Phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, nơi nghiên cứu các bệnh nguy hiểm. Các quan chức hàng đầu của Mỹ cáo buộc nơi này làm rò rỉ virus corona chủng mới - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters ngày 11-5 cho biết bài phản bác dài 30 trang, gồm 11.000 từ được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tối 9-5.
Reuters tóm gọn các luận điểm chính của báo cáo, trong đó nêu các ca nhiễm virus corona chủng mới xuất hiện ở Mỹ trước khi được phát hiện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, theo Reuters, Trung Quốc đưa ra luận điểm này không kèm bằng chứng nào.
Để minh chứng cho luận điểm của mình, báo cáo dẫn thông tin đăng trên tạp chí Lancet ngày 24-1 phân tích về 41 ca COVID-19 đầu tiên được xác nhận nhập viện tại Vũ Hán từ 16-12-2019 đến 2-1-2020. Theo đó, ngày khởi phát triệu chứng của bệnh nhân đầu tiên được xác định là 1-12-2019.
Báo cáo cũng dẫn thông tin của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 7-5 cho biết ông Michael Melham, thị trưởng Belleville của bang New Jersey, nói rằng ông dương tính với virus corona và nghĩ rằng ông có thể đã nhiễm virus hồi tháng 11-2019, tức hơn 2 tháng trước khi Mỹ báo cáo ca đầu tiên vào ngày 20-1-2020.
Kế đến, báo cáo bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ rằng virus được cố tình tạo ra hay bằng một cách nào đó thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán.
Nhằm phản bác các thông tin cho rằng Trung Quốc chậm thông tin về virus, báo cáo nhấn mạnh nước này đã cung cấp thông tin về COVID-19 cho cộng đồng quốc tế "kịp thời, cởi mở và minh bạch".
Tuy nhiên, theo Reuters, bất chấp những thông điệp lặp đi lặp lại từ phía Trung Quốc, dư luận quốc tế vẫn quan ngại về tính kịp thời của một số thông tin về COVID-19 tại một số thời điểm ở nước này. Tạp chí Der Spiegel hôm 8-5 dẫn báo cáo từ Cơ quan tình báo BND của Đức nói rằng việc che giấu thông tin ban đầu của Trung Quốc đã khiến thế giới chậm trễ 4-6 tuần để ứng phó với COVID-19.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng về trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã tìm cách cảnh báo sớm về dịch bệnh tại Vũ Hán và qua đời vì chính căn bệnh này.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng bác sĩ Lý không phải là "người thổi còi" và cũng chưa từng bị bắt, trái với thông tin của nhiều hãng tin phương Tây. Dù vậy, báo cáo không đề cập đến việc cảnh sát từng mời ông Lý lên trụ sở công an để khiển trách vì "lan truyền tin đồn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận