Người dân ở Sa Pa (Lào Cai) đốt củi sưởi ấm cho nghé - Ảnh: PHẠM BẰNG
Chiều 21-2, ông Cao Viết Thịnh - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Sơn La - cho biết từ đêm 20-2 đến ngày 21-2, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, tỉnh Sơn La rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 5 - 10 độ C, Mộc Châu 2,7 độ C, gây thiệt hại tại các địa phương trong tỉnh.
Thống kê đến 17h chiều 21-2, rét đậm rét hại trên địa bàn tỉnh làm chết 393 gia súc, trong đó có 350 con trâu, bò, bê, nghé và 26 con dê chết cóng.
Theo ông Thịnh, sau khi xảy ra thiệt hại, đơn vị và UBND các huyện đã thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với các xã chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn nhân dân đưa gia súc về chuồng, che chắn kín gió, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô ráo nền chuồng... che chắn cho cây trồng.
Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có trên 1,3 triệu gia súc và hơn 7,3 triệu gia cầm các loại chịu tác động của đợt rét đậm rét hại này.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) những ngày qua, nhiệt độ dao dộng từ 1 - 3 độ C, trời mưa, rét buốt khiến nhiều người dân ở các xã Trung Chải, Hoàng Liên, Tả Phìn, Sa Pả… phải đồng loạt đưa đàn gia súc xuống vùng thấp tại xã Tòng Sành (Bát Xát), Cốc San (thành phố Lào Cai) để chăn thả và tránh rét.
Tại đây, người dân dùng cây gỗ hoặc tre làm cột, dựng lán trại lợp bằng bạt để trâu tránh gió và mưa rét.
Bà con cũng mang theo lương thực và đồ dùng như nồi niêu và thực phẩm khô để có thể trụ lại dài ngày cho qua đợt rét khắc nghiệt nhất từ đầu đông.
Nhà có 5 con trâu và nghé, ông Tráng A Lử (ở xã Trung Chải, thị xã Sa Pa) cho biết khi có tin rét đậm, rét hại, ông đưa trâu, bò đến nơi ấm hơn.
"Cuối mùa đông nên cỏ, thức ăn cũng khan hiếm, mình phải lùa đàn trâu xuống đây để tránh rét, dễ kiếm cỏ cho trâu ăn, qua đợt rét mới đưa trâu về nhà" - ông Lử nói.
Băng giá bao phủ khu vực đỉnh đèo Ô Quy Hồ ngày 21-2 - Ảnh: NAM TRẦN
Theo thống kê của thị xã Sa Pa, địa phương có khoảng 10.000 con trâu, bò ở khu vực các xã, phường chịu ảnh hưởng mạnh của không khí lạnh phải di chuyển xuống vùng thấp.
Đối với một số xã thời tiết đỡ lạnh hơn như Thanh Bình, Bản Hồ… người dân được khuyến cáo che chắn chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn đầy đủ cho gia súc.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong đợt rét đậm, rét hại lần này, có khoảng 1,3 triệu con trâu, hơn 1 triệu con bò… sẽ chịu tác động.
Để hạn chế những thiệt hại, cục đã đề nghị các địa phương theo dõi chặt tình hình diễn biến thời tiết để chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc. Đồng thời vận động người dân không thả rông gia súc và cho gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.
Rét hại kéo dài đến 24-2
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 21-2, không khí lạnh có cường độ ổn định.
Dự báo trong đêm nay và ngày mai (22-2) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ít mưa, trời rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8 - 11 độ C, vùng núi 3 - 6 độ C, vùng núi cao của Bắc Bộ có nơi dưới 0 độ và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa, trời rét đậm, có nơi rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11 - 14 độ C.
Từ đêm 22-2, không khí lạnh lại được tăng cường nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời ít mưa, ngày có nắng, trời rét đậm, vùng núi rét hại và có khả năng kéo dài đến ngày 24-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận