Kể từ năm 2019, số lô hàng thịt đến từ Úc bị Mỹ từ chối nhập khẩu có xu hướng tăng lên - Ảnh: REUTERS
Một số tổ chức công đoàn và an toàn thực phẩm cho rằng vấn đề xuất phát từ việc Úc nới lỏng quản lý, cho phép các công ty tự kiểm tra chất lượng thịt thay vì phải thông qua thanh tra của chính quyền.
Theo Reuters, không chỉ Úc, cả Mỹ và nhiều quốc gia sản xuất thịt lớn cũng đang dần áp dụng cách trao quyền này.
Dữ liệu nội bộ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, trong năm 2020, Cơ quan Kiểm dịch và an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã từ chối 10 lô hàng thịt đến từ Úc vì bị nhiễm phân động vật và một số tạp chất khác. Số lượng này nhiều hơn hẳn 1 trường hợp trong năm 2019 và 4 trường hợp năm 2018.
Canada và New Zealand - hai nhà cung cấp thịt lớn khác cho Mỹ - chỉ bị từ chối 1 lô hàng mỗi nước vì cùng lý do. Trong khi đó, Mexico không có trường hợp nào bị trả hàng.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, 3 lô hàng thịt của Úc đã bị từ chối cũng vì ô nhiễm phân. New Zealand chỉ có 1 lô bị từ chối, còn Canada và Mexico thì không.
Reuters chưa thể tiếp cận các số liệu mới nhất và USDA cũng từ chối cung cấp các thông tin này.
Hãng tin này cũng xác định các công ty mẹ của những lô hàng bị trả lại bao gồm JBS Australia, Thomas Foods, Fletcher International Exports, Australian Lamb và V&V Walsh. Chưa doanh nghiệp nào phản hồi về thông tin trên.
Ăn thịt bị nhiễm phân hoặc tạp chất có thể dẫn đến ngộ độc hay thậm chí là tử vong do khuẩn E.coli và các mầm bệnh khác gây ra.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, FSIS cho biết quy trình kiểm tra hàng nhập khẩu phục vụ mục đích “tạo sự tin tưởng đối với độ an toàn của sản phẩm đến từ Úc”. Cơ quan này cũng cho biết chỉ 0,6% lượng thịt đến từ Úc được kiểm tra trong năm 2020 bị từ chối.
Bộ Nông nghiệp, nguồn nước và môi trường Úc cho biết các trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ quy định của Úc “vẫn rất thấp cả khi so sánh giữa lượng thịt xuất khẩu và tổng khối lượng thịt do Úc sản xuất và khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác".
Dù vậy, các tài liệu Reuters tiếp cận được cho thấy số lô hàng bị từ chối tăng lên đang khiến cả quan chức Mỹ và Úc lo lắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận