Khi giá lúa tăng cao trong năm 2023 vừa qua, nhiều bà con nông dân đã sạ lúa dày và bón phân nhiều với hy vọng đạt sản lượng cao, tăng tối đa lợi nhuận nhờ xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng việc sạ dày là nguyên nhân chính gây ra dịch rầy, đồng thời khuyến cáo bà con nên phun thuốc xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với rầy phấn trắng mới đạt hiệu quả trị rầy.
Dịch rầy phấn trắng lan rộng, nông dân điêu đứng
Ông Nguyễn Văn Ngời (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, An Giang), chủ của 6ha lúa đông xuân 2023 - 2024, cho biết khi cây lúa hơn 1 tháng tuổi đã có rầy phấn trắng tấn công ở những nơi lúa phát triển tốt, lá lúa dày đặc dù gia đình ông sạ kéo hàng 120kg, tương đối thưa hơn so với bà con nông dân tại khu vực.
"Thấy lúa bị rầy tấn công, nhiều nông dân sốt ruột nên xịt thuốc ồ ạt, thậm chí trong vòng một tuần đã xịt ba cữ, rầy chưa gây hại mà lúa đã ngộ độc rồi", ông Ngời nói.
Theo ông Ngời, với mỗi ha lúa bị nhiễm rầy, nông dân phải chi tới 600.000 đồng để mua thuốc xử lý rầy phấn trắng và rầy nâu.
"Tôi thấy rầy phấn trắng này chỉ xuất hiện ở những nơi sạ lúa dày mà bà con không chú ý. Vì gần tôi có một thửa ruộng sạ thưa chỉ có 8kg lúa/công nên đâu có con rầy nào. Mà nếu chỉ tập trung trị rầy phấn trắng, không chú ý đến rầy nâu, đạo ôn thì coi chừng lúa bị thiệt hại nặng", ông Ngời nói.
Nhiều nông dân tại Đồng Tháp cũng đứng ngồi không yên khi lúa bị rầy phấn trắng tấn công. Ông Phạm Minh Đạt (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) cho biết chỉ còn hơn một tháng nữa là có thể thu hoạch nhưng 1ha lúa đông xuân của gia đình ông bị nhiễm rầy phấn trắng.
Dù đã được phun xịt hai lần thuốc để trị rầy nhưng cây lúa vẫn bị ảnh hưởng nặng, có dấu hiệu "hơi xuống" năng suất.
Ông Nguyễn Văn Đời, giám đốc Hợp tác xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), cho biết hợp tác xã đang chuẩn bị thu hoạch vụ đông xuân, nhưng một số diện tích lúa bị rầy phấn trắng tấn công, gây thiệt hại nặng.
"Thuốc diệt rầy không có hiệu quả với con trưởng thành, mà chỉ diệt được một số ấu trùng. Nhiều bà con lần đầu tiên bị nên hơi chủ quan, xịt rồi tưởng hết nhưng thật ra nó tái đi tái lại, trong khi chi phí và công cán phun xịt khá cao", ông Đời nói.
Nhiều diện tích sẽ giảm 50% năng suất
Ông Trần Quang Giàu, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, cho hay nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng rầy phấn trắng tấn công cây lúa là do nhiệt độ cao, ẩm độ không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phát triển để tấn công cây lúa.
"Rầy phấn trắng nằm bên dưới mặt lá lúa nên phải phun xịt làm sao để thuốc lồng vào dưới mới có hiệu quả", ông Giàu khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Hiền, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cho biết dù mật độ nhiễm đã giảm nhưng ngành nông nghiệp đã tăng cường hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa giảm mật độ rầy nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận - tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, từ cuối năm 2023 khi thấy giá lúa tăng, doanh nghiệp này đã bày tỏ lo ngại việc nông dân sẽ sạ dày, bón phân nhiều kết hợp với điều kiện thời tiết bất lợi sẽ hình thành dịch rầy phấn trắng.
"Đội viễn thám của chúng tôi đã phát hiện sớm nên xử lý nhanh. Còn nông dân nào vừa sạ dày vừa bón phân nhiều không phát hiện chừng 2-3 ngày thì xem như rầy cắn nát ruộng hết", ông Thuận nói.
Cũng theo ông Thuận, loại rầy này không khó xử lý mà quan trọng là phải phát hiện và xử lý sớm, đừng để con rầy chui phía dưới lá lúa bởi nếu rầy phát tán thì năng suất giảm 50%.
"Đa số bà con tại ĐBSCL sạ từ 180kg/ha, còn Đông Nam Bộ - Tây Nguyên có khi sạ 220kg/ha. Trong khi đó, nông dân chỉ nên sạ lúa 80 - 100kg/ha, người nào sạ nhiều hơn số lượng lúa đó là sạ dày", ông Thuận khuyến cáo.
Diện tích lúa sạ dày đều bị rầy tấn công
Ông Lê Quốc Điền, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết qua thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, những diện tích bị nhiễm rầy nhiều do lượng giống sạ nhiều hơn, khoảng 150 - 160kg giống/ha so với khuyến cáo là dưới 100kg giống/ha.
Theo ông Điền, trong mùa nắng nóng, rầy phấn trắng xuất hiện trên diện rộng ở tất cả các loại cây trồng khác, trong đó cây lúa nhiều nhất; mật độ rầy giảm khi thời tiết có ẩm độ cao.
Theo ông Điền, khi phát hiện bệnh, cần phòng trừ bằng thuốc hóa học. Do cấu trúc rầy phấn là lipid cánh không thấm nước, cần phun xịt thuốc hóa học kết hợp với chế phẩm thấm thuốc.
Trong giai đoạn nắng nóng, rầy chuyển xuống gốc lúa, nông dân nên phun thuốc bằng máy xịt tay, hạn chế dùng drone, tăng cường lượng nước khi phun thuốc trừ rầy (400 lít/ha), hạ vòi phun xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với rầy phấn trắng và bám dính vào mặt dưới của lá nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng.
"Đặc tính rầy di chuyển theo ánh sáng, thời điểm phun xịt hiệu quả 16h-18h, dùng thuốc có đặc tính lưu dẫn, hạn chế thuốc xông hơi trong mùa nắng dẫn đến cháy lá lúa; phun theo nguyên tắc "4 đúng", quyết liệt giảm lượng giống gieo sạ ở vụ hè thu 2024", ông Điền khuyến cáo.
Nhiều diện tích lúa có mật độ nhiễm từ 1.500 - 3.000 con/m2
Theo báo cáo của chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương, trong vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, tổng diện tích nhiễm rầy phấn trắng tại Đồng Tháp là 2.841ha, trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - trổ chín.
`Trong đó, nhiễm nhẹ 1.556ha với mật độ 1.500 - 3.000 con/m2, nhiễm trung bình 877ha với mật độ 3.000 - 6.000 con/m2, nhiễm nặng 408ha với mật độ trên 6.000 con/m2.
Tại Kiên Giang, khoảng 17.000ha lúa đông xuân trên địa bàn bị rầy phấn trắng tấn công, chủ yếu là khi lúa vào thời kỳ làm đòng trổ bông. Trong khi đó, An Giang cũng có khoảng 3.000ha lúa bị nhiễm rầy phấn trắng, dù mức độ nhiễm đã giảm thấp nhưng vẫn gây hiện tượng triệu chứng vàng lá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận