Sáng 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan kinh tế - xã hội.
Dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra
Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt, vượt mục tiêu đề ra.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thanh khoản thị trường chứng khoán có xu hướng cải thiện...
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân...
Tuy nhiên, theo ông Thanh, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp.
Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp...
Việc triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm...
Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm, nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8-2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022.
Cùng với đó, theo ông Thanh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao...
Các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn một số khó khăn, thách thức. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy được ban hành.
Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông cũng gây rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn diễn ra phức tạp.
Tình trạng lạm thu đầu năm học, lạm thu "quỹ phụ huynh" gây bất bình cho phụ huynh. Số người rút bảo hiểm xã hội tăng cao.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về pháp lý đối với doanh nghiệp
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội...
Đồng thời tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật...
Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận