23/09/2022 06:30 GMT+7

Rau, nấm đội lốt vô siêu thị: Hủy hoại niềm tin của 'người tiêu dùng thông thái'

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - "Hãy là người tiêu dùng thông thái" - câu này chỉ có ý nghĩa tương đối khi mà những địa chỉ vốn được "chọn mặt mua hàng" đã hủy hoại lòng tin của khách hàng, bằng những chiêu lừa dán nhãn sạch cho rau củ rồi bán với giá ngất ngưởng.

Rau, nấm đội lốt vô siêu thị: Hủy hoại niềm tin của người tiêu dùng thông thái - Ảnh 1.

Công nhân thay bao bì nấm hải sản xuất xứ Trung Quốc thành nhãn “Tươi ngon” của thương hiệu Đông A (Việt Nam) - Ảnh: BÔNG MAI

Hàng ngàn ý kiến bạn đọc đã phản hồi về loạt bài điều tra về rau sạch dỏm. Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến.

Làm sao cân đo hết thiệt hại?

Tuyến bài của báo Tuổi Trẻ đã bóc trần chiêu trò những "gã phù thủy" đã hô biến mọi thứ rau thành rau đạt chuẩn, rau sạch. Những hệ thống bán lẻ là mắt xích trung gian đưa hàng lên kệ bán với giá cao.

Làm sao cân đo đong đếm hết những thiệt hại về sức khỏe, về tinh thần của người tiêu dùng? Họ chấp nhận trả một giá cao hơn để đảm bảo mua được thực phẩm sạch và nhận được lại hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định chất lượng, không đúng với thông tin trên nhãn mác.

Nông sản kém chất lượng nói chung và rau "bẩn" nói riêng không phải là vấn đề mới, nhưng hôm nay nó như giọt nước tràn ly bởi vì những sản phẩm đó đang đội lốt thực phẩm sạch, đội lốt "VietGAP" len lỏi vào siêu thị, vào những cửa hàng, chuỗi bán lẻ - nơi mà người tiêu dùng đặt niềm tin rất lớn.

Các siêu thị, chuỗi bán trong vụ này đã làm gì để kiểm định chất lượng hàng hóa trước khi đưa lên kệ? Có bao nhiêu nhà bán lẻ "tận mục sở thị" xưởng sản xuất, nông trại của nhà cung cấp?

Niềm tin một khi đã bị tổn thương thì những nhãn mác gọi là thực phẩm sạch cũng trở thành vô nghĩa. Và những doanh nghiệp làm ăn chân chính vô tình cũng bị vạ lây. Lòng tin của người tiêu dùng trở thành "miếng mồi ngon" để những "con sâu" - những doanh nghiệp gian dối - gặm nhấm.

Đã đến lúc các ngành chức năng, các siêu thị, chuỗi bán lẻ cần xem xét lại và siết chặt toàn bộ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng.

Bên cạnh đó, cá nhân tôi cho rằng cần tăng mức phạt, tăng khung hình phạt, xử lý hình sự với mọi hành vi sản xuất, tàng trữ sản phẩm kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng, rút giấy phép vĩnh viễn với những doanh nghiệp sai phạm.

Người dân nếu phát hiện những hành vi sản xuất sản phẩm kém chất lượng của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nên chủ động tố giác với cơ quan công an.

(Bạn đọc Đông Phương)

Chúng tôi chờ thấy vụ việc được xử lý nghiêm

Hàng Trung Quốc được dán nhãn "VietGAP" và người mua dù có tinh thần cảnh giác cao độ cũng đều bị đánh lừa. Lỗ hổng quá lớn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị kẻ xấu lợi dụng khai thác tối đa. Yêu cầu kiểm tra định kỳ ba năm hai lần vốn đã "thưa" vẫn không được duy trì nghiêm túc ở nhiều siêu thị.

Nỗi lo "vàng thau lẫn lộn" không chỉ giới hạn trong phạm vi một vài loại rau củ mà còn rất nhiều thức ăn, đồ uống không thể thiếu hằng ngày. Bao nhiêu thứ chưa bị lộ?

Nhiều người thắc mắc nông sản nhập về bao nhiêu cũng hết, trong khi "cây nhà lá vườn" của nông dân trong nước thỉnh thoảng phải giải cứu. Với kiểu làm ăn dối trá này, nông sản nhà vườn bị đẩy vào tình cảnh khó khăn hơn.

Người mua chỉ có thể trông chờ vào "lương tâm sạch" của những nhà bán lẻ, những cửa hàng vốn được tin tưởng. Đừng thả nổi, phó mặc cho cơ sở cung cấp mà cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập vào, xóa bỏ kiểu làm ăn bất chính, bóc ngắn cắn dài. Việc dán nhãn an toàn để nâng giá nhiều lần càng không thể chấp nhận.

Nên nhớ rằng thực phẩm đưa vào miệng mỗi ngày, ăn nhầm uống nhầm tổn hại dài lâu. Muộn còn hơn không, chúng tôi mong siết chặt khâu cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi chờ việc xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm khi đủ bằng chứng.

(Bạn đọc Hoài Ân)

Truy tận gốc sự giả dối

* Coi sức khỏe người tiêu dùng không ra gì, công ty lớn không thể nói chuyện nhầm lẫn nguồn gốc hàng hóa. Thà ghi rõ là xuất xứ nước nào đi cho người tiêu dùng họ biết. Các siêu thị này có xuống tận cơ sở cung cấp hàng không, hay chỉ cần có cái tờ giấy Vệ sinh an toàn thực phẩm là coi như xong?

(Bạn đọc Da Nang, Nguyễn Xuân Sinh)

* Để hàng hóa được vào các siêu thị là một việc vô cùng khó khăn, phải trải qua nhiều bước và vượt qua các quy chuẩn gắt gao riêng của từng siêu thị. Làm sao để lọt hàng thay tên đổi nhãn kém chất lượng, giả mạo xuất xứ thương hiệu? Việc giám sát, kiểm tra, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ lâu nay các siêu thị này làm như thế nào?

Hy vọng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để người tiêu dùng không bị lừa dối trắng trợn như thế này! Đã từng xảy ra nhiều vụ tương tự trên thị trường và cửa hàng, siêu thị thường đổ lỗi cho nhà cung cấp. Nhưng nhà cung cấp muốn đưa hàng vào kênh siêu thị đâu phải dễ. Đơn vị bán lẻ không thể nói vô can hay rút hàng là hết trách nhiệm.

(Bạn đọc Quốc, Huy, Sơn Thanh)

* Cần truy đến gốc rễ đường dây chạy giấy chứng nhận nhận rau sạch, truy tố tội làm giả giấy tờ của tổ chức (nếu là giấy giả). Nếu giấy đó là thật cũng cần xem lại quy trình cấp chứng nhận để xử lý đến nơi đến chốn.

(Bạn đọc BL)

Phanh phui rau VietGAP dỏm: Siết chặt quản lý và mạnh tay xử phạt, được không? Phanh phui rau VietGAP dỏm: Siết chặt quản lý và mạnh tay xử phạt, được không?

TTO - Sau loạt bài điều tra rau VietGAP dỏm biến hình vào siêu thị của báo Tuổi Trẻ, rất nhiều bạn đọc đã góp ý và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, có ý kiến cho rằng chỉ có siết chặt quản lý và mạnh tay xử phạt mới không tái diễn.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên