Robot hoang dã (The Wild Robot) đã thu về hàng loạt đánh giá tích cực từ giới phê bình lẫn khán giả sau những buổi công chiếu đầu tiên trên toàn cầu.
Trên Metacritic, phim nhận được số điểm 85/100 từ giới phê bình và 83/100 từ khán giả (tính đến 11h ngày 7-10), được chứng nhận “yêu thích toàn cầu”.
Trong số 36 chuyên trang đã đánh giá, có 7 trang cho Robot hoang dã điểm tuyệt đối 100/100, với tỉ lệ tích cực đến 97%.
Tựa phim hoạt hình nhà DreamWorks được dự đoán là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Oscar năm sau.
Tại buổi chiếu sớm dành riêng cho giới phê bình ở Liên hoan phim quốc tế Toronto vào đầu tháng 9 vừa qua, The Wild Robot đã gây ấn tượng mạnh mẽ và nhận về nhiều lời khen ngợi.
Đa phần đánh giá cao các chủ đề về ý thức sinh thái, tính khuyến khích hành trình trưởng thành không đi theo lối mòn và sự áp đặt dành cho các bạn trẻ, sâu xa hơn là việc khắc họa sự xung đột và mối quan hệ bền vững giữa công nghệ và thiên nhiên được thể hiện trong phim.
Nhiều trang review phim ảnh khẳng định đây là phim hoạt hình hay nhất của năm 2024, một bộ phim đầy tình người dù kể về một con robot và một chú ngỗng, một câu chuyện lấy đi nhiều nước mắt và mang lại rất nhiều cảm xúc tích cực.
Hai tạp chí lớn là Variety và Deadline đã nhấn mạnh The Wild Robot có tiềm năng trở thành tác phẩm mang đến sự bùng nổ lớn cuối năm 2024. Hai tạp chí này dự đoán phim sẽ là ứng cử viên nặng ký tranh tài ở hạng mục Hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar năm tới, thậm chí tờ The Wrap còn cho rằng đây là "bộ phim hoạt hình hay nhất năm".
Ngay cả những trang đánh giá khó tính như IGN cũng không thể thoát khỏi sức hút của Robot hoang dã, bộ phim nhận được điểm số 8/10 từ trang này.
IGN còn đề cập: "Đây là bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc mà không cần nhân vật con người nào. Một bộ phim lấy đi nước mắt và tạo nên cuộc phiêu lưu hoạt hình khó đoán".
Trang này còn gọi đây là chiến thắng vẻ vang của đạo diễn Chris Sander, người đã đứng sau thành công của How to Train Your Dragon (Bí kíp luyện rồng) và Lilo & Stitch.
Robot hoang dã mở màn với doanh thu toàn cầu 54 triệu đô la, đứng đầu phòng vé tại thị trường Bắc Mỹ. Con số này được đánh giá cao hơn kỳ vọng của các trang dự đoán trước đó, và giúp Robot hoang dã lọt vào top 3 phim hoạt hình có doanh thu mở màn tháng 9 cao nhất mọi thời đại, xếp sau 2 phần đầu của Hotel Transylvania.
Tại Việt Nam, mặc dù tới 11-10 mới chính thức công chiếu nhưng bộ phim đã tạo hiệu ứng tốt trên mạng xã hội sau các suất chiếu sớm cuối tuần qua.
Dù chỉ ra rạp trong hai ngày (5 và 6-10) nhưng phim đã thu về 3 tỉ đồng, hứa hẹn bùng nổ phòng vé khi chính thức công chiếu cuối tuần này.
Robot hoang dã: Kiệt tác hoạt hình năm 2024
Nhiều năm trước đây, Disney và Pixar nắm vị thế độc tôn trong làng phim hoạt hình. Hàng triệu trẻ em toàn cầu lớn lên với những tác phẩm của “nhà chuột”. Hãng cũng liên tục tung hoành tại giải Oscar nhiều năm liên tiếp.
Thế nhưng vị thế đó giờ đây dần bị lung lay với sự trỗi dậy của nhà DreamWorks. Và The Wild Robot là tác phẩm được đánh giá có đủ sức lật đổ Disney.
Trailer phim The Wild Robot
Trên thực tế, kịch bản của Robot hoang dã không mới. Người xem có thể dễ dàng nhận ra mô típ này trong The Iron Giant (1999) hay siêu phẩm Avatar (2009).
Song cách DreamWorks tạo nên những yếu tố hài hước và cảm xúc lại giúp phim trở nên dễ tiếp cận, lôi cuốn với cả người lớn lẫn trẻ em.
Bộ phim xoay quanh hành trình về Roz được lập trình để mô phỏng hành vi con người nhằm giúp đỡ họ. Nhưng hòn đảo lại chỉ có các động vật hoang dã. Thế là hệ thống của Roz đành phải học theo chúng.
Từ đây nhiều tình huống bi hài ập đến bởi sự ngây ngô của cô nàng người máy trước những tập tính thú vị và độc đáo của động vật hoang dã.
Không những thế, phim còn cài cắm hàng loạt câu thoại, tình huống đùa cợt “đen tối” mà chỉ người lớn mới có thể hiểu được.
Cách mà Roz và cáo Fink (Pedro Pascal) chăm sóc cho Brightbill cũng mang đến nhiều tiếng cười sảng khoái. Sự đáng yêu của chú ngỗng đối nghịch với thiên nhiên hoang dã khắc nghiệt hay cách nuôi nấng ngây ngô của Roz luôn đi ngược với tính “cục súc” của Fink.
Nhiều khoảnh khắc đáng yêu, biểu cảm đến cử chỉ đều dễ thương của cặp mẹ con này khiến người xem “xỉu lên xỉu xuống” vì quá ngọt.
Song song với đó, Robot hoang dã vẫn cho thấy được cái chết và mất mát luôn đi cùng với sự sống. Sự trưởng thành của Brightbill, mâu thuẫn giữa anh chàng và Roz, cuộc chiến sinh tồn tàn nhẫn của các loài động vật để lại nhiều phân đoạn cảm xúc.
Khán giả có thể vừa cười nhưng cũng vừa bật khóc chỉ vài phút sau đó. Thế nhưng sự mất mát trong phim được làm khá nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận chứ không nặng nề, bi thương.
Robot hoang dã đáng nhớ không chỉ với phần đồ họa được đầu tư bằng hàng chục gam màu nóng lạnh hài hòa, bao phủ và ôm lấy dàn nhân vật để biến họ trở thành điểm nhấn trong bức tranh 2D sống động. Mà còn bởi tạo hình nhân vật và biểu cảm được hoàn thiện một cách tỉ mỉ.
Phần hình ảnh chắc chắn là một lời tri ân bộ phim dành cho nguyên tác khi từ bỏ sự bóng bẩy và tính chân thực để ưu ái các nét vẽ cách điệu về kết cấu sự vật, như thể phim đang 'hoạt họa hóa' các hình minh họa bằng bút chì màu trong sách thiếu nhi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận