Sao chổi 67P/Churyumov - Gerasimenko trong bức ảnh do robot Philae chụp khi hạ cánh - Ảnh: Reuters/ESA |
Như vậy, nhân loại đã tiến thêm một bước trong nỗ lực giải mã nguồn gốc của sự sống trong Hệ Mặt trời.
Theo AFP, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cho biết hôm qua robot thí nghiệm Philae nặng 100kg đã tách khỏi tàu mẹ Rosetta và hạ cánh lên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko đang di chuyển cách Trái đất hơn 510 triệu km.
Tuy nhiên Philae đã không thể bắn hai móc câu để trụ cố định trên bề mặt sao chổi. Chuyên gia ESA Stephan Ulamec cho biết có khả năng Philae đã hạ cánh xuống vùng bề mặt mềm trên sao chổi và với 11 thiết bị mang theo, Philae sẽ thực hiện các thí nghiệm khoa học đầu tiên trên bề mặt một sao chổi.
Nhưng nếu không trụ cố định được, có khả năng Philae sẽ bị trôi dạt do sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko có lực hấp dẫn rất yếu. Philae có pin chạy trong 60 giờ, nhưng có thể hoạt động đến tháng 3-2015 nếu sạc pin từ ánh sáng Mặt trời thành công.
Hiện Philae đã bắt đầu gửi thông tin từ sao chổi về Trái đất. Tàu Rosetta cũng có 11 thiết bị khoa học và vẫn sẽ tiếp tục bám sát để nghiên cứu sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Sứ mệnh của Rosetta dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12-2015.
Giới chuyên gia quốc tế đánh giá việc phóng thành công robot lên một sao chổi đang lao về phía Mặt trời với tốc độ 65.980 km/giờ là thành công khoa học không gian vĩ đại. “Táo bạo” và “thần kỳ” là những từ ngữ mà chuyên gia Jim Green, giám đốc khoa học hành tinh của NASA (Mỹ), dùng để mô tả.
Dự án Rosetta trị giá 1,8 tỉ USD được thông qua năm 1993 và đến năm 2004, ESA phóng tàu vũ trụ này vào không gian. Sau 10 năm, Rosetta bay qua quãng đường dài 6,5 tỉ km và tiếp cận sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hồi tháng 8.
Robot Philae hạ cánh xuống bề mặt sao chổi với tốc độ 3,5 km/giờ. Sao chổi được cấu tạo từ băng và bụi, những vật liệu cơ bản tạo nên Hệ Mặt trời 4,6 tỉ năm trước đây. Nhiều giả thuyết cho rằng sao chổi mang theo nước và những nguyên tố hóa học cơ bản vào Trái đất, giúp sự sống nảy mầm.
Philae sẽ nghiên cứu đất sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko để xác định lượng nước, axit nucleic và axit amin trong đó. Nếu quả thật sao chổi mang theo những chất liệu của sự sống, thì rất có thể sự sống cũng tồn tại ở các hành tinh khác chứ không chỉ riêng Trái đất.
Các chuyên gia cho biết những kinh nghiệm và kiến thức học hỏi từ quá trình tàu Rosetta tiếp cận sao chổi và phóng robot Philae tới bề mặt của nó sẽ là vô giá đối với các sứ mệnh không gian sau này. Dự án Rosetta còn đánh dấu sự hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực không gian.
Rosetta là “con đẻ” của ESA và bản thân cơ quan này là sản phẩm chung của 20 quốc gia. ESA cũng đã hợp tác với NASA cùng cơ quan không gian Nga và Nhật để hoàn thành sứ mệnh này.
Đến nay, loài người đã đưa tàu vũ trụ tới nhiều thiên thể trong Hệ Mặt trời, tuy nhiên Rosetta là tàu đầu tiên tiếp cận quỹ đạo một sao chổi chứ không bay qua chụp ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận