Rau muống là loại rau bình dân, đem lại nhiều giá trị lợi ích cho sức khỏe. Theo The Star, trong 100g rau muống chứa 90% nước nhưng lại giàu chất xơ, protein, vitamin C, E, chất béo và các khoáng chất như sắt, kẽm, canxi, magie… Rau muống đặc biệt có lợi cho những người thiếu máu, người vừa ốm dậy, loãng xương, huyết áp thấp và phụ nữ mang thai.
Theo Đông y, rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải độc, chữa rôm sảy, mụn nhọt, táo bón, đái rắt. Có nhiều lợi ích như vậy nhưng không phải ai cũng nên sử dụng loại thực phẩm này.
Theo khuyến cáo của lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), rau muống có thể khiến tình trạng bệnh của một số đối tượng này trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là 6 đối tượng không nên ăn nhiều rau muống.
1. Người bị viêm khớp
Trong rau muống chứa nhiều Purin – một chất gây phản ứng viêm trong cơ thể. Do đó, những người bị viêm khớp không nên ăn nhiều rau muống vì sẽ làm bệnh càng nặng thêm.
2. Người bị bệnh gút
Thực tế, rau muống không thuộc nhóm thực phẩm tối kỵ cho người bị bệnh gút. Tuy nhiên loại rau này không phải lựa chọn lý tưởng cho tất cả những người đang mang bệnh vì hàm lượng đạm cao. Đặc biệt với đối tượng mắc bệnh gút nên hạn chế ăn rau muống vì chúng có thể kích hoạt phản ứng viêm, do đó dễ làm tăng nguy cơ bùng phát một cơn đau gút cấp tính.
3. Người bị sỏi thận
Chất oxalate trong rau muống khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ tạo thành phản ứng kết tủa ở thận, là nguyên nhân tạo sỏi. Do đó, những đối tượng mắc bệnh sỏi thận không nên ăn nhiều rau muống.
4. Người bụng dạ yếu, dễ dị ứng
Đối với những người bụng dạ yếu, dễ dị ứng không nên ăn nhiều rau muống. Bởi theo lương y Sáng, rau muống thường được trồng ở môi trường nước, có bùn đất, do vậy có thể chứa loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn rất phổ biến là Fasciolopsis buski. Đặc biệt khi rau muống nấu còn sống hoặc chưa chín kỹ sẽ tạo môi trường lý tưởng cho chúng xâm nhập vào cơ thể, gây đau bụng, dị ứng, khó tiêu...
5. Người mới phẫu thuật
Theo lương y Sáng, người mới phẫu thuật có mụn nhọt mới vỡ hoặc vết thương mới bị, mới phẫu trị không nên ăn nhiều rau muống vì có thể để lại sẹo lồi trên cơ thể.
6. Người đang uống thuốc Đông y
Ăn rau muống sẽ gây giã thuốc, mất tác dụng của thuốc Đông y. Đặc biệt đối với những trường hợp sử dụng thuốc theo phương pháp lấy vị độc cần thiết để trị bệnh (độc trị độc) không nên ăn rau muống vì sẽ làm mất đi tác dụng chữa bệnh của thuốc.
Do đó, khi bạn đang điều trị bằng thuốc Đông y thì dù có thèm rau muống đến mấy cũng không nên ăn để tránh tình trạng “xôi hỏng bỏng không”, uống nhiều thuốc nhưng cũng không có tác dụng chữa bệnh.
Ăn rau muống thế nào cho đúng?
Chia sẻ về cách ăn rau muống đúng nhất để đảm bảo sức khỏe, lương y Bùi Đắc Sáng cho rằng điều đầu tiên bạn cần làm là đảm bảo rau thật sạch. Bạn có thể rửa rau bằng cách rửa qua bằng nước thường, sau đó ngâm rau vào nước muối pha loãng.
Ngoài ra, bạn cần nấu rau chín kỹ, tránh ăn rau khi còn sống để giảm nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như: sán lá gan, đầy bụng, khó tiêu, dị ứng… Khi đi mua rau, nên chọn những cây rau có cọng nhỏ vì sẽ giòn, ngon hơn những cây rau muống cọng to.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận