quốc gia TP từ ngày 20-6.

HOÀNG LỘC - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên