Rau gia vị ở các siêu thị vẫn được tiếp tế lên kệ đều đặn nhưng trở nên khan hiếm hơn trước. Trong ảnh: Nhân viên với dịch vụ đi chợ hộ sáng 13-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hành lá, ngò, ớt tươi, gừng... là những mặt hàng được nhiều người "lùng" mua nhiều trong những ngày qua, giá tăng gấp 2-3 lần so với trước nhưng không dễ mua được.
Theo ghi nhận, tại nhiều chợ truyền thống, hiện các mặt hàng như gừng tươi, hành lá, cam tươi... đang trở nên khan hiếm. Bà Hồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vài ngày qua bà phải mua hành lá với giá hơn 100.000 đồng/kg, mức này gấp 2 lần bình thường, nhưng không phải lúc nào cũng có hàng để mua.
Sáng 13-7, dạo quanh một vòng tại chợ Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), ông Hiệp cho biết vẫn chưa mua được mặt hàng hành lá. Theo ông Hiệp, có vài nơi bán nhưng giá đến 100.000-120.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng cam sành được nhiều cửa hàng lên 80.000-90.000 đồng/kg tùy loại - tăng gấp 3 lần bình thường, nhưng không phải nơi nào cũng có bán.
Hành lá là một trong những mặt hàng rất "hay hết hàng" - Ảnh chụp màn hình
"Nhiều người dân tin sử dụng gừng, hành lá, cam sành... có thể tăng sức đề kháng mùa COVID-19 nên xảy ra tình trạng tăng mua. Với nhiều người, đó cũng là gia vị không thể thiếu trong món ăn hằng ngày nên khi nguồn cung thiếu hụt, người bán tận dụng để đẩy giá tăng cao, muốn mua cũng khó", ông Hiệp nhận định.
Giá hành lá nhiều người dân nhận định là gấp cả chục lần so với bình thường.
Giá ớt rất cao, mà vẫn rất khó mua - Ảnh chụp màn hình
Tương tự, mặt hàng gừng tươi hiện cũng sốt giá khi nhu cầu tăng nhưng lượng cung cấp tại các chợ, siêu thị ít, rất khó mua được mặt hàng này. Tại một số website, mặt hàng hành lá và gừng tươi đã ngưng bán, nếu bán giá cũng khá cao như ớt hiểm có trang bán 40.000 đồng/100g, tương đương 400.000 đồng/kg, hành lá 110.000 đồng/kg, và được ghi chú nhóm "hay hết hàng".
Sàn thương mại điện tử T. đang đăng bán giá cho 100g hành lá là 41.000 đồng (chỉ giao tại TP.HCM), và nếu áp dụng giảm giá còn 11.000 đồng. Tính ra mỗi ký hành lá khi chưa giảm giá có mức 410.000 đồng/kg, mức giá này được nhiều người dân nhận định là gấp cả chục lần so với bình thường.
Ngoài hành lá, ớt, gừng..., nấm tươi cũng là mặt hàng tăng nhanh như nấm rơm tươi 250g có nơi bán giá 80.000 đồng, tương đương hơn 320.000 đồng/kg.
Do hành ngò, rau thơm khan hiếm, nhiều người canh mua ở các cửa hàng tiện lợi nhưng đến tầm nửa buổi sáng, hàng đã hết sạch.
Chủ một cửa hàng rau xanh ở Q.10 cho biết do cửa hàng bị phong tỏa nên chỉ có thể nhờ nhà vườn ở Đà Lạt đóng gói sẵn và chuyển thẳng đến tay khách chứ không thể xử lý như mọi khi. "Cửa hàng cũng phải nợ đơn của khách vì xe chở rau cần nhiều thời gian về TP, hàng bị hư hỏng một lượng lớn", chủ cửa hàng cho biết.
Theo đại diện Bách Hóa Xanh, nguồn hàng tươi đang được hạn chế bán online do đang thử nghiệm gần đây. Ngoài ra, nhà bán lẻ cũng gặp khó khăn ở khâu vận chuyển, nguồn nhân lực thiếu hụt do phải cách ly nên có thời điểm một số mặt hàng bị hụt nguồn cung. "Chúng tôi đang nhanh chóng bổ sung hàng lên quầy kệ, hàng tươi sống tương đối ổn định", người đại diện này nói.
Tương tự, vài ngày qua, nhiều người dân phản ảnh giá trứng gà, vịt được nhiều cửa hàng, tạp hóa bán ra ở mức 40.000-60.000 đồng/chục, thậm chí có người cho biết phải mua 70.000 đồng/chục trứng gà, tăng gấp đôi so với bình thường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Chí Thiện - giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) - cho biết giá trứng tăng mạnh nhưng chủ yếu chợ lẻ và cửa hàng, còn lượng trứng được đơn vị phân phối đến siêu thị do là mặt hàng bình ổn nên giá ổn định ở mức 27.000 đồng/chục trứng gà và 31.000 đồng/chục trứng vịt.
Theo ông Thiện, hiện đơn vị gặp nhiều áp lực do nhu cầu thị trường tăng cao và dồn dập nên có thời điểm hụt nguồn cung, chưa kể nhiều nhà cung cấp cho đơn vị đòi tăng giá trứng bán ra.
Bắt đầu đẩy mạnh triển khai bán hàng lưu động
Người dân xếp hàng tại một điểm bán hàng lưu động sáng 13-7 - Ảnh: K.L
Sáng 13-7, siêu thị AEON Việt Nam cho biết đã bắt đầu triển khai các xe bán hàng lưu động tại các khu đông dân cư để kịp thời giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu của người dân, trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Chỉ riêng trong buổi sáng, 4 xe bán hàng lưu động của siêu thị đã đưa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đến tay người dân tại 4 điểm, thuộc ba quận gồm Tân Bình, Bình Thạnh và quận 3. Mỗi điểm bán dự kiến hoạt động trong một buổi để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm tươi sống. Người dân trong khu vực có bán hàng lưu động được thông báo trước để chuẩn bị và đến sớm xếp hàng.
Do khối lượng vận chuyển của từng xe bán hàng lưu động có giới hạn, khách cũng được khuyến khích mua với số lượng vừa phải.
Một số siêu thị khác cũng bắt đầu tăng tần suất bán hàng lưu động. Mặc dù đây là mô hình mới và thời gian chuẩn bị cần triển khai nhanh cho phương tiện, hàng hóa, phương án bán hàng, nhân sự và đảm bảo các biện pháp phòng dịch, các siêu thị cho biết đã gặp đôi chút khó khăn bước đầu, nhưng họ đã cố gắng xử lý nhanh nhất có thể, kịp thời phục vụ người dân.
Thăm dò ý kiến
Nơi bạn đang sống, việc mua rau củ cùng hàng hóa thiết yếu có khó khăn không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận