Đội tuyển Robocon Trường ĐH Lạc Hồng vô địch cuộc thi sáng tạo Robocon châu Á 2017 được tổ chức tại Nhật Bản - Ảnh: M.G.
Hiện nay nhiều trường đầu tư mạnh hơn và có chiến lược dài hơi, các nhóm sinh viên tự phát không thể đấu lại dù có sự hỗ trợ phương tiện và tài chính của trường"
Thầy Huỳnh Văn Kiểm
Từng ba lần vô địch Robocon châu Á-Thái Bình Dương, những năm gần đây các đội Robocon của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) hầu như không qua nổi vòng loại. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng "mất hút".
Thay vào đó là những cái tên như ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Ở cấp độ quốc gia, ĐH Lạc Hồng vô địch liên tiếp các năm 2010, 2014, 2016 và 2017, còn năm 2015 là ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.
Ở cấp độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ĐH Lạc Hồng vô địch các năm 2014, 2017, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên vô địch năm 2015.
Thành công trong ngờ vực
Trường ĐH Lạc Hồng bắt đầu tham gia sân chơi Robocon từ năm 2005. Lúc đó trường có hai đội và bị loại ngay từ vòng bảng. Năm 2006 tình hình cũng không khả quan hơn. Năm 2007, đội Robocon của trường có tiến bộ hơn khi và được vòng 1/16 vòng chung kết toàn quốc.
TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Trưởng khoa Cơ điện tử Trường ĐH Lạc Hồng cho biết từ năm 2008, mục tiêu tham gia Robocon của trường có sự thay đổi, từ học hỏi công nghệ, kinh nghiệm chuyển sang hướng cho sinh viên thiết kế và chế tạo những robot mang kiểu dáng công nghiệp.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ khi phần xác của robot rất đẹp mà phần hồn lại chưa tốt. Trường lại đổi mục tiêu, hướng đến các công nghệ và các giải thuật điểu khiển. Điều khiển tốc độ động cơ có hồi tiếp, la bàn điện tử, chip xử lý AVR, ARM, giải thuật điều khiển Robot 3 bánh và 4 bánh chạy đa hướng... được nghiên cứu và phát triển.
Từ năm 2010 đến 2014, đội Robocon của trường liên tiếp đoạt ngôi vô địch. Theo ông Quỳnh, thành công này dẫn đến ngờ vực từ các trường giàu truyền thống về robot.
Có người cho rằng robot không phải do sinh viên của trường chế tạo mà do các giảng viên và sinh viên các trường giàu truyền thống làm cho, thậm chí có ý kiến nói trường đã nhờ cả chuyên gia Nhật Bản.
"Thực tế trường có hỗ trợ kinh phí cho các đội. Ở vòng loại cấp trường, sinh viên chế tạo robot hoàn toàn. Ở cấp quốc gia và châu lục, những vấn đề khó, sinh viên không tự giải quyết được giảng viên mới hỗ trợ, hướng dẫn thêm nhưng sinh viên vẫn là người thực hiện", ông Quỳnh cho biết.
Ông cũng cho hay ngoài kinh phí, nhà trường có chiến lược dài hạn cho Robocon. Tháng 8 hàng năm, sau khi có đề thi, trường tổ chức thi ý tưởng vào tháng 10. Tháng 12, các đội thi cơ cấu (chế tạo, thử nghiệm) và tháng 1 năm sau thi vòng loại cấp trường, chọn 6 đội mạnh nhất thi vòng loại phía Nam.
Các đội vào càng sâu, kinh phí trường hỗ trợ càng nhiều để hoàn thiện.
Sân chơi thay đổi?
Thầy Huỳnh Văn Kiểm - người từng hướng dẫn đội Robocon ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tham gia và đoạt chức vô địch Robocon châu Á các năm 2002, 2004 và 2006, cho biết những năm gần đây ĐH Bách khoa vẫn có đội tham gia Robocon nhưng hầu hết đều bị loại từ vòng bảng bởi cuộc chơi đã thay đổi.
Hiện nay nhiều trường đầu tư mạnh hơn và có chiến lược dài hơi, các nhóm sinh viên tự phát không thể đấu lại dù có sự hỗ trợ phương tiện và tài chính của trường.
Cũng theo thầy Kiểm, trước đây mỗi năm ĐH Bách khoa đầu tư khoảng 600 triệu cho cuộc thi Robocon, trong đó 200 triệu làm sân thi đấu, 400 triệu hỗ trợ cho các đội.
Các nhóm sinh viên tham gia phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu, chế tạo robot. Có nhóm sinh viên phải chuẩn bị trong suốt 1 năm, đi làm thêm kiếm tiền để nghiên cứu giải pháp cũng như chế tạo robot.
Lúc đó các trường tổ chức chơi Robocon khá giống nhau nên sinh viên ĐH Bách khoa có ưu thế hơn một chút, còn hiện nay thì không thể nào.
Theo ông Kiểm, cuộc thi Robocon là sân chơi bổ ích cho sinh viên. Sinh viên học được cách sử dụng kỹ thuật trong một bài toán thực tế bởi giải pháp kỹ thuật cho một đề bài đưa ra là vô cùng. Bên cạnh đó, đây cũng là môi trường rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên bởi cả đội phải hợp sức giải quyết một vấn đề có tính tổng hợp trong thời gian dài.
"Sinh viên tham gia Robocon không thành công thì cũng thành nhân bởi các bạn học hỏi được nhiều thứ có ích cho ngành học cũng như nghề nghiệp sau này. Những bạn tham gia Robocon của trường trước đây dù hiện nay không nổi tiếng nhưng các bạn rất thành công trong nghề nghiệp riêng của mình.
Với các trường đầu tư chuyên nghiệp cho cuộc thi, sự hỗ trợ của nhà trường cho sinh viên khá lớn, sự nỗ lưc của sinh viên không cần nhiều như trước nhưng sinh viên vẫn học được nhiều thứ từ cuộc thi này", ông Kiểm chia sẻ thêm.
"Xem Robocon là đề tài nghiên cứu khoa học, ý nghĩa sẽ khác"
Bỏ qua vấn đề thành tích, TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng nếu cứ coi cuộc thi Robocon là sân chơi thì ý nghĩa của một trò chơi rút ra không nhiều. Nhưng nếu nghiêm túc xem Robocon là một đề tài nghiên cứu khoa học mà yêu cầu của đề tài thay đổi theo từng năm thì đây chính là một quá trình nghiên cứu và chế tạo.
Quá trình chế tạo robot giống như quá trình chế tạo máy móc trong công nghiệp. Từ việc thiết kế trên máy tính tới việc chế tạo các cơ cấu thử nghiệm sau đó xuất bản vẽ để gia công các chi tiết, đến việc lập trình và hiệu chỉnh. Tham gia cuộc thi Robocon chính là quá trình thực hành chế tạo máy móc của sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận