03/02/2005 06:30 GMT+7

Robinson" Hai Phương 38 năm đón tết trên hoang đảo

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Nhiều người vẫn coi Hòn Dầu (một trong 21 hòn đảo của quần đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) là hoang đảo, không hề biết nơi đó vẫn có một gia đình.

XaDEK4tJ.jpgPhóng to
"Robinson" Hai Phương chuẩn bị đò đi thăm người thân

Từ hòn Củ Tron - trung tâm xã đảo - tôi tìm thuê đò sang đảo Hòn Dầu nhưng không có. May thay một chiếc ghe lưới chuẩn bị sang bãi Ngang mua hàng đã cho tôi quá giang. Con thuyền từ từ cập đảo, từ xa xa đã thấy ngôi nhà duy nhất trên đảo nằm khuất giữa các lùm cây sát mé gành đá có sóng vỗ ì oạp. Đó chính là ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Phương (Hai Phương), chủ đảo Hòn Dầu trong gần nửa thế kỷ qua.

Đêm giao thừa đầu tiên của chúa đảo

Năm Mậu Thân 1968, để trốn lính (chế độ cũ), ông Hai Phương đã đưa vợ con từ An Biên, Kiên Giang giong thuyền buồm ra quần đảo Nam Du, chọn Hòn Dầu làm nơi nương náu. Cuộc sống nơi hoang đảo của gia đình ông bắt đầu những chuỗi ngày cơ cực. Sau khi dựng được túp lều tạm, ông Hai Phương tìm sang bãi Ngang, bãi Trệt nơi có một số gia đình có thuyền lớn để xin đi bạn, còn vợ ông thì ở nhà mò ốc, bắt nghêu quanh những gành đá.

Nhiều tháng liền hai vợ chồng chỉ có cá, ốc luộc, rau rừng mà không có cơm cháo gì. “Hồi đó mỗi tháng mới có một chuyến ghe vào bờ bán hàng rồi mua thực phẩm. Chúng tôi đem cá khô trữ được cả tháng gửi họ bán và nhờ họ mua gạo và các thứ khác. Nhưng cũng chẳng được bao nhiêu..." - bà Hồng, vợ ông Hai Phương, nhớ lại. Ông Hai Phương kể tiếp: "Buồn nhất là cái tết của năm 1969, cái tết đầu tiên trên hoang đảo. Không bánh chưng, không trà mứt gì hết, thực phẩm cho ngày tết chủ yếu là đồ biển, vườn nhà cùng một ít rượu gửi mua trong bờ. Đêm giao thừa tết năm ấy có lẽ là đêm giao thừa buồn nhất trong đời chúng tôi.

Hai vợ chồng và đứa con nhỏ chỉ biết bó gối nhìn nhau rồi nhìn về hướng bờ. Vợ tôi không kìm được những giọt nước mắt thở dài, tôi thì cũng chẳng nói được lời nào. Mà ngay cả tôi cũng muốn khóc khi nghe tiếng sóng vỗ vào gành đá. Cái thèm bấy giờ là được gặp người, thèm cái không khí quây quần của gia tộc bên mâm cơm cuối năm...”.

Sáng mồng 1 không thể chịu đựng được nữa, Hai Phương liền lấy xuồng chèo sang những hòn đảo khác làm quen với các “chúa đảo” cô đơn khác để thỏa nỗi “thèm người”, để có được những lời chúc tết đầu năm. Mà đâu có gần, từ đảo này qua đảo gần nhất cũng chèo xuồng cả buổi. Những cái tết buồn như thế đến rồi đi qua. Cuộc sống của họ vẫn là những ngày trôi nổi với những bữa rau cháo cá, ốc, với căn bệnh sốt rét kinh niên hành hạ... Rồi dần dần nơi hoang đảo có thêm tiếng khóc, tiếng cười, tiếng bi bô của trẻ thơ. Một thế hệ mới được sinh ra trên đảo vắng cũng làm vơi bớt phần cô quạnh: bà Hai hạ sinh thêm ba người con ngay trên đảo. Cuộc sống ngụp lặn bắt ốc, hái rau rừng trở thành cần câu cơm của cả gia đình. Con Miền, thằng Du mới lủng đủng biết đi cũng theo cha, theo mẹ ra rạn ra bờ đá để mò cua, bắt ốc.

Lắm lúc thương con quá mà nước mắt Hai Phương cứ tuôn trào “hay là số trời bắt đọa luôn số kiếp đàn con mình?”. Cũng may thời gian này bên kia Hòn Lớn có nhiều người thu mua loại ốc đụng (một loại ốc rất đẹp đã không còn thấy 10 năm nay tại quần đảo này). Cả nhà ngụp lặn dưới các gành đá bắt mỗi ngày hơn chục ký rồi tìm cách qua Hòn Lớn bán.

“Có những cái tết mà chẳng phải là tết, mấy mẹ con nhà nó phải trần mình với biển mò cua, bắt ốc kiếm bữa từng ngày nuôi tôi bệnh và hai đứa em, nghĩ mà tội. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, chẳng áo mới, chẳng biết thế nào là bánh chưng, tiền lì xì ngày tết” - ông Hai Phương nhớ lại chuyện xưa mà nghẹn ngào.

Rh7HD6Y6.jpgPhóng to
Đã có bánh chưng, mứt kẹo, nhành mai, nhưng...

Suốt 10 năm trời sóng gió, vượt qua bao cơn bão để mưu sinh, gia đình Hai Phương cũng tằn tiện mua được một chiếc xuồng máy. Nương - Náu - Miền - Du, những cái tên ông đặt cho bốn người con như muốn lưu giữ mãi những ngày tháng cơ cực trên đảo. Cuộc sống cũng tạm đủ, mái lều tranh được thay bằng căn nhà vách tường mái tôn.

Bãi Nam đảo Hòn Dầu được hai vợ chồng ông khai khẩn thành một ốc đảo nhỏ với một vườn dừa rợp bóng, với những vườn cây sum suê trái. Ba đứa lớn được ông dựng vợ gả chồng và tất cả đều đã vào đất liền hoặc sang các đảo khác, còn đứa con trai út thì ở lại cùng vợ chồng ông cho đến bây giờ dù tuổi đã 30 vẫn chưa lấy vợ. Điều bất ngờ mà chúng tôi được biết là bốn người con ông chỉ có cậu út là được đi học bên Hòn Lớn tới lớp 7, ba người còn lại tuy không học trường lớp nào nhưng tất cả đều biết đọc biết viết rành rẽ.

Vợ ông Hai Phương cho biết: “Hồi đó điện đóm thì không, dầu thắp đèn chỉ dành khi hữu sự, mưa gió phong ba. Mỗi lần trăng sáng, bốn cha con lại ra mấy gành đá dạy và học. Hồi đó giấy bút tiền đâu mua, ổng dùng que viết lên đất, ban đêm thì dùng đá viết lên nền đá. Cứ như thế cha dạy, con đọc và viết theo vậy mà tụi nó biết chữ hết đó”. Quần đảo Nam Du nay đã dần đông lên, những Hòn Ngang, Hòn Lớn số dân tìm đến khai khẩn lập nghiệp tăng lên hàng nghìn người. 8/21 hòn của quần đảo Nam Du đã có người khai khẩn, với số dân cố định khoảng gần 10.000. Riêng những Hòn Nồm, Hòn Ông, Hòn Dâm và Hòn Dầu... vẫn không có ai đến cư ngụ vì xa cách với quần đảo cũng như thiếu nguồn nước ngọt, nhiều cát đá. Trên những hòn này vẫn chỉ là những “Robinson” cô độc lập nghiệp. Chúng tôi hỏi ông Hai Phương sao không tìm đến những hòn lớn có đông dân để khỏi cô quạnh? Ông nói: “Đảo nuôi mình, mình không thể phụ đảo được...”. Không như những cái tết khổ cực năm xưa, nhiều năm gần đây gia đình ông Hai Phương đã có được những cái tết đúng nghĩa của tết. Dân cư đến với quần đảo ngày càng đông, chợ búa trên đảo Lớn ngày một sầm uất. Những hôm giáp tết gia đình ông Hai Phương cũng giong thuyền sang chợ búa với người ta.

Bởi vậy cái tết năm nay nhà ông có đủ bánh chưng, mứt kẹo và trà... Và còn có cả tiền để lì xì cho con cháu. Trong ngôi nhà ấm cúng cũng có thêm những cành mai rừng đón tết. Hai vợ chồng ông Hai Phương vừa chỉ vào cành mai nói với chúng tôi: “Chỉ khi hết khổ rồi người ta mới nghĩ đến hoa hòe trang điểm cho ngày xuân”. Tạm biệt “Robinson” Hai Phương, tôi lên ghe về Hòn Lớn. Từ xa tôi thấy những ánh điện rực rỡ xóm làng chài trên các đảo lớn. Đảo Lớn cũng đã có sóng điện thoại di động. Ghe tàu ngày đêm cập bến tấp nập... Chỉ riêng Hòn Dầu của ông Hai Phương vẫn âm thầm leo lét ánh đèn dầu trong đêm, vẫn cô quạnh như ngày nào cùng với chủ nhân của nó từ 38 năm qua.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên