28/05/2014 12:16 GMT+7

Rệu rã... chờ sụp

THÁI LỘC - LỆ QUYÊN
THÁI LỘC - LỆ QUYÊN

TT - Sáng 15-5, di tích Phu Văn Lâu thuộc hệ thống kinh thành Huế đã đổ sụp một phần góc mái. Sự việc khiến người Huế giật mình vì không chỉ riêng Phu Văn Lâu mà nhiều di tích quan trọng khác trong quần thể di tích cố đô Huế cũng đứng trước nguy cơ này.

Kỳ 1:

CEEeTWOq.jpgPhóng to
Nội điện đình làng Dương Phẩm, Huế là đống đổ nát, ngổn ngang như thế này - Ảnh: Thái Lộc

Quần thể di tích Huế có 29 điểm di tích với hàng trăm hạng mục công trình, chủ yếu làm bằng gỗ. Hằng năm, khi tới mùa mưa bão, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cử một đội ngũ đi kiểm tra những di tích xung yếu, nguy hiểm để chống đỡ và giằng chéo. Hết mùa mưa bão thì lại tháo dỡ phần chống đỡ này để trả lại mỹ quan cho di tích. Một cán bộ thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhận xét công tác “khám chữa bệnh” thường xuyên cho các di tích ở đây đang không được chú ý đúng mức.

90 tỉ đồng/năm không đủ để trùng tu

"Hiện số di tích Huế đang đứng ở mức độ nguy hiểm tương đối nhiều"

ÔngPHAN THANH HẢI (giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)

Rất nhiều công trình đang đứng trước nguy cơ đổ sụp mà Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không lường trước được. Điều này, ông Phan Thanh Hải - giám đốc trung tâm - nói: “Có thể thẳng thắn thừa nhận công tác “khám chữa bệnh” cho di tích làm không xuể, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sắp tới, trung tâm sẽ kiến nghị với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đầu tư nhiều hơn cho công tác bảo dưỡng và phòng chống xuống cấp!”.

Cũng tại quần thể di tích Huế, theo quan sát của phóng viên, hiện có đến hàng chục kiến trúc gỗ đang trong giai đoạn báo động đỏ, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Cụ thể là di tích Nghinh Lương Đình chỉ cách Phu Văn Lâu vài chục mét, hầu hết cấu kiện gỗ đã bị ruỗng nát. Tương tự ở bên trong Hoàng thành, điện Thái Hòa và Thái Miếu cũng đang xuống cấp rất nghiêm trọng, cấu kiện liên kết rất kém, mái thì thấm dột, khi mưa nước chảy thành dòng... Ở lăng vua Tự Đức, ngoài Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ đang trùng tu, hầu hết kiến trúc chính như Khiêm Cung Môn, Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện, Ôn Khiêm Đường, Minh Khiêm Đường... tất cả đều mục ruỗng nghiêm trọng. Tình trạng nguy cấp nhất có thể nói là điện Voi Ré gắn liền với Hổ Quyền không chỉ toàn bộ phần gỗ bị mục mủn, mái ngói dột nát mà phần gạch vữa cũng có nguy cơ đổ sập rất cao...

Ông Phan Thanh Hải thừa nhận: “Hiện số di tích Huế đang đứng ở mức độ nguy hiểm tương đối nhiều. Đa số di tích đã đến chu kỳ cần phải đại trùng tu nhưng không có điều kiện. Đây là bài toán đau đầu vì thiếu kinh phí!”. Hiện mỗi năm ngân sách rót về cho công tác trùng tu di tích Huế gần 90 tỉ đồng, trong đó gần 40 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, 6 tỉ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Số còn lại do ngân sách cấp lại từ tiền bán vé tham quan di tích Huế. Số tiền này được xem là “muối bỏ bể” với hàng chục hạng mục di tích lớn đang được đầu tư trùng tu, phục nguyên. Cho nên có hàng loạt di tích đang xuống cấp, rệu rã phải “sắp hàng, nằm chờ”.

8VouJDP0.jpgPhóng to
Khiêm Cung Môn thuộc lăng vua Tự Đức rệu rã, phải chống đỡ tạm bợ - Ảnh: T.Lộc

Không còn khả năng cứu vãn nhiều đình làng

Bài toán khó cho tỉnh Thừa Thiên - Huế

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng 400 ngôi đình tương đối có giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Về phân cấp thì sở chỉ quản lý và tu bổ những ngôi đình đã được xếp hạng di tích. Nhiều đình trong số đó đang xuống cấp, song từ năm 2010 đến nay sở chỉ trùng tu được 18 đình với tổng kinh phí chưa đến 15 tỉ đồng. Trong đó mỗi đình trùng tu được Nhà nước hỗ trợ 10-20% kinh phí, số còn lại đều do người dân đóng góp.

“Nhiều đình xuống cấp, qua mấy trận bão chúng tôi cũng ngại, nên tham mưu UBND tỉnh nhắc nhở các địa phương tập trung bảo vệ, chống đỡ. Việc tu bổ, khắc phục thì ngoài tầm kiểm soát của sở. Đây là bài toán hết sức khó đối với tỉnh, vì chương trình mục tiêu quốc gia dành cho văn hóa mỗi năm chưa đến 1 tỉ đồng, nên tỉnh chỉ tập trung vào một số di tích đã được xếp hạng!” - ông Dũng nói.

Ngoài hệ thống di tích cung đình, Huế còn có hàng chục di tích đình làng có giá trị lớn về lịch sử và kiến trúc cũng đang đến hồi rệu rã. Điển hình là ngôi đình Dương Phẩm trên đường Phan Đình Phùng, TP Huế hướng ra sông An Cựu đang bị đổ nát, không còn khả năng cứu vãn. Một nhà chuyên môn từng ngẩn ngơ trước những chạm trổ trang trí vô cùng tinh xảo trên các cấu kiện gỗ và gọi ngôi đình gần 200 tuổi này ngang tầm kiệt tác kiến trúc của Huế. Người dân sống lân cận cho biết vị thủ từ của ngôi đình vốn ở cạnh đình, đã qua đời cách đây mấy năm. Dân làng Dương Phẩm đã dời về sinh sống cách đó vài chục cây số từ mấy chục năm qua, nên ngôi đình trở thành vô chủ, khuôn viên thành bãi đổ xà bần và bị nhiều hộ dân lấn chiếm, cơi nới làm nhà cửa.

Cùng cảnh ngộ là đình làng An Cựu (nằm trong con hẻm đường An Dương Vương, TP Huế). Nhìn bên ngoài thì thấy như còn khá nguyên vẹn, nhưng bên trong ngôi đình khá nổi tiếng và quy mô, đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh này, xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Trần Công Quang, người giữ đình, cho biết hầu hết cấu kiện bằng gỗ của ngôi đình đều bị ruỗng nát. Kể cả hệ thống án, kiệu thờ, bài vị, lỗ bộ... bằng gỗ tuyệt đẹp cũng bị xiêu vẹo, hư hỏng vì mục và mối. Hội đồng làng buộc phải chống sập nóc mái bằng hai ống sắt. Một số cột gỗ được thay thế bằng bêtông...

Nhiều di tích đình ở Huế cũng gặp tình trạng tương tự. Tại đình làng Phú Xuân - một di tích lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia ở Thành nội Huế, ông Đoàn Văn Tuấn - thủ từ - vừa gõ vào cột đình cho biết tiếng kêu “cốc cốc” như chiếc mõ chứng tỏ mối ăn rỗng bên trong. Đình lâu ngày không sửa nên mái ngói thấm dột, nhiều cấu kiện gỗ bị mục, nguy cơ ảnh hưởng trước gió bão rất cao.

Đình làng Thế Lại Thượng - một di tích quốc gia lợp ngói âm dương tuyệt đẹp trên đường Bạch Đằng, Huế - cũng bị mối mọt ăn rỗng rất nhiều chỗ. Theo thủ từ Nguyễn Đắc Hữu, việc trùng tu cứ thấp thỏm trong lòng người dân mà chẳng có tiền. “Nhìn chung, nếu hạ giải nhiều ngôi đình ra để trùng tu thì chỉ tận dụng không quá 50% gỗ cũ” - một chuyên gia về kiến trúc gỗ ở Huế nhận định.

Ông Phạm Toàn, người giữ đình làng Bao Vinh, cho hay: “Nếu sập thì chịu chứ biết mần răng chừ. Tháo ra trùng tu thì tốn tiền tỉ, làng không có tiền nên để vậy. Dân làng đóng góp cũng chỉ được vài chục triệu đồng, đủ tu sửa nhỏ mà thôi”.

Còn ông Trần Công Quang lý giải việc đình An Cựu lâu ngày không được tu bổ: “Hội đồng làng đã nhiều lần bàn việc tu sửa, phục hồi nhưng số tiền lên tới bạc tỉ, làng không có nên đành bất lực. Vì đình này được công nhận di tích, do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch quản lý, làng đã nhiều lần kêu lên sở nhưng lâu rồi không thấy trùng tu” - ông Quang nói...

Ngôi đình đẹp của miền Trung có nguy cơ bị xóa sổ

Đó là ngôi đình Hoành Sơn tọa lạc bên bờ sông Cả thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Các nhà nghiên cứu lịch sử từng đánh giá đây là ngôi đình đẹp nhất miền Trung bởi nghệ thuật kiến trúc “độc nhất vô nhị”. Đình được xây dựng thời vua Lê Cảnh Hưng (1764) để thờ thần thành hoàng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ) - người có công lớn trong sự nghiệp gìn giữ biên cương của xứ Nghệ và đất nước Đại Việt.

Ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984, nhưng nhiều năm nay đang xuống cấp nghiêm trọng do mái dột, cột kèo bị nứt, gãy và mối mọt xâm hại. Hai trận lũ lớn năm 1978 và 1988 đã cuốn trôi gần 100 pho tượng cổ quý giá trong ngôi đình. Năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay ngôi đình cổ 250 năm này vẫn “trơ gan” dưới nắng mưa, bão gió.

RFhve8Nw.jpgPhóng to
Chùa Sổ - di tích nghệ thuật, kiến trúc cấp quốc gia - chờ được trùng tu - Ảnh: V.V.Tuân
9eqFyuuc.jpg
Hệ thống kèo cột đình Đa Chất đã mục vì mối mọt - Ảnh: V.V.Tuân

Hai di tích 500 tuổi kêu cứu

Đình Đa Chất (thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và chùa Sổ (thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đều là những di tích lịch sử cấp quốc gia đã 500 tuổi, nhưng cả hai di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.

Đình Đa Chất được xây dựng dưới thời Lê trung hưng (thế kỷ thứ 16) và là di tích lịch sử quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng năm 1995. Trải qua mấy trăm năm, nhiều hạng mục công trình trong di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng. Những bức tường đình hầu hết trơ gạch, nhiều chỗ xập xệ, có những vết nứt thành những mảng lớn chạy ngang tường. Các cột gỗ lớn, cây xà, kèo... đều bị mối mọt, mưa nắng làm mục ruỗng.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán (75 tuổi, làm cụ từ trông đình đã được bảy năm) cho biết: “Hai năm trước, thấy các cột đình đều mục, sợ đình bị đổ sập nên các cụ già trong làng phải đứng ra vận động người dân quyên tiền mua các cây gỗ về, lắp thêm vào chống đỡ mái đình”. Trong hậu cung, ông Đoán phải mua bạt về căng kín cả phía trên, rồi cứ ngày mưa là túc trực để múc nước ra ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Hoằng - phó chủ tịch UBND xã Đại Xuyên, từ năm 2010 UBND xã Đại Xuyên đã lập hồ sơ báo cáo lên huyện Phú Xuyên, sau đó gửi hồ sơ lên TP Hà Nội. Và nay sau gần bốn năm, xã vẫn chưa nhận được kế hoạch trùng tu cụ thể nào dù ông Nguyễn Tùng Lâm, trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Phú Xuyên, cho biết: “Phòng văn hóa - thông tin huyện đã nhận được kế hoạch của UBND TP Hà Nội phê duyệt đưa đình Đa Chất vào trùng tu trong giai đoạn 2013-2014 do UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư. Do vậy chúng tôi vẫn đang đợi TP cấp kinh phí”.

Một di tích khác của Hà Nội là chùa Sổ cũng kêu cứu nhiều năm nay. Chùa Sổ hay còn gọi là Hội Lim Quán, được xây dựng từ thời nhà Mạc (năm 1527). Ngôi chùa được công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia từ năm 1986 này hiện có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Các chân cột lớn đều mục do mối mọt và ẩm thấp. Mái ngói bị xô lệch, nhiều chỗ bị dột. Vì di tích xuống cấp nên lâu nay chùa vắng người qua lại, không khác gì ngôi chùa bỏ hoang. Trong chùa, mọi thứ gạch ngói, cây gỗ vứt ngổn ngang.

Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ tịch UBND xã Tân Ước, cho biết trong năm 2010 UBND xã đã kết hợp với Phòng văn hóa - thông tin huyện Thanh Oai khảo sát các hạng mục xuống cấp để lập kế hoạch trùng tu chùa Sổ. Nhưng mãi đến tháng 5-2013 mới có văn bản chỉ đạo của Cục Di sản về việc trùng tu. Đến ngày 19-3-2014, UBND huyện Thanh Oai mới có quyết định chính thức trùng tu di tích này. Trong văn bản này cũng nói rõ việc trùng tu chùa Sổ không thể tiến hành trước mùa mưa bão (từ tháng 5) năm 2014 được.

“Đã có quyết định trùng tu chùa Sổ nhưng chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo của cấp trên về thời gian tiến hành và kêu gọi nguồn vốn đối ứng xã hội hóa trong nhân dân mới trùng tu di tích được” - ông Toàn nói.

Kỳ 3: Những người “tự cứu”

THÁI LỘC - LỆ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên