Nhà văn Ray Bradbury
Thiên tài kể chuyện của ông đã định hình lại nền văn hóa của chúng ta và mở rộng thế giới của chúng ta.
Barack Obama
Năm 1972, các phi hành gia trên tàu Apollo 15 đã đặt tên một hố va chạm trên Mặt trăng là Dandelion Crater, dựa theo tên cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1957 của Ray Bradbury.
Năm 1992, một tiểu hành tinh mới được đặt tên "9766 Bradbury". Năm 2012, thiết bị khám phá Curiosity của NASA đã hạ cánh xuống một địa điểm trên sao Hỏa tên "Bradbury Landing".
Có lẽ là ngạc nhiên với những ai chưa đọc Ray Bradbury, rằng cái tên gắn với những sự kiện của thế giới tự nhiên đó là tên của một nhà văn - một người đã miêu tả gần như chuẩn xác các loại công nghệ trước khi chúng được phát minh rất lâu.
Một ngày bình thường của những năm 1950, có chàng nhà văn Mỹ đang lang thang quanh Los Angeles thì nghe tiếng máy đánh chữ lách cách dưới tầng hầm thư viện. Những chiếc máy đánh chữ cho thuê với giá mười xu nửa giờ trở thành vị cứu tinh cho người cần nơi yên tĩnh để sáng tác. Tiểu thuyết 451 độ F đã ra đời trên những chiếc máy đó.
Trong 451 độ F, Bradbury nói đến một thiết bị như vỏ ốc gắn vào tai nơi con người có thể nghe đài và liên lạc với nhau, hay những bức tường truyền hình.
Đó là năm 1953, và phải mất vài thập niên nữa để những viễn kiến của ông thành hiện thực. Thực tế tiệm cận trí tưởng tượng, như trong truyện ngắn There Will Come Soft Rains nhà văn miêu tả một ngôi nhà được vận hành bởi máy móc.
Dù vậy, Bradbury không tỏ ra thích thú lắm khi mọi người bó hẹp ông trong định danh một nhà văn viễn tưởng (sic-fi), ông coi mình là nhà văn kỳ ảo (fantasy). Đối với ông: "Khoa học viễn tưởng là miêu tả của thực tế. Kỳ ảo là miêu tả của cái không thực".
Do đó, ông nhận mình chỉ viết tác phẩm khoa học viễn tưởng duy nhất là 451 độ F, còn những tác phẩm khác, chẳng hạn như Martian Chronicles (tạm dịch: Biên niên ký Hỏa Tinh) hay The Illustrated Man (1951, ấn bản tại Việt Nam mang tên Người minh họa) phải là kỳ ảo.
Nhưng dẫu viễn tưởng hay kỳ ảo, ngày nay ta vẫn có cảm giác như mỗi bước chân của mình đều đang đi lại con đường mà các nhân vật của Ray Bradbury đã đi. Trong 27 tiểu thuyết và 600 truyện ngắn, từ viễn tưởng sang kinh dị, trinh thám, thế giới mà nhà văn thiết kế ngày càng xóa dần các miêu tả về thế giới tương lai.
Trong một bài tiểu luận, người kể chuyện tài ba biến ý tưởng kỳ quái trở thành dụ ngôn cuộc sống này viết: "Mọi người đòi tôi dự đoán tương lai, trong khi tất cả những gì tôi muốn làm là ngăn nó lại".
Cái tương lai mà Ray Bradbury muốn ngăn lại là thứ tương lai phi nhân, nơi con người trở thành nô lệ cho chủ nghĩa tiêu thụ, nơi cảm xúc bị chi phối bởi máy móc...
Nhắc người đọc về một tương lai bất trắc buộc ta phải đấu tranh bảo vệ nhân tính của mình, ảnh hưởng của Ray Bradbury trong văn chương và cuộc sống sẽ còn kéo dài.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn, Bảo tàng Di sản Venice phối hợp với Beyond Baroque tổ chức một đêm trình diễn các tác phẩm của ông với tên gọi "Bradbury in Venice".
Cùng thời điểm, Bảo tàng trải nghiệm Ray Bradbury tại quê nhà Waukegan (bang Illinois, Hoa Kỳ) sẽ tổ chức một buổi tham quan thực tế ảo "Green Town" (tên thị trấn hư cấu, bối cảnh của một số tác phẩm của ông như Dandelion Wine, Something Wicked This Way Comes và Farewell Summer).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận