Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập đến Brazil sau 5 năm kể từ chuyến thăm chính thức đến Brazil vào tháng 11-2019, khi Trung Quốc và Brazil đang xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của Brazil, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Brazil đã tăng 9,9% trong 10 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất của thế giới sẽ họp vào ngày 18-11 theo giờ địa phương tại Rio de Janeiro, chuẩn bị cho sự thay đổi trong trật tự toàn cầu với sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, từ các vấn đề về thương mại, biến đổi khí hậu, an ninh quốc tế đến các vấn đề về thuế quan và các giải pháp đàm phán cho chiến tranh Ukraine.
Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến tham dự như một vị khách, khi chỉ còn khoảng hai tháng nữa ông sẽ rời Nhà Trắng, Hãng tin Reuters nhận định, ông Tập sẽ là nhân vật trung tâm tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vì vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc định hình trật tự toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các vấn đề về địa chính trị và kinh tế đang ngày càng phức tạp.
Việc Nga và Triều Tiên tăng cường mối quan hệ quân sự có thể dẫn đến các cuộc trả đũa hoặc phản ứng mạnh từ phương Tây, bao gồm Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á. Sự bất ổn gia tăng trong khu vực chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế, thương mại và sự cân bằng chiến lược của Trung Quốc.
Phương Tây cho rằng Trung Quốc đứng về phía Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, nhưng Đức tin rằng Bắc Kinh sẽ khó duy trì lập trường này khi xung đột trở nên "toàn cầu hóa", với việc Nga được cho là triển khai quân Triều Tiên tham gia chiến sự Ukraine, đưa vấn đề này "đến sát cửa nhà" của Trung Quốc.
"Không chỉ địa chính trị khiến chúng tôi lo ngại, mà vai trò kinh tế và tài chính của Trung Quốc cũng rất nổi bật trong nhiều vấn đề", Hãng tin Reuters dẫn lời của một quan chức Đức không nêu tên.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán thương mại xung quanh G20 sẽ bị thúc đẩy bởi lo ngại về sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông Trump, với kế hoạch áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác, đã trở thành một yếu tố quan trọng khiến tình hình thương mại toàn cầu trở nên căng thẳng.
Sự tham gia của ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chủ nghĩa đa phương và vai trò quan trọng của Trung Quốc trong hợp tác nhóm 20 nền kinh tế lớn.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa đủ mạnh và các yếu tố bất ổn gia tăng, các nước đều kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ trở thành diễn đàn quan trọng, thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế và cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận