Nhiều trẻ vào đời sớm do phụ giúp cha mẹ mưu sinh - Ảnh: Tiến Thành |
Ba câu chuyện sau sẽ cho chúng ta thấy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nêu trên.
1. Chiều 20-10, khi tôi đi làm về thì thấy con đang hì hục lau nhà, dọn dẹp. Cháu là con trai, đang học lớp 8 nên thời gian chủ yếu dành cho việc học, ít khi vợ chồng tôi để cháu làm việc vặt, thậm chí có yêu cầu con phụ giúp thì cũng “ngứa mắt” bởi sự vụng về của cháu nên chúng tôi làm cho xong chuyện.
Nếu cho rằng cháu chủ động làm việc vặt trong ngày dành cho phụ nữ Việt Nam để thể hiện tình cảm với mẹ, có lẽ cháu chưa đủ “tầm” nghĩ về việc đó. “Hôm nay cô giáo mỹ thuật làm rất nhiều bạn trong lớp con khóc đó ba” - con tôi có vẻ xúc động chia sẻ khi tôi hỏi lý do của hiện tượng “ngoan” bất ngờ này.
Tìm hiểu thêm thì con tôi cho biết trong tiết học mỹ thuật ngắn ngủi của buổi sáng, cô giáo đã dành một ít thời gian nói về ý nghĩa của ngày 20-10, nói về công lao của cha mẹ, đặc biệt là các câu chuyện hết sức cảm động về các bậc sinh thành - người thầy đầu tiên cũng là người dày công nhất trong việc nuôi nấng, giáo dục con em nên người.
Rồi cô nêu một số gợi ý để học trò “phải làm gì thể hiện tình thương của mình đối với cha mẹ?”, đó là ngoài việc phải cố gắng học tập thật tốt, cần biết giúp đỡ cha mẹ từ những việc nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như lau nhà, rửa chén, nấu cơm...
Không biết có phải đã “ngấm” những gì cô giáo truyền đạt hay không nhưng từ buổi học hôm đó đến nay, con tôi có thái độ đúng đắn hơn trong học tập và “có trách nhiệm” hơn trong vấn đề phụ giúp cha mẹ làm việc nhà.
2. Thầy tôi là một trong những nhà khoa học có uy tín về lĩnh vực giáo dục, đang công tác tại một viện nghiên cứu về giáo dục của nước nhà. Ngoài công tác ở cơ quan, thầy tôi còn tham gia làm quản lý của một trường phổ thông (tư thục) chất lượng cao tại Hà Nội.
Thầy kể rằng mỗi lần họp toàn thể giáo viên và họp phụ huynh đầu năm học thì vấn đề vệ sinh đều “nóng”. Nói là “nóng” bởi phần lớn giáo viên và phụ huynh đều muốn “dịch vụ hóa” vấn đề dọp dẹp vệ sinh trong trường cho các công ty tư nhân, đặc biệt phía hội cha mẹ học sinh sẵn sàng vận động phụ huynh đóng thêm tiền để thuê.
Tuy nhiên, thầy tôi nhất quyết không thuê bên ngoài vào làm mà tổ chức cho các em học sinh tự làm. Thầy cho biết nếu để các em học sinh làm, có khi tiền chổi, tiền xà bông còn nhiều hơn trong khi chất lượng lại không bằng thuê ở bên ngoài, nhưng bù lại, học sinh sẽ được rèn luyện, hình thành kỹ năng lao động, các em sẽ có trách nhiệm với bản thân trong giữ gìn vệ sinh hơn.
Làm như vậy, các em học sinh sẽ tự quản lý, nhắc nhở nhau trong vấn đề giữ gìn vệ sinh chung, sẽ nhắc nhở ngay bạn nào xả rác, bạn nào ý thức giữ gìn vệ sinh chưa cao...
3. Tôi không nói đến thời chúng tôi (dù chưa xa lắm) mà mỗi lần về thăm quê, thấy các cháu của tôi nói riêng và trẻ con nông thôn nói chung tuy mới học tiểu học, THCS nhưng rất thạo việc. Từ nấu cơm, chăm em, chăn trâu đến các việc đồng áng... đều được bọn trẻ làm thoăn thoắt.
Trong học tập, các em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi dù phần lớn không học thêm. Các em cũng thay nhau trực nhật, mang chổi, dụng cụ lau nhà, giẻ lau bảng... để tự quét dọn vệ sinh.
Mỗi lần đến phiên trực, các em đến trường trước giờ học khoảng 30 phút, thậm chí có em đến trước cả tiếng đồng hồ để làm nhiệm vụ. Làm tốt được cô giáo khen, làm chưa tốt bị nhắc nhở, làm tệ quá phải làm lại vào hôm sau.
Những cách này một mặt vừa hình thành ý thức trách nhiệm cho trẻ, mặt khác phát huy được tinh thần nêu gương, lấy cá nhân để giáo dục tập thể và ngược lại. Điều đó không có nghĩa giáo viên ở nông thôn có phương pháp tốt hơn so với đồng nghiệp của họ ở thành phố, mà vấn đề nằm ở chỗ học sinh ở nông thôn có cơ hội trải nghiệm các kỹ năng sống hơn.
Khả năng thích ứng môi trường sống của trẻ sẽ tốt hơn khi người lớn tạo điều kiện để trẻ thực hành. Nếu như nghe sẽ đọng lại trong người học khoảng 5% lượng kiến thức mà người dạy truyền tải, thì nghe - nhìn cũng chỉ đạt khoảng 10%.
Trong khi đó, phần lớn kỹ năng sống, năng lực thực hành của người học được hình thành phụ thuộc vào yếu tố người dạy có để cho học trò thực hành hay không!
Kỹ năng sống của trẻ sẽ bắt đầu từ việc các bậc phụ huynh, nhà trường có để cho trẻ tự làm hay không, dù đó là việc nhỏ!
Bạn có thể chia sẻ thêm những kinh nghiệm luyện kỹ năng trẻ của bạn? Những rắc rối nào bạn gặp phải khi luyện kỹ năng cho trẻ (ví dụ: bất đồng quan điểm với chồng/ vợ; không có sự phối hợp tốt từ nhà trường & gia đình...)? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận