Một trong những việc bắt buộc để đạt yêu cầu đó là phải khai báo bay theo đúng các quy định đã được tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) đồng thuận chấp hành là Công ước về hàng không dân dụng Chicago.
Từ 71 năm qua, mọi người và từng con người từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ một nơi này đến một nơi khác, bay một cách an toàn, ngoại trừ một vài vụ thủ ác phi nhân tính. Tất cả là nhờ sự đồng tâm của tất cả các quốc gia thành viên, nay gồm 191 nước, chấp hành thỏa thuận chung đó.
Ngày nay, loài người không chỉ bay an toàn, tiết kiệm hơn mà còn bay bớt ô nhiễm môi trường nhờ vào những đồng thuận đồng tâm đó. Trong số đó, sinh tử hơn cả là việc đồng thuận thông báo bay gửi đến FIR (vùng thông báo bay) trên lộ trình của chuyến bay đó với những chi tiết theo một mẫu đã được định sẵn.
Tất cả, đơn giản mà nói, là nhằm tránh “đụng máy bay” trên trời. Nếu dò vào website Flightradar24.com (ấn bản Pro), sẽ thấy chi chít các chuyến bay và nhận ra rằng sự an toàn nhờ vào những thông báo bay gửi đến các FIR đã cùng thỏa thuận sẵn với nhau.
Nếu như có một chuyến bay nào chen ngang, không thông báo, bất chấp các thỏa thuận chung đó thì sẽ tan xương nát thịt hàng mấy trăm người. Y hệt như đụng xe dây chuyền trên cao tốc vì một gã vỗ ngực ngỡ mình là Tarzan hay King Kong cứ thế mà phóng xe chạy thục mạng!
Viễn tượng kinh hoàng đó éo le thay lại đang diễn ra từ đầu năm nay trong khu vực trách nhiệm của FIR Hồ Chí Minh, bởi các máy bay Trung Quốc tối thiểu cũng đã 46 lần chen ngang vào bầu trời, bất cần thông báo và liên lạc.
Những chuyến bay chen ngang đó có ý nghĩa với Trung Quốc như là để thực thi chủ quyền. Nhưng có thực thi chủ quyền được hay không, chắc chắn câu trả lời là phủ định.
Do lẽ sự tuân thủ các thỏa thuận của cả loài người về an toàn bay là vì sự an toàn của con người khi bay, còn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thì lại là chuyện khác, đã có các tòa án quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, được cả loài người nhất trí ủy quyền thụ lý.
Cách hành xử “cứu cánh biện minh cho phương tiện” bất chấp hậu quả này càng không giúp gì cho “Trung Quốc mộng”, chẳng thu phục được chút nhân tâm cho cái gọi là “sức mạnh mềm”.
Thật vậy, sang năm mới 2016 này, Trung Quốc đang ráo riết “đánh bóng” cho mình bằng những bài báo do các học giả Trung Quốc, đăng trên những tờ uy tín như The Diplomat (Nhà ngoại giao) của chính đối thủ Mỹ.
Tiếc thay, các chuyến bay “Tarzan” và “King Kong” này đã sổ toẹt nội dung “dự báo về mối quan hệ Trung Quốc - Đông Nam Á trong năm 2016” của các học giả “quen thuộc” như Xue Li và Xu Yanzhuo đã dày công mài mực, múa bút.
Các học giả này đã tốn công rao rằng Trung Quốc sẽ “không để cho các căng thẳng ở Nam Hải (tức Biển Đông) tác động đến các quan hệ của mình với ASEAN...
Trung Quốc mong muốn giữ yên các tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông)... Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ có một cách tiếp cận tự kiềm chế hơn”.
Bầu trời của cả nhân loại cùng sử dụng theo luật lệ đã đồng thuận, chứ không thể có riêng một cõi trời nào cho mỗi mình Trung Quốc. Tới đây, tôi chợt nhớ câu “đừng để trời sụp lên đầu” (Elton John)!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận