07/04/2015 08:23 GMT+7

Rèn kỹ năng bảo vệ nhân vật báo chí

QUANG KIỆT
QUANG KIỆT

TT - Câu chuyện VTC14 và phóng sự nghi là dàn dựng nhằm cảnh báo tác hại của shisha đã đặt ra nỗi băn khoăn về việc vi phạm các điều khoản sử dụng hình ảnh cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cảnh học sinh hút shisha trong phóng sự của VTC14
Cảnh học sinh hút shisha trong phóng sự của VTC14

Tại nhiều trường đại học ở nước ngoài, việc hướng dẫn, thực thi các quy định về việc bảo vệ nhân thân của những người được mời tham gia các nghiên cứu, bài viết đã được thực hiện nghiêm túc từ nhiều năm qua.

Ví như các trường tại New Zealand đều có một ủy ban gọi là ủy ban đạo đức (ethic committee) bao gồm nhiều vị có thâm niên nghiên cứu khoa học, có hiểu biết lẫn khả năng “nhìn thấu” các vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ danh tính của người được mời tham gia vào nghiên cứu do sinh viên, giảng viên của trường thực hiện.

Tất cả sinh viên, đặc biệt là những người phải làm luận văn, luận án tốt nghiệp, đều phải được ủy ban này thông qua đề cương mới được cấp phép thực hiện.

Chính bản thân tôi, dù làm đề cương luận văn tốt nghiệp bậc thạc sĩ ngành truyền thông hết sức kỹ càng, đã được giáo sư hướng dẫn chỉ ra rất nhiều điểm sẽ bị ủy ban đạo đức của trường “soi” kỹ để sửa đổi, vậy mà vẫn mất hết một tuần để có thể thuyết phục thành công các vị trong ủy ban đồng ý cấp phép cho thực hiện đề tài.

Nhiều sinh viên khác mà tôi biết phải mất cả tháng, có người vài ba tháng, có khi phải làm lại đề cương mới được ủy ban này thông qua.

Tất nhiên là trong đề cương tôi phải cam kết với ủy ban là không chụp ảnh trẻ em (người dưới 18 tuổi), nếu có phỏng vấn, làm việc với trẻ em phải có sự giám hộ của cha mẹ, thầy cô hoặc người được luật pháp ủy quyền.

Chưa kể là tất cả những người được chụp ảnh, phỏng vấn đều phải được thông báo rõ mục đích chụp ảnh, phỏng vấn họ, và họ cũng phải ký vào bản đồng ý (consent form). Tất cả giấy tờ này đều phải lưu lại ở văn phòng khoa trong vòng năm năm kể từ ngày thực hiện phỏng vấn hay chụp ảnh, quay phim.

Rồi đến lúc nộp luận văn, cũng phải rà soát kỹ để không có hình ảnh trẻ em lọt vào, còn những hình ảnh khác nếu có mặt người phải làm mờ đi chứ nếu không là sẽ gặp rắc rối to.

Chính nhờ những quy tắc hết sức khắt khe này mà sinh viên tại New Zealand (tôi nghĩ ở nhiều quốc gia khác cũng vậy) rất chú trọng đến việc bảo vệ danh tính, hình ảnh của người khác.

Sự cẩn trọng có được từ khi còn trên ghế nhà trường đã hình thành thói quen luôn xin phép khi chụp ảnh người khác.

Đối với sinh viên báo chí - truyền thông khi đi thực tập, tác nghiệp ở môi trường báo chí chuyên nghiệp cũng rất chú trọng việc này.

Đó là lý do vì sao các ảnh thuộc dạng minh họa thường bị thiếu phần mặt hoặc chụp từ phía sau, còn phóng sự trên truyền hình cũng phải làm mờ mặt hoặc chỉnh cho giọng nói khác đi nếu nhân vật không đồng ý xuất hiện.

Tôi cho rằng những vấn đề này cần được các trường đại học, đặc biệt là các trường có đào tạo ngành báo chí - truyền thông, chú trọng, xem đây là vấn đề quan trọng bởi không chỉ liên quan đến vấn đề nghiệp vụ cho các nhà báo tương lai, mà còn là vấn đề đạo đức khi tác nghiệp.

Đừng để đến lúc có vấn đề rồi mới đi giải quyết, xử lý, bởi lúc đó uy tín, thanh danh, danh dự của người khác đã bị tổn hại nghiêm trọng, và như thế thì cũng chỉ giải quyết được “phần ngọn” mà thôi!

 

QUANG KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên