Phóng to |
Hội thi tay nghề giỏi hằng năm được Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức giúp học sinh luyện tay nghề và rèn các tiêu chí của danh hiệu “Học sinh 3 rèn luyện” - Ảnh: Q.NG. |
Đây cũng là một trong những ngôi trường hiếm hoi mà học sinh cả trường sau khi được thông tin đều muốn tham gia và đăng ký rèn luyện theo ba tiêu chí của danh hiệu này.
Những công nhân vào lớp
21 “Học sinh 3 rèn luyện” cấp thành “Học sinh 3 rèn luyện” là danh hiệu khen thưởng học sinh học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp của Thành đoàn TP.HCM. Mỗi bạn đạt danh hiệu phải hội đủ ba tiêu chí: rèn luyện đạo đức tác phong, rèn luyện kiến thức tay nghề và rèn luyện kỹ năng thái độ nghề nghiệp. Năm nay từ 116 hồ sơ của 18 đơn vị gửi về, hội đồng bình chọn cấp thành đã quyết định tặng danh hiệu này cho 21 gương mặt xuất sắc nhất. Lễ tuyên dương, trao tặng danh hiệu cho các bạn được diễn ra hôm nay 5-6 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. |
Quá nửa trong số 11 học sinh đạt chuẩn “Học sinh 3 rèn luyện” cấp TP ấy từng làm công nhân, đi làm thêm trước khi vào trường. Đó là Phạm Thị Lan (quê Thái Bình) từng làm công nhân may, Đinh Thị Kim Phụng (quê Tiền Giang) làm cho công ty điện tử của Nhật tại Khu chế xuất Tân Thuận, Nguyễn Thị Mỹ (quê Trà Vinh) làm cho hãng điện tử ở Gò Vấp, Đỗ Thị Phu (quê Bình Định) làm nhân viên phục vụ, thu ngân nhà hàng, Trương Thị Thanh Thảo (quê Vĩnh Long) làm nhân viên bán hàng trung tâm thương mại...
Ít cũng đã hai ba năm, nhiều như Nguyễn Thị Mỹ thì trở lại trường sau bảy năm đi làm. Phần lớn đều chỉ mới hoàn thành lớp 9 nên vào trường vừa song song học văn hóa để hoàn thành kiến thức khối THPT, vừa được đào tạo nghề trong bốn năm. Hiện tại các bạn lo tập trung học nhưng những tháng ngày ngược xuôi vào đời đã qua cho họ ít nhiều những bài học quý, để thấy được đi học là còn hạnh phúc, để tìm cho mình một nghề ổn định cuộc sống lâu dài.
Cô gái quê lúa Thái Bình Phạm Thị Lan nhớ lại: “Không biết hồi ấy sao khỏe thế, ngày đi học tối lại vào làm công nhân đến sáng về nghỉ có tí rồi lại lên lớp mà không thấy mệt”. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, công ty Lan làm việc bớt đơn hàng, họ cắt ca đêm nên Lan phải nghỉ việc mới đây thôi. Duy nhất cô gái Đinh Thị Kim Phụng đã tốt nghiệp THPT nên theo học hệ trung cấp nghề hai năm và hiện đang là năm cuối. Phụng kể lúc làm công nhân hầu như ngày nào cũng tăng ca tới 12 giờ mỗi ngày, nhưng cộng hết các khoản cũng chưa đến 4 triệu đồng/tháng; tiền nhà trọ, tiền ăn ở TP đắt đỏ này mỗi tháng vừa đủ sống, không tích lũy gì được. Vậy là quyết tâm đi học lại, hi vọng có tay nghề để cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Trong khi đó, cậu bạn nhỏ tuổi nhất trong số những “Học sinh 3 rèn luyện” cấp thành của trường đợt này Trần Hữu Toàn chia sẻ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên khó có điều kiện học hết phổ thông. “Mình đang ở với ngoại, mong nhanh có một nghề để kiếm sống, phụ giúp gia đình nên quyết định xin vào trường học” - Toàn nói.
Môi trường rèn luyện để lớn lên
Học sinh các lớp đều đăng ký tham gia rèn luyện các tiêu chí và phấn đấu để đạt danh hiệu ngay từ đầu năm học là điều mà nhiều học sinh của trường đều nói. “Có những bạn lúc đầu băn khoăn, không muốn tham gia nhưng cán bộ lớp, Đoàn trường sẽ tận dụng mọi kênh để vận động các bạn đăng ký, bởi điều đó có lợi cho chính các bạn nên cuối cùng bạn nào cũng tham gia hết” - bí thư Đoàn trường Phan Thị Tuyết Nhung cho biết.
Vì lẽ đó mà mỗi năm trường đều tổ chức hội thi tay nghề cho học sinh cấp trường, giúp học sinh kiểm tra kiến thức đã học, nhưng cũng là dịp để chọn lựa những bạn xuất sắc tham gia đội tuyển tranh tài các hội thi cao hơn với trường khác. Đó cũng là cách giúp học sinh rèn luyện thái độ đúng đắn trong nghề nghiệp, biết quý trọng công việc tương lai. Những lớp trang bị kỹ năng mềm, những hoạt động vì cộng đồng được Đoàn trường xây dựng để tạo thêm cơ hội giúp các bạn tham gia, tích lũy kiến thức và biết tự ý thức rèn luyện.
Thầy Nguyễn Đức Trung - hiệu trưởng nhà trường - khẳng định các hoạt động của Đoàn, công đoàn hay bất cứ bộ phận nào trong trường cũng chính là của nhà trường. “Phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” cũng vậy, dù khởi phát từ Đoàn nhưng lại gắn liền với sự phát triển của học sinh, nên với lãnh đạo nhà trường đó là một trong những nhiệm vụ của trường để rèn người cho học sinh, song song với nhiệm vụ rèn nghề. Việc này không chỉ tạo ra một người thợ có tay nghề vững mà còn phải có đạo đức, nhân cách làm nghề” - thầy Trung phát biểu.
Lần thứ hai Thành đoàn TP.HCM tuyên dương “Học sinh 3 rèn luyện” cũng là lần thứ hai liên tiếp các bạn Phạm Thị Lan, Đỗ Thị Phu và Đỗ Ngọc Quỳnh đạt danh hiệu. “Năm trước đã đạt được danh hiệu nên đầu năm học này càng quyết tâm, phấn đấu để giữ được danh hiệu ấy” - Đỗ Thị Phu nói. Còn Đỗ Ngọc Quỳnh chia sẻ không chỉ vui mà còn có chút tự hào với bạn bè xung quanh vì những nỗ lực của mình đã được ghi nhận, “quan trọng là mình thấy trưởng thành và phải nỗ lực nhiều hơn thời gian tới” - Quỳnh bộc bạch.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đức Trung cho biết sắp tới sẽ phải làm tốt hơn việc tuyên dương, nhân rộng những điển hình này sao cho trở thành động lực giúp học sinh toàn trường cùng phấn đấu, nỗ lực học tập và rèn luyện. “Các khoa sẽ phối hợp để tạo thêm nhiều sân chơi giúp các em rèn luyện. Rồi chính câu lạc bộ “Học sinh 3 rèn luyện” của trường sẽ chia sẻ kinh nghiệm phấn đấu, rèn luyện, giúp bạn bè mình cùng cố gắng chạm tay đến danh hiệu. Bộ phận nào làm tốt nhà trường sẽ khen thưởng xứng đáng” - thầy hiệu trưởng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận