Robot làm đồng: phúc lành hay ác mộng của nhà nông?

HOA KIM 21/09/2022 09:16 GMT+7

TTCT - Viễn cảnh trên cánh đồng chỉ toàn là máy móc công nghệ cao có dẫn đến một tương lai phản địa đàng (dystopia) cho chúng ta? Và những người nông dân sẽ ra sao?

Robot làm đồng: phúc lành hay ác mộng của nhà nông? - Ảnh 1.

Robot làm nông của hãng Tortuga AgTech. Ảnh" Al Seib / The Times

Cuộc khủng hoảng khí hậu cộng với gián đoạn lực lượng lao động do đại dịch COVID-19 được cho là những động lực đã thúc đẩy cách mạng công nghệ trong nông nghiệp (Nông nghiệp 4.0) diễn ra mạnh mẽ. Viễn cảnh trên cánh đồng chỉ toàn là máy móc công nghệ cao có dẫn đến một tương lai phản địa đàng (dystopia) cho chúng ta? Và những người nông dân sẽ ra sao?

"Robot đã xuất hiện trên những cánh đồng của California. Mùa hè năm nay, chúng ta đã chứng kiến một chiếc máy cày [điện] không người lái làm việc bên những giàn nho ở thung lũng Napa" - báo The Guardian (Anh) ngày 8-9 mô tả hồ hởi về những bước tăng tốc ấn tượng của công nghệ nông nghiệp (ag-tech) trong những năm gần đây.

Nông dân lo thất nghiệp

Nằm sát Thung lũng Silicon là khu vực Central Valley rộng lớn được xem là "vựa lúa" của nước Mỹ, nơi ước tính khoảng 1/4 sản lượng lương thực của nước này được trồng và thu hoạch bởi hàng chục ngàn nhân công phổ thông. Với lợi thế địa lý đó, năm 2020 các công ty khởi nghiệp thuộc lĩnh vực ag-tech ở California đã nhận được 5,6 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm, nhiều hơn cả bốn bang xếp sau cộng lại và chiếm 20% tổng số vốn đầu tư của toàn thế giới dành cho ngành này.

California cũng là nơi phần lớn công nghệ ag-tech của Mỹ và thế giới đang được phát triển và thử nghiệm. Nhưng chính tại đây, phong trào tự động hóa nông nghiệp rầm rộ đã đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời đối với tương lai của những người làm công việc tay chân ở các nông trại.

Không phải tất cả người lao động đều xem tự động hóa là xấu, vì trong chừng mực nào đó nó giúp giảm nhẹ những khía cạnh khó khăn của công việc họ làm. Nhưng họ cũng lo sợ rằng việc vội vàng tự động hóa đang được thực hiện mà không tiếp thu ý kiến đóng góp của những người trực tiếp làm việc đồng áng - theo cách chỉ gây lợi cho các chủ trang trại, nhà phát triển công nghệ và nhà đầu tư mà không tính đến hậu quả đối với người lao động.

"Vấn đề của tự động hóa trong bất kỳ ngành nào là liệu nó có thay thế nhân công không, và nếu có thì thay thế những công việc với mức lương như thế nào" - Maria Cadenas, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Santa Cruz Community Ventures chuyên hỗ trợ những gia đình có thu nhập thấp, nói với The Guardian.

Cadenas nêu ví dụ về phong trào cơ giới hóa trong thu hoạch cà chua vào những năm 1960 ở Mỹ đã khiến khoảng 32.000 công nhân nông trại mất việc và khiến hàng trăm trang trại quy mô nhỏ không thể duy trì hoạt động. "Nghiên cứu khoa học cần mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, công nhân cũng như nông dân" - lãnh đạo công đoàn Cesar Chavez viết trong bài báo năm 1978 trên tờ Nation.

Một số ý kiến cho rằng dù tự động hóa đang gia tăng, nó khó có khả năng thay thế hoàn toàn nhân công nông nghiệp ít nhất là trong tương lai gần. Giev Kashkooli, giám đốc công đoàn United Farm Workers (UFW) dành cho giới nhân công nông nghiệp ở Mỹ, lập luận rằng có một số công việc mà robot đơn giản là chưa thể làm tốt được như con người, chẳng hạn phân biệt trái đã chín và sẵn sàng để thu hoạch với những trái còn xanh hoặc đã hỏng.

Nhận định này sẽ còn phải xem lại, khi một nhà sản xuất tuyên bố robot thu hoạch tự động của họ có năng suất tương đương con người với độ chính xác đến 95% trong việc xác định quả chín. Loại robot với thiết kế gồm bánh xe, cánh tay kẹp và khay hứng này đã được một số nhà vườn trồng dâu tây ở miền nam nước Mỹ sử dụng.

Robot làm đồng: phúc lành hay ác mộng của nhà nông? - Ảnh 2.

Ảnh: agritecture.com

Nền nông nghiệp phản địa đàng

Thử hình dung viễn cảnh như thế này: những chiếc máy gặt không người lái khổng lồ chạy bằng xăng tự thu hoạch mùa màng trên những thửa đất chuyên canh, nhả khói đen kịt vào bầu trời nhuốm màu ô nhiễm. Cây cối xung quanh đều đã bị đốn hạ và không còn loài vật nào sinh sống trong tầm mắt. Thuốc trừ sâu được phun vô tội vạ vì con người không còn trực tiếp canh tác trên đồng ruộng. Máy móc đã thay ta làm công việc nặng nhọc ấy: sản xuất một lượng lớn thực phẩm để cung cấp cho dân số ngày càng tăng, nhưng kèm theo đó là chi phí không nhỏ lên hệ sinh thái.

Giờ hãy thử tưởng tượng một viễn cảnh khác tươi sáng hơn: những con robot vận hành bằng năng lượng tái tạo được thiết kế để coi sóc nhiều loại cây trồng khác nhau trên cùng mảnh ruộng, đủ thông minh để luồn lách trên địa hình tự nhiên với nào cây, nào suối, nào thú hoang. Hóa chất nông nghiệp đã trở thành dĩ vãng, bởi các robot thông minh giúp hệ sinh thái duy trì sự hài hòa tự nhiên, khiến các loài gây hại và cỏ dại không còn đất sống. Với trời xanh, cỏ mướt và không khí trong lành, đó không khác gì một vườn địa đàng của tương lai.

Nếu được chọn, ta sẽ muốn thức ăn trên bàn mình đến từ thửa ruộng nào hơn? Đây là hai tương lai giả định mà tiến sĩ Thomas Daum, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Hohenheim (Đức), đưa ra trong bài báo xuất bản tháng 7-2021 trên tạp chí Trends in Ecology & Evolution, nhằm thảo luận về cách mà nông nghiệp 4.0 có thể định hình tương lai của chúng ta.

Robot làm đồng: phúc lành hay ác mộng của nhà nông? - Ảnh 3.

Bạn muốn bữa ăn của mình đến từ thửa ruộng nào hơn? Minh họa của Natalis Lorenz cho Trends in Ecology & Evolution

Với kinh nghiệm về an ninh lương thực và canh tác bền vững qua thời gian làm việc tại Uganda và Bangladesh, Daum cho rằng những tác động mang tính gián đoạn mà nông nghiệp 4.0 đang gây ra đối với môi trường đang không được quan tâm đúng mức. "Cách làm nông nghiệp hiện nay cần phải thay đổi" - Daum nhấn mạnh.

Ngay cả trong hiện tại, khi không (hoặc chưa) có những robot thu hoạch khổng lồ như viễn cảnh xám xịt mà Daum đề ra, các phương pháp canh tác quy mô lớn cũng đã và đang làm thay đổi môi trường từng ngày. 

"Nông nghiệp vốn dĩ là một sự định hình có chủ đích đối với hệ sinh thái ở một địa điểm cụ thể. Chúng ta loại bỏ động vật hoang dã, làm suy thoái thổ nhưỡng, dọn sạch mặt đất để dễ trồng trọt và phun hóa chất để xua đuổi sâu bệnh" - Emily Reisman, học giả nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững tại Đại học Buffalo (Mỹ), giải thích với tạp chí Wired.

Lựa chọn nào cho tương lai

Các loại máy móc như máy cày, máy gặt và thiết bị bay không người lái dùng để giám sát mùa màng thường đòi hỏi môi trường có kiểm soát để hoạt động hiệu quả, vì vậy các yếu tố không thể đoán trước phải được loại bỏ càng nhiều càng tốt trong canh tác công nghiệp hóa. 

Điều này đồng nghĩa với trồng độc canh từ năm này sang năm khác trên những thửa đất được san phẳng đến hoàn hảo, mùa màng được kiểm soát để tăng trưởng đồng đều và chín cùng lúc, cộng thêm thường xuyên sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm để đảm bảo không có bất kỳ sai số nào xảy ra.

"Việc trồng trọt, hệ sinh thái nông nghiệp và toàn bộ quy trình canh tác đang được định hình để đáp ứng nhu cầu của máy móc" - Wired dẫn lời Patrick Baur, nhà khoa học về hệ thống thực phẩm bền vững của Đại học Rhode Island. Nói cách khác, con người lại đang phải phục vụ máy móc chứ không phải ngược lại. Daum cho rằng không nhất thiết phải như thế; thay vì điều chỉnh môi trường để đáp ứng nhu cầu của công nghệ, chúng ta có thể lập trình công nghệ để đáp ứng nhu cầu của môi trường.

Damn lập luận rằng robot thông minh thì càng có khả năng hoạt động tốt hơn trong các ngữ cảnh đa dạng về sinh học và tự nhiên, vì chúng có thể bắt chước tư duy linh hoạt mà con người sử dụng để đánh giá môi trường xung quanh trước khi tự đưa ra quyết định.

Vì robot làm việc năng suất hơn con người, chúng còn có thể được tận dụng cho những tác vụ thân thiện với môi trường nhưng không mang tính kinh tế nếu phải thực hiện bằng sức người, ví dụ nhổ cỏ bằng tay - giúp giảm lượng thuốc hóa học cần phải sử dụng. 

Với robot, việc duy trì những hàng rào tự nhiên - những bụi cây được trồng dọc theo chu vi mảnh đất nông nghiệp - cũng trở nên khả thi hơn. Những hàng rào này thúc đẩy đa dạng sinh học bằng cách đóng vai trò là môi trường sống thay thế cho các loài thực vật, côn trùng và động vật hoang dã bản địa. Các robot thông minh cũng phù hợp hơn để thực hiện xen canh - một phương pháp canh tác bền vững có lợi cho sức khỏe của đất và giảm sâu bệnh, nhưng lại tốn kém và không hiệu quả kinh tế nếu áp dụng các công nghệ hiện tại.

Robot làm đồng: phúc lành hay ác mộng của nhà nông? - Ảnh 4.

Robot của Burro Farm tự động vận chuyển nho từ chỗ hái đến nhà kho. Ảnh cắt từ video demo của Burro.ai

Viễn cảnh tương lai nông nghiệp nào là địa đàng hay phản địa đàng cũng còn tùy thuộc vào góc nhìn mỗi người. "Nếu bạn là một chủ trang trại xoay xở để quản lý 10.000 mẫu ruộng trồng lúa mì, mọi thứ sẽ trông giống như viễn cảnh thứ nhất với một cỗ máy làm tất cả công việc đồng áng thay thế con người và thực hiện nó với chi phí trên mỗi giạ lúa thấp nhất, đem lại cho bạn nhiều tiền hơn" - Ira Bennett, nhà nghiên cứu xã hội học tại Đại học bang Arizona (Mỹ), nói. 

Tại những đất nước phụ thuộc canh tác quy mô lớn như Mỹ và Argentina, theo Bennett, ý tưởng về các robot nhỏ trồng trọt "thuận tự nhiên" ở viễn cảnh thứ hai tuy đẹp đẽ nhưng đơn giản là phi thực tế.

Daum thì cho rằng viễn cảnh địa đàng vẫn khả thi với các nông trại được công nghiệp hóa, điều quan trọng là chúng ta phải để tâm đến các công nghệ và chính sách canh tác ngay từ bây giờ để tránh lạc vào thế giới phản địa đàng giả định của ông lúc nào không hay. "Xã hội nên có tiếng nói về việc chúng ta muốn sống trong tương lai nào" - Daum nói với Wired.■

Các công ty ag-tech đang tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp cần ghi nhớ rằng nhân công là điểm mấu chốt tạo ra lợi nhuận cho ngành này. "Làm việc cùng với những người lao động trong nông trại - những người quen thuộc nhất với cách thức hoạt động của chúng - và tranh thủ họ làm đồng minh và biến họ thành người đồng hưởng lợi từ việc cải tiến công nghệ sẽ giúp tăng tốc và thậm chí có thể cải thiện khả năng ứng dụng của sản phẩm" - Ricardo Salvador, giám đốc Chương trình thực phẩm và môi trường tại tổ chức phi lợi nhuận Union of Concerned Scientists, đưa ra gợi ý với The Guardian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận